Nghị quyết mang “ý Đảng – lòng dân”

30/09/2015 11:03

Thật ý nghĩa nếu gọi Nghị quyết 01(khóa XI) nay là Nghị quyết 04 (khóa XIII) của Tỉnh ủy là Nghị quyết của “ý Đảng-lòng dân”. Bởi đây là Nghị quyết được triển khai, vận dụng qua nhiều giai đoạn và không ngừng phát triển để phù hợp với thực tiễn, mang lại chuyển biến tích cực cho diện mạo vùng sâu, vùng đồng bào DTTS cũng như đời sống của bà con nơi đây, đặc biệt đã tạo được mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa Đảng với nhân dân.

Động lực để cơ sở phát triển

Sau ngày thành lập lại tỉnh, với đặc thù 54% dân số là đồng bào DTTS, đời sống bà con còn nhiều khó khăn nên Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị 10-CT/TU về xây dựng các xã vùng cao, biên giới, sau đó nâng lên thành Nghị quyết 01-NQ/TU về “Tiếp tục xây dựng các xã vùng đồng bào DTTS, vùng kinh tế mới khó khăn” và đến năm 2007, Tỉnh ủy bổ sung ban hành Nghị quyết số 04 Tỉnh ủy (khóa XIII) về “Đẩy mạnh xây dựng các xã đặc biệt khó khăn”. Qua các giai đoạn triển khai, bổ sung và phát triển cho phù hợp với thực tế, những nội dung cốt lõi của Nghị quyết 04 Tỉnh ủy đã góp phần tạo chuyển biến mạnh mẽ đời sống, nhận thức bà con vùng sâu, vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh.

Đồng chí Ka Ba Tơ – nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Kon Tum nhớ lại: Những năm đầu mới thành lập lại tỉnh, đứng trước muôn vàn khó khăn nên Tỉnh ủy đã quyết định hướng các hoạt động về cơ sở để giúp đỡ bà con vùng sâu, vùng đồng bào DTTS thoát khỏi đói nghèo. Để nắm bắt tình hình ở cơ sở, cuộc sống của bà con, bản thân tôi cùng một số đồng chí lãnh đạo của tỉnh lúc bấy giờ đi bộ ròng rã hàng tuần về các xã vùng sâu. Trong những ngày ấy, chúng tôi nhận thấy rằng, để giải quyết bài toán nghèo đói cho người dân vùng sâu, vùng xa, vùng DTTS hết sức nan giải, không đơn thuần có kinh phí là được, mà còn phải nâng cao dân trí, có sự hướng dẫn cụ thể của cán bộ có kinh nghiệm... Vì vậy, ngày 28/3/1994, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 10-CT/TU về việc xây dựng các xã vùng cao, vùng biên giới nhằm tập trung mọi nguồn lực làm chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa về KT-XH, ANQP và xây dựng hệ thống chính trị cơ sở. Điều đặc biệt nhất cho thấy quyết tâm của tỉnh là lúc bấy giờ dù nguồn thu chỉ được 5 tỷ đồng/năm nhưng tỉnh vẫn quyết định hỗ trợ cho 2 huyện khó khăn nhất là Đăk Tô và Đăk Glei 1 tỷ đồng/huyện để tập trung xây dựng các mô hình phát triển kinh tế cho bà con. Cũng từ đây, nhiều mô hình trồng cà phê, chăn nuôi hộ gia đình xuất hiện...

Công ty Cao su Sa Thầy trao bò giống sinh sản cho các hộ gia đình khó khăn tại xã kết nghĩa Ia Dom (huyện Ia H'Drai). Ảnh: HT

 

“Cái hay nhất của Nghị quyết xây dựng xã vùng sâu, vùng kinh tế mới (sau này là xã đặc biệt khó khăn) đó là vừa tạo động lực giúp bà con thoát nghèo, vừa tạo điều kiện để cán bộ gần dân-sát hộ, tránh được tình trạng xa rời quần chúng của một bộ phận cán bộ, đảng viên; thực hiện đúng theo tư tưởng, lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về “lấy dân làm gốc”” – đồng chí Ka Ba Tơ chia sẻ.

Gắn bó sâu sắc giữa Đảng với dân

Từ năm 2007, sau khi Nghị quyết 04 được ban hành, đến nay đã có 13.961 lượt cán bộ của các cơ quan, đơn vị kết nghĩa xã của tỉnh được phân công xuống 53 xã đặc biệt và trọng điểm đặc biệt khó khăn phối hợp với các lực lượng xây dựng xã bám làng, nắm hộ, phổ biến, tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt mục tiêu Nghị quyết đề ra; vận động nhân dân thực hiện tốt các chính sách về dân tộc, tôn giáo và các chính sách đầu tư, hỗ trợ của Chính phủ, của tỉnh, huyện, tạo mối quan hệ sâu sắc giữa Đảng và dân.

Còn nhớ năm 2009, trong chuyến công tác cùng Sở Công thương xuống giúp đỡ bà con di dời về làng mới sau cơn bão số 9 tại một số thôn (làng) của xã Ngọc Lây (huyện Tu Mơ Rông) bị sạt lở, tôi đã được chứng kiến sự gắn bó giữa cán bộ các cấp với dân. Mọi người đã cùng với bà con dựng nhà mới; tìm giải pháp chăm lo cho cuộc sống người dân sau bão lũ… Và chỉ sau một tuần triển khai, những căn nhà mới đã được đưa vào sử dụng, cuộc sống bà con vùng tái định cư dần đi vào ổn định.

