“Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” và vấn đề xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay

10/10/2023 13:08

Đầu năm 1969, nhân dịp kỷ niệm 39 năm ngày thành lập Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” đăng trên báo Nhân dân, số 5409, ngày 3/2/1969. Đây là bài viết sau cùng của Người về đạo đức cách mạng, đã, đang và sẽ trở thành cơ sở lý luận cho công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Đảng ta “là đạo đức, là văn minh”.
Quang cảnh Hội thảo khoa học cấp quốc gia về tác phẩm "Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân". Ảnh: NDO

 

Mở đầu tác phẩm, Người viết: “Đảng ta lãnh đạo rất sáng suốt đã đưa dân tộc ta tiến lên không ngừng từ thắng lợi này đến thắng lợi khác”. Thế nhưng, Người cũng rất nghiêm khắc phê bình nhiều cán bộ, đảng viên sa vào chủ nghĩa cá nhân, vậy nên “đạo đức, phẩm chất còn thấp kém”, “việc gì cũng nghĩ đến lợi ích riêng của mình trước hết”. Tác hại của chủ nghĩa cá nhân là vô cùng lớn, vô cùng nguy hiểm đối với Đảng, với cách mạng. “Do cá nhân chủ nghĩa mà ngại gian khổ, khó khăn, sa vào tham ô, hủ hóa, lãng phí, xa hoa… tham danh trục lợi, thích địa vị quyền hành… xa rời quần chúng,… mất đoàn kết…”. Tất cả những điều đó là những căn bệnh và khuyết điểm được nảy sinh trong điều kiện của đảng cầm quyền, sẽ làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng.

Trong hơn 93 năm qua, Đảng Cộng sản Việt Nam đã xác lập, củng cố và ngày càng nâng cao vai trò lãnh đạo, sức mạnh và uy tín của mình đối với cách mạng, đối với nhân dân, được nhân dân hết lòng tin yêu, ủng hộ và bảo vệ. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, dân tộc ta đã giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác, lập nên nhiều kỳ tích trong thế kỷ XX. Trong thời kỳ đổi mới, Đảng đã lãnh đạo đất nước vượt qua mọi khó khăn, thách thức và đạt được nhiều thành tựu to lớn, toàn diện, có ý nghĩa lịch sử, đưa đất nước ta sánh vai với các cường quốc năm châu.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định: “Trong những năm tới phải đặc biệt coi trọng và đẩy mạnh hơn nữa xây dựng, chỉnh đốn Đảng toàn diện về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ”. Trong đó, xây dựng Đảng về đạo đức là “nền tảng”, là “cái gốc” cho Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng. “Nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện các giá trị đạo đức cách mạng ... cho phù hợp với điều kiện mới và truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc”. “Đẩy mạnh giáo dục đạo đức cách mạng, làm cho mỗi cán bộ, đảng viên thấy rõ bổn phận và trách nhiệm của mình… Nâng cao ý thức tu dưỡng, rèn luyện và thực hành đạo đức cách mạng. Tăng cường đấu tranh chống các quan điểm, hành vi phản đạo đức, phi đạo đức. Cổ vũ, biểu dương các gương sáng đạo đức, tạo ảnh hưởng sâu rộng trong Đảng và xã hội”.

Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Kon Tum lần thứ XVI (2020-2025) đã nhấn mạnh: “Đẩy mạnh giáo dục đạo đức cách mạng, đề cao trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu, cán bộ, đảng viên trong triển khai thực hiện nhiệm vụ địa phương, đơn vị… Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có phẩm chất đạo đức, năng lực, trách nhiệm, tâm huyết với nhiệm vụ được giao”. Đồng thời rà soát, xử lý, miễn nhiệm, thay thế những cán bộ không đảm bảo về điều kiện, tiêu chuẩn, kém về phẩm chất đạo đức, tín nhiệm thấp.

Nửa nhiệm kỳ qua, công tác xây dựng Đảng đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần xây dựng Đảng bộ ngày càng trong sạch, vững mạnh, lãnh đạo thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh. Tuy vậy, Hội nghị lần thứ 12 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI (họp ngày 30/6/2023) đã đánh giá: “công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân có lúc, có nơi còn hạn chế, trách nhiệm nêu gương của một số cán bộ đảng viên chưa cao, còn một số cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ”.

Trước tình hình đó, việc tiếp tục xây dựng tổ chức Đảng, quan tâm xây dựng, bồi dưỡng, giáo dục đội ngũ cán bộ, đảng viên có đầy đủ phẩm chất đạo đức, có năng lực sáng tạo, vừa hồng, vừa chuyên theo tư tưởng Hồ Chí Minh là rất quan trọng. Các cấp ủy, tổ chức đảng cần bám sát đặc điểm, yêu cầu, chức năng, nhiệm vụ của mình để thực hiện, trong đó cần tập trung một số nội dung sau:

Một là, phải nhận thức đầy đủ, sâu sắc vai trò, vị trí quan trọng của công tác xây dựng Đảng về đạo đức; về tính cấp thiết phải nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân.

Hai là, phải đổi mới mạnh mẽ, nâng cao tính thuyết phục của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng. Trong xây dựng Đảng về đạo đức phải thực hiện đồng bộ cả hai nội dung “xây” và “chống”, “xây” là cơ bản, lâu dài, xuyên suốt, “chống” là quan trọng, cấp bách, được thực hiện bằng giải pháp tổng hợp, mạnh mẽ, hướng vào tạo nền tảng đạo đức vững chắc, bền vững và đấu tranh ngăn chặn, xử lý nghiêm, đẩy lùi có hiệu quả tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

Ba là, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt cấp ủy, sinh hoạt chi bộ, gắn với đẩy mạnh tự phê bình và phê bình, “tự soi, tự sửa” của mỗi cán bộ, đảng viên, không phải chờ đến khi cấp trên yêu cầu, gợi ý.

Bốn là, đề cao kỷ cương, kỷ luật trong Đảng; mỗi cấp ủy, tổ chức đảng, nhất là người đứng đầu phải coi trọng và đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát.

Năm là, đẩy mạnh phong trào thi đua học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh phải thực chất, hiệu quả, chú trọng xây dựng những mô hình, điển hình tiêu biểu trong công tác xây dựng Đảng về đạo đức. Các cơ quan báo chí phải tăng cường phản ánh, giới thiệu gương người tốt, việc tốt trong đảng viên và quần chúng, tạo sự lan tỏa, ảnh hưởng sâu rộng trong cộng đồng, tăng cường niềm tin trong xã hội. Công tác khen thưởng cũng phải lựa chọn được người xứng đáng, tôn vinh kịp thời. 

Nâng cao đạo đức cách mạng, đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân là nội dung lớn, quan trọng và thiết thực, phải tiến hành thường xuyên, lâu dài, kiên trì. Các cấp ủy, tổ chức đảng và mỗi đảng viên chúng ta cần thấm nhuần sâu sắc hơn tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng, có thái độ quyết tâm hơn trong đấu tranh với chủ nghĩa cá nhân, xây dựng Đảng ta xứng đáng “là đạo đức”, “là văn minh”, đủ sức chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam, đưa đất nước ta phát triển phồn vinh, hạnh phúc theo tâm nguyện của Người.

Lê Thị Minh Phượng

 

Chuyên mục khác