Nhiều ý kiến đóng góp vào dự thảo các văn kiện Đại hội XIII của Đảng

18/11/2020 13:03

Những ngày qua, thông qua Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh, các tầng lớp nhân dân đã tích cực tham gia ý kiến đóng góp vào dự thảo các văn kiện của Trung ương trình Đại hội XIII của Đảng.

Nhìn chung, hầu hết các ý kiến tham gia đều thống nhất với kết cấu, bố cục và nội dung đã trình bày trong dự thảo các văn kiện của Trung ương trình Đại hội XIII của Đảng. Các dự thảo báo cáo có tính khái quát cao, đánh giá đúng tình hình trên tất cả các lĩnh vực; quá trình chuẩn bị và xây dựng dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII rất công phu, nghiêm túc, kỹ lưỡng.

Qua quá trình nghiên cứu, có một số ý kiến tham gia đề nghị chỉnh sửa, bổ sung vào các dự thảo báo cáo. Về chủ đề Đại hội, một số ý kiến đề nghị bổ sung cụm từ “Nâng cao năng lực lãnh đạo cầm quyền của Đảng” trước cụm từ “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh” thành “Nâng cao năng lực lãnh đạo cầm quyền của Đảng, tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh…”.

Với nội dung dự thảo Báo cáo Chính trị, tại mục I Kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XII và diện mạo đất nước sau 35 năm đổi mới, có ý kiến đề nghị, tại khổ thứ 4, dòng thứ 2 từ dưới lên, trang 20, bổ sung cụm từ “chạy chức, chạy quyền” sau cụm từ “bệnh thành tích”, thành: “… bệnh thành tích, chạy chức, chạy quyền ở một bộ phận cán bộ, đảng viên…”.

Đoàn viên, hội viên, thanh niên góp ý văn kiện Đại hội XIII. Ảnh: Tất Thành  

 

Tại mục II: Tầm nhìn và định hướng phát triển, trong trang 27, khổ thứ 4, dòng thứ 2 từ dưới lên, có ý kiến đề nghị bổ sung cụm từ “kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng sau cụm từ “kiên định đường lối đổi mới” thành: “… kiên định đường lối đổi mới của Đảng; kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc…”; tại khổ thứ 3, dòng thứ 3 từ dưới lên, đa số ý kiến đề nghị bổ sung cụm từ “bảo vệ môi trường cùng với” trước cụm từ “phát triển kinh tế-xã hội” thành: “... bảo vệ môi trường cùng với phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm;…”.

Trang 28, tại Mục tiêu cụ thể, hầu hết các ý kiến thống nhất chọn Phương án 1: Đến năm 2025: Là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, thu nhập bình quân cao; Đến năm 2030: Là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thuộc nhóm trên của các nước có thu nhập trung bình cao; Đến năm 2045: Trở thành nước phát triển, có thu nhập cao. Vì phương án này có tính khả thi cao, vừa phát triển bền vững vừa giữ ổn định kinh tế vĩ mô, tạo đà cho phát triển đất nước.

Ngoài ra, một số ý kiến đề nghị bổ sung nội dung đánh giá kết quả công tác phòng, chống đại dịch Covid-19 và rút ra những bài học quý giá từ công tác phòng, chống dịch Covid-19 vào trong văn kiện Đại hội XIII.

Hầu hết các ý kiến thống nhất cao với dự thảo Báo cáo Tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2011-2020, xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030. Tuy nhiên, có tham gia một số nội dung cụ thể. Theo đó, trong phần Kết quả thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2011-2020, tại mục III, trang 118, khổ thứ 2, dòng thứ 2 từ trên xuống, có ý kiến đề nghị bổ sung cụm từ “nạn tham nhũng, lãng phí còn nhiều” sau câu “…kỷ cương nhiều nơi chưa nghiêm…” thành: “…kỷ cương nhiều nơi chưa nghiêm, nạn tham nhũng, lãng phí còn nhiều…”.

Trong phần Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2021-2030, tại trang 123, hầu hết các ý kiến đề nghị chọn phương án 01: Đến năm 2030, là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thuộc nhóm trên của các nước có thu nhập trung bình cao; Đến năm 2045, trở thành nước phát triển, có thu nhập cao.

Trong mục V về Phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế-xã hội, tại trang 149, tại khổ 1, dòng thứ 12 từ trên xuống, nhiều ý kiến đề nghị thay từ cụm từ “thiểu số” bằng cụm từ “Việt Nam” thành “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa tốt đẹp của các dân tộc Việt Nam...”. Vì những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc đa số (dân tộc Kinh) cũng cần được bảo tồn, phát huy như: Nhã nhạc cung đình Huế, Tuồng, Chèo, Hát xẩm,....

Một số các ý kiến đóng góp vào Phần thứ hai “Phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025”. Theo đó, tại mục II: Mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu, trong trang 209, về mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, hầu hết các ý kiến đề nghị chọn Phương án 1: “là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, thu nhập trung bình cao”. Tại mục IV: nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu: trong trang 236 (mục 9), có ý kiến đề nghị bổ sung thêm giải pháp “Nâng cao trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong việc thực thi chức trách, nhiệm vụ, chịu trách nhiệm những vấn đề trách nhiệm được giao”.

Hầu hết các ý kiến thống nhất cao với Dự thảo Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng nhiệm kỳ Đại hội XII và có tham gia thêm một số ý kiến. Theo đó, tại Mục II: Đánh giá chung, trong trang 223 (mục 1), khổ thứ nhất, dòng thứ 5 dưới lên, có ý kiến đề nghị bổ sung cụm từ “hiệu quả thu hồi tài sản từ tham nhũng, lãng phí còn thấp” sau cụm từ “…tham nhũng, lãng phí vẫn còn diễn biến phức tạp” thành “tham nhũng, lãng phí vẫn còn diễn biến phức tạp, hiệu quả thu hồi tài sản từ tham nhũng, lãng phí còn thấp”.

Tại Mục III: Phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp của công tác xây dựng Đảng nhiệm kỳ Đại hội XIII, tại trang 277 (mục 2.1), khổ thứ 3, dòng thứ 4 từ dưới lên, nhiều ý kiến đề nghị thay cụm từ  “tiên phong, gương mẫu” bằng từ “nêu gương” thành “Phát huy vai trò nêu gương của cán bộ đảng viên, nhất là người đứng đầu….”.

Trang 285 (mục 2.8), khổ thứ 3, dòng thứ 6 từ dưới lên, có ý kiến đề nghị bổ sung cụm từ “sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy” sau cụm từ “tiếp tục đổi mới…” thành “Tiếp tục sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy; đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, nâng cao chất lượng công tác giám sát, phản biện xã hội,...”.           

Hoài Tiến (tổng hợp)

Chuyên mục khác