Ông Bùi Văn Cư – Phó Giám đốc, phụ trách công tác 04 của Sở Công thương chia sẻ: Nhận thức được ý nghĩa sâu sắc của hai từ “kết nghĩa” nên lãnh đạo sở đã phân công cán bộ xuống cơ sở làm tốt công tác phối hợp tuyên truyền vận động bà con phát huy truyền thống cần cù trong lao động sản xuất; khảo sát, nắm bắt thế mạnh của địa phương để qua đó giúp xã xây dựng kế hoạch phát triển hàng năm; tham mưu cho Đảng ủy, UBND xã xây dựng và phát triển một số đề án phát triển KT-XH như xây dựng cơ sở chế biến nông-lâm sản, nhận khoán chăm sóc bảo vệ rừng, kế hoạch phát triển cây công nghiệp (cà phê, quế…); xây dựng cụm dân cư, đề án xây dựng nông thôn mới; tham mưu giúp cấp ủy xây dựng kế hoạch kiện toàn sắp xếp đội ngũ cán bộ công chức xã theo tinh thần chỉ đạo của cấp trên, bố trí cán bộ theo năng lực, chấn chỉnh lề lối làm việc, chú trọng công tác đào tạo và quy hoạch…

 

Khi ý Đảng hợp lòng dân

Đồng chí Võ Ngọc Trung – Uỷ viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Phó Ban Thường trực BCĐ 04 của tỉnh cho rằng, thành công của Nghị quyết phải kể đến nhiều nhân tố, trong đó quan trọng nhất là khi “ý Đảng” hợp “lòng dân”.

Và cùng với việc phân công cán bộ xuống bám làng, sát hộ của các cơ quan, đơn vị, HĐND tỉnh đã ban hành các nghị quyết nhằm hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho các xã đặc biệt và trọng điểm đặc biệt khó khăn; UBND tỉnh đã ban hành các quyết định cụ thể hóa việc thực hiện Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy và các chính sách, chủ trương của tỉnh trên địa bàn các xã đặc biệt và trọng điểm đặc biệt khó khăn. Hàng năm, ngân sách tỉnh hỗ trợ các cơ quan kết nghĩa 980 triệu đồng/năm để giúp xã kết nghĩa. Ban chỉ đạo 04 Tỉnh ủy cũng đã tham mưu, đề xuất Tỉnh ủy ban hành cơ chế, chính sách thực hiện Nghị quyết; hướng dẫn, tập huấn các tổ công tác về xây dựng thôn (làng) no đủ-vững mạnh-an toàn; kiểm tra, đôn đốc cấp ủy, cơ quan, đơn vị kết nghĩa xây dựng xã; UBMTTQVN tỉnh phối hợp với các tổ chức thành viên huy động, kêu gọi các tổ chức, cá nhân ủng hộ xây dựng nhà đại đoàn kết, quỹ vì người nghèo, quỹ đền ơn đáp nghĩa để góp phần xây dựng xã; các huyện ủy phân công phòng, ban, đơn vị của huyện giúp các thôn (làng); phối hợp với cơ quan, đơn vị của tỉnh thực hiện nhiệm vụ giúp xây dựng xã...

Các cơ quan, đơn vị kết nghĩa của tỉnh đã huy động gần 30 tỷ đồng hỗ trợ các xã đặc biệt khó khăn thực hiện công tác đền ơn đáp nghĩa, hỗ trợ gia đình chính sách, hộ nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn; phát hiện, giúp đỡ, tạo nguồn, giới thiệu cho đảng ủy xã 422 đối tượng để bồi dưỡng, kết nạp 113 đảng viên mới ở các thôn, 100% số thôn (làng) có đảng viên và 98% số thôn có tổ chức đảng; 28,8% số thôn (làng) cơ bản đạt no đủ-vững mạnh-an toàn.

Đến nay 100% xã đặc biệt khó khăn đã có đường ôtô đến được trung tâm, 52 xã có đường ô tô đi được cả hai mùa, tăng 33,3% so với năm 2007; 94,35% số xã có điện lưới quốc gia, tăng 28%; 98,9% hộ ĐBDTTS định canh định cư vững chắc, tăng 11,8%; tỉ lệ hộ có nhà xây kiên cố, bán kiên cố đạt 76,3%, tăng 31%; tỉ lệ hộ nghèo giảm từ 57,2% (theo tiêu chí cũ) đến cuối năm 2014 giảm xuống còn 34,7%, trong đó 20 xã trọng điểm đặc biệt khó khăn đã giảm được tỉ lệ hộ nghèo bình quân còn 44%; giáo dục, y tế đặc biệt được quan tâm đầu tư; hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 3.421 căn nhà…

“Có thể khẳng định, xuyên suốt thời gian dài, qua việc thực hiện hiệu quả Nghị quyết của “ý Đảng-lòng dân”, các xã đặc biệt và trọng điểm đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh đã có sự thay đổi, chuyển biến rõ nét trên tất cả các lĩnh vực” - đồng chí Võ Ngọc Trung nhấn mạnh.

Sông Côn

Chuyên mục khác