Nhất thể hóa bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn: Hiệu quả và những khó khăn cần sớm tháo gỡ

01/10/2020 13:01

Thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/TU, ngày 8/8/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức cơ sở đảng và tổ chức đảng trực thuộc đảng ủy cơ sở, trong những năm qua, chủ trương nhất thể hóa chức danh bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, tổ dân phố được triển khai ở một số địa phương. Thực tế cho thấy, đây là chủ trương đúng, đem lại hiệu quả lớn. Tuy nhiên, quá trình thực hiện cũng phát sinh những khó khăn cần tháo gỡ.

Bài 1: Đảng cử, dân tin

Là đảng viên, vừa tiếp thu đường lối, chủ trương, vừa là người trực tiếp triển khai thực hiện tại thôn, làng, các bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn đã phát huy vai trò người đứng đầu, thực hiện công việc nhanh chóng, đồng bộ, đem lại hiệu quả cao.

Thống nhất chủ trương – việc làm

Năm 2016, ông Đỗ Anh Tuấn được bầu làm Bí thư Chi bộ thôn Đăk Wơk Yốp, xã Hơ Moong, huyện Sa Thầy. Thời điểm ấy, sau khi tham gia các cuộc họp, ông cùng trưởng thôn nắm bắt nội dung và triển khai thực hiện. Hầu hết mọi việc đều suôn sẻ. Tuy nhiên, có những lúc vì trưởng thôn chưa là đảng viên, chưa nắm bắt kịp cũng như chưa thể cụ thể hóa nội dung các nghị quyết, chỉ thị thành nội dung công tác ở thôn dẫn đến việc định hướng về tư tưởng, nhiệm vụ ở thôn chưa thật sự đạt hiệu quả.

Năm 2018, thực hiện chủ trương nhất thể hóa chức danh bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, tổ dân phố, ông Tuấn được tín nhiệm giao đảm trách nhiệm vụ bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn. “Ban đầu chưa quen nên tôi khá bỡ ngỡ. Tuy nhiên, được Đảng ủy xã động viên, giúp đỡ nên tôi dần quen và làm tốt nhiệm vụ. Trước đây, mỗi khi triển khai các hoạt động, thôn phải tổ chức nhiều cuộc họp, quán triệt các nghị quyết, sau đó mới bắt đầu đi vào thực hiện. Bây giờ, bản thân vừa là người tiếp thu đường lối, chủ trương, vừa là người trực tiếp tổ chức thực hiện nên công việc được triển khai nhanh, đồng bộ hơn” – ông Tuấn cho biết.

Vừa qua, sau khi được Đảng ủy triển khai về việc xây dựng thôn Đăk Wơk Yốp thành thôn nông thôn mới kiểu mẫu, ông Tuấn nghiên cứu nắm bắt, xây dựng kế hoạch thực hiện, quán triệt đến toàn thể đảng viên trong chi bộ, đến đội ngũ cán bộ, đoàn thể trong thôn và triển khai bằng những phần việc cụ thể. Với sự thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo nên việc xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu đã nhanh chóng được người dân đồng tình hưởng ứng.

Ông Đỗ Anh Tuấn (trái) - Bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn thôn Đăk Wơk Yốp, xã Hơ Moong (huyện Sa Thầy) tuyên truyền, vận động người dân thực hiện theo đường lối, chủ trương của Đảng. Ảnh: H.T

 

Ông Mai Nhữ Nam – Bí thư Đảng ủy xã Hơ Moong cho biết: “Từ khi làm bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, anh Tuấn triển khai công việc rất nhanh, đúng, trúng và hiệu quả. Đây là thôn đầu tiên chúng tôi thực hiện theo chủ trương nhất thể hóa chức danh bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, tổ dân phố, trong thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai ở các thôn, làng khác”.

Cũng như anh Tuấn, năm 2018, chị Y Viến được giao nhiệm vụ bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn thôn Ba Khen, xã Văn Xuôi, huyện Tu Mơ Rông. Đảm nhận  trọng trách, chị phát huy tinh thần gương mẫu, tập trung vận động người dân hiến đất, góp ngày công cùng UBND xã bê tông hóa giao thông nông thôn, xây dựng nông thôn mới. Nhờ vậy, chỉ trong 2 năm, thôn Ba Khen đã xây dựng được 6 tuyến đường trục thôn, đường ra khu sản xuất.

Bên cạnh đó, chị Y Viến đã khéo léo phát huy vai trò của các đảng viên trong chi bộ gương mẫu, đi đầu vận động người dân trong thôn chăn nuôi bò sinh sản, trồng cây dược liệu, xóa đói giảm nghèo.

