19/05/2025 06:02
|
Có thể nói rằng, những năm qua, xác định tầm quan trọng của ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong nông nghiệp, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo chuyển đổi mô hình từ sản xuất truyền thống sang nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, hướng tới nền nông nghiệp bền vững và thân thiện với môi trường.
Từ năm 2016, Tỉnh ủy và HĐND tỉnh đã ban hành các nghị quyết về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nhằm định hướng đúng đắn và tạo sự nhất quán, thông suốt từ tư duy, nhận thức đến hành động trong cả hệ thống chính trị. Trong đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 30/6/2016, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 64/2016/NQ-HĐND ngày 19/8/2016 về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với chế biến trên địa bàn tỉnh.
UBND tỉnh ban hành các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân tiếp cận các công nghệ mới.
Khuyến khích nghiên cứu và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, nhất là trong lai tạo giống cây trồng, vật nuôi có năng suất và chất lượng cao, phù hợp với điều kiện thời tiết và thổ nhưỡng của tỉnh.
Bên cạnh đó, tỉnh chú trọng thu hút đầu tư đối với các dự án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Trong giai đoạn 2021-2024, đã thu hút 20 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký hơn 3.550 tỷ đồng, trong đó có một số dự án đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao quy mô lớn.
Theo báo cáo của UBND tỉnh, tỉnh đã công nhận 2 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (vùng sản xuất cà phê Đăk Hà; vùng sản xuất rau, củ, quả Măng Đen, huyện Kon Plông); thiết lập các vùng trồng được cấp mã số (với tổng diện tích hơn 650ha).
Diện tích sản xuất có ứng dụng khoa học- kỹ thuật đạt khoảng 27.277ha; diện tích sản xuất được chứng nhận theo các tiêu chuẩn chất lượng đạt 2.507ha.
Tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao năm 2024 đạt khoảng 29,85% trong tổng giá trị sản xuất nông nghiệp, tăng 17,16% so với năm 2022.
Đáng ghi nhận là nhận thức, tư duy của người dân và doanh nghiệp có bước chuyển biến từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp; từ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún sang sản xuất hàng hoá, tập trung, quy mô lớn; công nghệ cao được ứng dụng rộng rãi hơn, từ sản xuất đến chế biến và tiêu thụ.
Có thể khẳng định, những bước đi vừa mang tính chiến lược vừa mang tính cụ thể đã và đang đem lại sức bật mạnh mẽ cho ngành Nông nghiệp, từng bước tiếp cận sản xuất nông nghiệp hiện đại.
Tuy nhiên, ngành Nông nghiệp đang đứng trước nhiều thách thức, khó khăn. Trong đó, trình độ phát triển kinh tế nông nghiệp còn thấp; sản xuất manh mún, nhỏ lẻ; chủ yếu dựa vào ưu thế về tự nhiên, đất đai và sức lao động nên dễ bị tổn thương trước thiên tai, dịch bệnh và ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường; năng suất, chất lượng chưa cao, giá trị gia tăng thấp.
|
Các mô hình sản xuất nông nghiệp truyền thống, vốn phụ thuộc vào lao động thủ công và tiêu thụ lớn vật tư đầu vào, còn phổ biến. Việc chuyển giao, ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ chủ yếu ở quy mô hộ gia đình và các hợp tác xã, trang trại sử dụng ít lao động, còn dừng lại ở mức độ đơn giản.
Mức độ nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học, vi sinh bản địa trong kiểm soát dịch bệnh; ứng dụng công nghệ trong quản lý hệ thống canh tác nông nghiệp; sản xuất biochar từ phế phẩm nông thôn nhằm cải tạo đất thoái hóa còn hạn chế.
Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn thiếu những doanh nghiệp “đầu tàu” trong nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp; chuyển giao, dẫn dắt, hỗ trợ nông dân thực hiện.
Trong bối cảnh chịu nhiều áp lực về biến đổi khí hậu, cạnh tranh lớn, chuyển đổi số mạnh mẽ ở các ngành, lĩnh vực, trong đó có ngành Nông nghiệp, Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị là “kim chỉ nam”, là vận hội mới để ngành Nông nghiệp có bước đột phá để nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng của sản phẩm nông nghiệp.
Chương trình số 95-CTr/TU ngày 24/1/2025 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW đã xác định: Tập trung triển khai chuyển đổi số trong các ngành kinh tế trọng điểm, có tiềm năng lớn, trong đó có nông nghiệp.
Trên tinh thần đột phá của Nghị quyết 57 và Chương trình số 95-CTr/TU ngày 24/1/2025 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, ngành Nông nghiệp cần đổi mới tư duy, lấy khoa học công nghệ, chuyển đổi số làm nền tảng phát triển; nắm bắt các xu hướng tiên tiến như nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp đa giá trị, chuyển đổi xanh.
Trong đó, trọng tâm là tháo gỡ các rào cản, thúc đẩy nghiên cứu khoa học công nghệ gắn với thực tiễn để có thể ứng dụng nhanh chóng vào sản xuất; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nghiên cứu và phát triển, đặc biệt là trong các lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ sinh học. Tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.
Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, gắn với nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái; thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa ngành nông nghiệp và các ngành thương mại, dịch vụ - du lịch; xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản gắn với chế biến, bảo quản và xuất khẩu giá trị cao.
Khuyến khích nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học, vi sinh bản địa; ứng dụng công nghệ trong quản lý hệ thống canh tác nông nghiệp; sản xuất biochar từ phế phẩm nông thôn nhằm cải tạo đất thoái hóa.
Đẩy mạnh thực hiện liên kết "6 nhà” gồm: “Nhà nước - Nông dân - Nhà khoa học - Doanh nghiệp - Ngân hàng- Nhà phân phối" trong chuỗi phát triển sản xuất gắn ứng dụng công nghệ cao.
Sông Côn