Nghĩa Đảng tình Dân

04/10/2020 13:03

Trong 90 năm xây dựng và phát triển của Đảng bộ tỉnh Kon Tum, những truyền thống tốt đẹp đã được viết nên từ 2 cuộc kháng chiến gian khổ, anh dũng, tạo thành sức mạnh tinh thần to lớn chiến thắng kẻ thù. Trong đó, nghĩa Đảng tình Dân giữa cán bộ Cụ Hồ và đồng bào các DTTS tại chỗ là nét đẹp quý báu luôn được nâng niu, gìn giữ và phát huy.

Ông Trần Thanh Dân, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Gia Lai - Kon Tum kể, là một trong số cán bộ của Đảng được tăng cường từ đồng bằng lên miền núi, cuối 1953 đầu năm 1954, ông đã có mặt tại khu vực H29 của tỉnh Kon Tum giáp vùng căn cứ Cách mạng nổi tiếng Ba Tơ (Quảng Ngãi). Năm 1954, ông không tập kết ra Bắc, mà ở lại, bám trụ, cùng đồng bào, đồng chí xây dựng lực lượng cách mạng tại địa bàn. Với ông, nghĩa tình của đồng bào các DTTS trong căn cứ kháng chiến là nghĩa tình thiêng liêng sâu đậm, không thể nào quên. Ông Trần Thanh Dân tâm sự: Muốn xây dựng căn cứ, trước tiên, mỗi cán bộ “nằm vùng” phải được “lót ổ”. “Ổ” ở đây chính là người dân, là “lòng dân”; tức là phải sống trong nhân dân, được bà con nuôi nấng, chở che. Đồng bào vùng sâu, vùng xa từng bảo rằng ngày trước, khi chưa hiểu gì về cách mạng, về những người cộng sản, có người phải vội vào trong rừng trong núi để “trốn”. Tuy vậy, lúc đã nhận thức rõ con đường của Đảng, của Bác Hồ, thì bà con đã sẵn sàng nuôi giấu, che chở các cán bộ, bộ đội.

Hàng chục năm kể từ khi những căn cứ cách mạng được xây dựng tại khu vực Bắc Tây Nguyên đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đồng bào các DTTS trong tỉnh đã kiên trì, bền bỉ vượt qua muôn ngàn gian khó, nhường cơm sẻ áo, nuôi dưỡng cán bộ, bộ đội như chính con em ruột thịt của mình. Đã có biết bao kỷ niệm đẹp, thắm tình Dân nghĩa Đảng được khắc ghi, lưu nhớ, thể hiện sinh động sức mạnh to lớn để chiến thắng kẻ thù.

Gần dân, sát dân, đến từng cơ sở. Ảnh: T.N

 

Ông Nguyễn Tập (tức Nguyễn Phùng) nguyên là cán bộ của huyện Bình Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) được điều động lên Kon Tum từ năm 1950, từng là Phó Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum trong kháng chiến. Xúc động khi nhớ về những năm tháng “chịu ơn” đồng bào vùng căn cứ, ông kể: “Có lần, ở làng Tam Mơ Năng (xã Đăk Ui), địch vây ráp dữ lắm, không ai được ra ngoài, thế mà cơ sở của ta là một cô gái trẻ vẫn khéo léo giấu hai vắt cơm trong ngực mình, mang ra ngoài rừng cho tôi…”. Cảm động đến trào nước mắt, ông Tập ráng cầm cự trong nhiều ngày để cùng anh em chỉ đạo công tác. Ông còn đặt thêm cho cô gái cái tên “Liên” thật đẹp. Lần khác, khi địch siết vòng vây làng thì có một cơ sở của ta bị bệnh phong vẫn chống gậy, đem cơm cho cán bộ ở ngoài căn cứ… Không có những người dân, những cơ sở cách mạng gan dạ, kiên trung như vậy, làm sao cách mạng có thể đi đến ngày thắng lợi?. Đó là nghĩa tình mà trong cả cuộc đời theo Đảng, theo Bác Hồ của mình, ông Nguyễn Tập luôn ghi nhớ.

Được nuôi dưỡng, nâng niu, gìn giữ, nghĩa Đảng tình Dân đã góp phần làm nên truyền thống tốt đẹp của Đảng bộ tỉnh qua 90 năm xây dựng và trưởng thành. Trong hành trình xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, vùng đồng bào các DTTS địa phương không chỉ được tập trung mọi nguồn lực để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, hỗ trợ sản xuất, đời sống; mà còn được tiếp nhận nhiều hoạt động cùng đồng hành, trợ lực của các cấp, ngành, địa phương, đơn vị, cộng đồng thông qua nỗ lực hướng về cơ sở, chung tay giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội.

45 năm sau ngày đất nước thống nhất và gần 30 năm sau ngày được thành lập lại, tỉnh Kon Tum đã tạo được sự chuyển biến rõ nét trên các mặt  kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn địa bàn. Diện mạo đô thị, nông thôn không ngừng khởi sắc. Đời sống đồng bào vùng sâu vùng xa, vùng căn cứ kháng chiến cũ ngày càng được cải thiện.

Gần dân, sát dân, “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin” - phương châm cụ thể, thiết thực ấy đã, đang và sẽ luôn được thể hiện một cách sinh động và đầy đủ trong thực tế. Đó cũng chính là cách để gìn giữ và phát huy truyền thống “nghĩa Đảng tình Dân” tốt đẹp được hun đúc từ trong quá khứ hào hùng của quê hương, đất nước.

Thanh Như

Chuyên mục khác