“Là người đứng đầu thôn, tôi nắm bắt các chỉ đạo, chủ trương của trên, đề ra các nhiệm vụ, kế hoạch, đồng thời cũng là người trực tiếp triển khai đến bà con nên công việc rất thống nhất, khắc phục được sự chồng chéo và không bỏ sót nhiệm vụ, đồng thời giảm được rất nhiều thời gian” – chị Y Viến chia sẻ.

Qua thực tiễn triển khai, chủ trương nhất thể hóa chức danh bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, tổ dân phố đã tạo được sự thống nhất, từ đó giải quyết kịp thời những vấn đề phát sinh từ cơ sở.

Nòng cốt xây dựng chi bộ vững mạnh

Sau khi tiến hành sáp nhập một số thôn, tổ dân phố, thành phố Kon Tum có 154 khu dân cư, trong đó, đã thực hiện nhất thể hóa chức danh bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố tại 94/154 khu dân cư.

Bà Ngô Thị Hoàng Anh – Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy cho biết: “Thực hiện nhất thể hóa bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn tại 94 thôn, tổ dân phố, chúng tôi giảm được 94 cán bộ thôn, giúp tinh gọn bộ máy. Hơn thế, việc triển khai công việc tại một đầu mối cũng mang lại hiệu quả hơn”.

Cũng như thành phố Kon Tum, việc thực hiện chủ trương nhất thể hóa chức danh bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn đã góp phần phát huy vai trò của người đứng đầu ở các thôn, làng trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông. Theo đó, các nghị quyết, nhiệm vụ được triển khai thực hiện hiệu quả. Ngoài ra, những vấn đề phát sinh tại các thôn, làng cũng được xử lý, giải quyết nhanh chóng.

Với những hiệu quả từ thực tế, huyện Tu Mơ Rông đã triển khai thực hiện nhất thể hóa bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn tại 31/86 khu dân cư. Ông A Dân – Phó Bí thư Huyện ủy Tu Mơ Rông cho biết: “Việc nhất thể hóa góp phần tinh gọn, giảm kinh phí cho tổ chức bộ máy”.

Cô Hoàng Thị Tưởng - Bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn thôn Ngọc Yên Phúc, xã Đăk Xú, huyện Ngọc Hồi (trái) ra tận rẫy vận động bà con làm các mô hình phát triển kinh tế. Ảnh: H.T

 

Bên cạnh việc tinh gọn bộ máy, qua tìm hiểu thực tế, chúng tôi nhận thấy, các bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn đã thể hiện rõ vai trò hạt nhân lãnh đạo chính trị, trung tâm đoàn kết của tổ chức đảng, của thôn; là nòng cốt xây dựng chi bộ vững mạnh.

Không rập khuôn với việc triển khai sinh hoạt chi bộ cũng như tổ chức các hoạt động, phong trào, đội ngũ bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn mạnh dạn đổi mới phương thức hoạt động, đẩy mạnh toàn diện các mặt công tác xây dựng Đảng.

Đơn cử như chị Y Deng, khi làm bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn Đăk Vang, xã biên giới Sa Loong, huyện Ngọc Hồi, chị đã linh hoạt trong việc tổ chức sinh hoạt chi bộ. “Chúng tôi khơi gợi, lựa chọn những vấn đề thiết thực, gần gũi để trao đổi trong các buổi sinh hoạt. Cùng với đó, chúng tôi thường xuyên đồng hành, nắm bắt tư tưởng của bà con trong làng, trong thôn, từ đó cùng vận động người dân thực hiện theo đường lối, chủ trương”.

Hay như ông Đỗ Anh Tuấn, “làm đầu tàu” tại thôn gần 100% dân số là đồng bào DTTS, ông luôn gần gũi tìm hiểu, nắm bắt về phong tục, tập quán đời sống tinh thần của bà con, cùng ăn, cùng ở, cùng giúp đỡ bà con, từ đó nắm bắt và có những hoạt động, biện pháp để tuyên truyền hiệu quả.

“Việc gì có lợi cho dân thì mình làm. Ban đầu bà con còn giữ khoảng cách, ít chia sẻ với tôi nhưng bây giờ thì khác rồi, họ đã tin tưởng nên có việc gì họ cũng tìm đến tôi để trao đổi, chia sẻ”- ông Đỗ Anh Tuấn cho hay.

Với nhiều việc làm thiết thực, hiệu quả, những bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn đã tạo được niềm tin, sự đồng thuận của bà con nhân dân, từ đó thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Hoài Tiến

Chuyên mục khác