Người đứng đầu và trách nhiệm nêu gương

14/12/2022 13:16

Người đứng đầu là người được Đảng, Nhà nước, đoàn thể, nhân dân chọn lựa, cử ra chịu trách nhiệm lãnh đạo một cách toàn diện, hệ thống mọi hoạt động trong phạm vi địa phương, cơ quan, đơn vị mình quản lý.

Hoạt động lãnh đạo của người đứng đầu thể hiện ở việc quyết định toàn bộ mọi vấn đề một cách đúng đắn, chính xác; tổ chức chỉ đạo thực hiện những vấn đề ấy có hiệu quả; chỉ đạo kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ mọi hoạt động bảo đảm đúng Nghị quyết, đúng đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước và có kết quả cụ thể, thiết thực.

Nhận thức sâu sắc vai trò của người đứng đầu trong lãnh đạo phát triển kinh tế-xã hội địa phương, trong những năm qua, tỉnh Kon Tum luôn chú trọng việc nêu cao vai trò gương mẫu, tiên phong của người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị, địa phương trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.

Đã tích cực nâng cao nhận thức trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về vai trò người đứng đầu, các cấp ủy, cơ quan, đơn vị, địa phương, từ tỉnh đến cơ sở, thông qua việc quán triệt, triển khai đầy đủ, toàn diện các chỉ thị, nghị quyết, quy định của Trung ương về vai trò, trách nhiệm, sự nêu gương của người đứng đầu.

Cần nhận thức sâu sắc vai trò của người đứng đầu trong lãnh đạo phát triển kinh tế-xã hội
địa phương
. Ảnh: S.C

 

Trong đó có Quy định số 101-QĐ/TW, ngày 7/6/2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cấp lãnh đạo chủ chốt các cấp (Quy định số 101), Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về một số vấn đề cấp bách xây dựng Đảng hiện nay, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Rà soát, bổ sung và cơ bản hoàn thiện hệ thống quy chế, quy định về mối quan hệ, lề lối làm việc; quản lý tổ chức cán bộ; tăng cường phân cấp, phân quyền gắn với trách nhiệm người đứng đầu; quy định thực hiện trách nhiệm nêu gương của cán bộ, lãnh đạo chủ chốt các cấp.

Cùng với đó, tỉnh đã sắp xếp cơ cấu, tổ chức bộ máy, quy định và điều chỉnh lại chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan chuyên môn trực thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện phù hợp với quy định của Chính phủ và tình hình thực tiễn của địa phương.

Những người đứng đầu cấp ủy, chính quyền đã thực hiện đúng nguyên tắc tập trung, dân chủ; tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. Trong mọi hoạt động, người đứng đầu là những người gương mẫu trong việc chấp hành các Nghị quyết của Đảng và pháp luật của Nhà nước, là tấm gương về đạo đức, lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật, năng lực công tác, tinh thần trách nhiệm với công việc; họ biết tôn trọng, động viên, phát triển và sử dụng sức mạnh, trí tuệ tập thể vào việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị.

Xây dựng chương trình, nội dung cụ thể để thực hiện tốt quy định của Ban Bí thư Trung ương Đảng về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên. Cụ thể là việc chỉ đạo, lựa chọn những vấn đề trọng tâm, phức tạp, nhất là các vấn đề liên quan đến cải cách hành chính (CCHC), chế độ, chính sách, đất đai, giải phóng mặt bằng; hoặc đi sâu tìm hiểu, nhận định rõ những vấn đề yếu kém trong công tác lãnh đạo, điều hành và nguyên nhân, để đưa ra những giải pháp khắc phục hiệu quả nhất.

Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền đã có nhiều quyết định lãnh đạo, quản lý hướng vào những vấn đề bức thiết do cuộc sống đặt ra, bước đầu đáp ứng tâm tư nguyện vọng của nhân dân, có tác động tích cực tới sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng một số quyết định của người đứng đầu ban hành không phù hợp với thực tế, khó thực hiện, giải quyết vấn đề một cách chung chung, không đảm bảo khách quan và công bằng, có thể hiểu và làm khác nhau.

Người đứng đầu nêu gương trong bám sát cơ sở. Ảnh: SC

 

Đôi khi người đứng đầu còn nể nang, thỏa hiệp, dựa dẫm cấp trên một cách thụ động, không tự chịu trách nhiệm khi ra quyết định lãnh đạo. Hoặc ra quyết định lãnh đạo, quản lý không đúng thẩm quyền, không đủ căn cứ pháp lý, quyết định có nội dung trùng lặp, chồng chéo ngay trong bản thân quyết định hoặc những quyết định đã ra trước đó.

Việc ban hành một quyết định lãnh đạo vi phạm, hoặc không phù hợp với thực tế, ở quy mô nhỏ thì sẽ có tác động tiêu cực đến việc triển khai nhiệm vụ của một cơ quan, đơn vị, ở quy mô lớn sẽ ảnh hưởng đến kinh tế-xã hội của một địa phương.

Trên cơ sở những kết quả đạt được, nhằm tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, xuất phát từ thực tiễn hiện nay, cần tiếp tục tập trung lãnh đạo thực hiện các giải pháp cụ thể nâng cao năng lực lãnh đạo, điều hành cơ quan, đơn vị, địa phương gắn với cơ chế kiểm soát trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu.

Theo đó, xác định rõ thẩm quyền, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong mối quan hệ với tập thể cấp ủy, cơ quan, đơn vị. Quán triệt và nghiêm túc thực hiện quan điểm thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ đi đôi với phát huy trách nhiệm của các tổ chức và người đứng đầu các tổ chức trong hệ thống chính trị về công tác cán bộ.

Chú trọng kiểm tra, giám sát, kiểm soát người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao và việc giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống. Coi trọng xây dựng kế hoạch, chương trình hành động và kiểm tra thực hiện, chú trọng công tác tổng kết thực tiễn.

Lựa chọn vấn đề triển khai có trọng tâm, trọng điểm và chỉ đạo lãnh đạo bằng nghị quyết chuyên đề để tháo gỡ và mở ra định hướng đúng trong công tác quản lý và nghiên cứu khoa học, công tác tổ chức cán bộ và cải cách hành chính của địa phương. Lấy chất lượng và hiệu quả làm thước đo trong đánh giá hoạt động và công tác cán bộ, không phô trương và tránh hình thức trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao.   

Sông Côn

Chuyên mục khác