Nâng cao chất lượng sinh hoạt chuyên đề ở chi bộ

06/03/2024 13:18

Ngoài các buổi sinh hoạt chi bộ định kỳ, sinh hoạt chuyên đề là một trong những hoạt động quan trọng nhằm tập trung sự lãnh đạo của chi bộ, nâng cao kiến thức, năng lực và phẩm chất cho đội ngũ cán bộ, đảng viên cũng như nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ.

Sinh hoạt chi bộ, trong đó có sinh hoạt chuyên đề, là nhiệm vụ quan trọng nhằm giữ gìn kỷ cương, kỷ luật trong Đảng, bảo đảm tính giáo dục và là một nhân tố quyết định vai trò lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên.

Theo Hướng dẫn số 12-HD/BTCTW, ngày 6/7/2018 của Ban Tổ chức Trung ương “Một số vấn đề về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ”, để tổ chức sinh hoạt chuyên đề, hằng năm, chi bộ xây dựng kế hoạch để tổ chức thực hiện và báo cáo cấp ủy cấp trên trực tiếp theo dõi, chỉ đạo.

Trên cơ sở Kế hoạch đã được xây dựng, chi bộ phân công đảng viên có khả năng biên tập, am hiểu nội dung liên quan đến chuyên đề để chuẩn bị bằng văn bản. Đồng chí bí thư chi bộ trao đổi về mục đích, yêu cầu, nội dung, phương pháp thực hiện chuyên đề với đảng viên được phân công. Dự thảo chuyên đề phải được chi ủy hoặc bí thư chi bộ thông qua và gửi cho đảng viên trước khi tổ chức sinh hoạt.

Ban Thường vụ Đảng ủy Khối cơ quan và doanh nghiệp tỉnh kiểm tra định kỳ tại Chi bộ Báo Kon Tum. Ảnh: SC

 

Về nội dung sinh hoạt chuyên đề, căn cứ chỉ thị, nghị quyết và định hướng của cấp trên, tình hình, đặc điểm của chi bộ, mỗi quý ít nhất một lần chi bộ tổ chức sinh hoạt theo các nhóm vấn đề về: Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo hướng dẫn của Trung ương và cấp ủy, tổ chức đảng cấp trên; các giải pháp nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, năng lực công tác của đội ngũ cán bộ, đảng viên; công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh; việc nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác chuyên môn của cơ quan, đơn vị, chi bộ...

Triển khai nhiệm vụ năm 2024, các cấp ủy cơ sở bắt đầu xây dựng và triển khai Kế hoạch sinh hoạt chuyên đề trong năm của chi bộ mình.

Là chi ủy viên của chi bộ cơ sở, hàng năm, đến thời điểm này, tôi tham gia bàn bạc, lựa chọn nội dung sinh hoạt chuyên đề hàng quý của chi bộ; lựa chọn, phân công các tổ đảng đảm nhận nội dung từng chuyên đề để nghiên cứu thực hiện.

Điều mà tôi tâm đắc nhất là việc cấp ủy cùng bàn bạc lựa chọn các chuyên đề để tổ chức sinh hoạt, làm sao vừa đảm bảo tính đảng vừa gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn và vị trí việc làm của từng cán bộ, đảng viên, để qua đây nâng cao vai trò, trách nhiệm của đảng viên trong nhận thức và hành động, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ được giao và xây dựng chi bộ ngày càng vững mạnh.

Các nội dung sinh hoạt chuyên đề được cấp ủy lựa chọn như: Giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt chi bộ; Biện pháp xây dựng mối đoàn kết thống nhất trong chi bộ, cơ quan; Giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên, viên chức và người lao động... Đây là những vấn đề rất sát với thực tiễn của cơ quan, đơn vị và tình hình thực tế hiện nay.

Sinh hoạt chuyên đề trong chi bộ là yêu cầu bắt buộc đối với các chi bộ. Ảnh: SC

 

Thực tiễn muốn xây dựng chi bộ, cơ quan trong sạch, vững mạnh, ngày càng phát triển thì mỗi cán bộ, đảng viên, viên chức, người lao động cần phải nêu cao tinh thần tự phê bình và phê bình. Có tự phê bình và phê bình thì chi bộ, cơ quan mới phát huy dân chủ; cán bộ, đảng viên, viên chức, người lao động mới giúp đồng chí, đồng nghiệp nhìn nhận, sửa chữa sai lầm, khuyết điểm. Tuy nhiên, cũng có thời điểm, tinh thần tự phê bình và phê bình của một số đảng viên còn chưa cao; ngại va chạm khi đóng góp ý kiến cho đồng chí, đồng nghiệp. Với “Giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt chi bộ”, chi bộ mong muốn từng đảng viên khắc phục những hạn chế trong tự phê bình và phê bình, sôi nổi, tích cực hơn trong tham gia góp ý xây dựng chi bộ, cơ quan...

Đôi khi sinh hoạt chuyên đề chưa phải là những vấn đề từ thực tiễn đơn vị mình mà từ thực tiễn chung để qua đó phòng ngừa, cảnh báo và răn đe những điều có thể xảy ra ngay trong chính nội bộ chi bộ, cơ quan mình.

Có nhiều yếu tố quyết định thành công của buổi sinh hoạt chuyên đề. Trước hết là vai trò của cấp ủy trong việc xây dựng kế hoạch, tổ chức sinh hoạt chuyên đề trong chi bộ phải chặt chẽ, nghiêm túc, duy trì được nề nếp sinh hoạt. Ngoài việc lựa chọn nội dung chuyên đề sát thực tế, trong tổ chức điều hành phải linh hoạt, dẫn dắt và khơi gợi vấn đề để cuốn hút đảng viên cùng tham gia đóng góp ý kiến.

 Việc chuẩn bị đề dẫn sinh hoạt chuyên đề cần phải được đầu tư kỹ lưỡng; có sự hướng dẫn, phối hợp giữa chi ủy, tổ đảng và đảng viên trực tiếp tham gia viết đề dẫn. Trong quá trình “chấp bút”, phải kết hợp cho được giữa lý luận và thực tiễn cơ quan, đơn vị. Tránh trường hợp viết lý thuyết suông theo kiểu rập khuôn, giáo điều, dễ dẫn đến tình trạng đảng viên có suy nghĩ “tham gia ý kiến cũng được mà không góp ý kiến cũng chẳng sao, vì cũng chẳng liên quan gì đến mình”.

Điều quan trọng nữa là tinh thần, ý thức và thái độ tích cực của đảng viên trong tham gia đóng góp ý kiến trong sinh hoạt chuyên đề.

Trên thực tế, cũng có lúc, có nơi, sinh hoạt chuyên đề còn hình thức; các nội dung sinh hoạt còn mang tính chung chung, chưa gắn thực tiễn nhiệm vụ công tác; việc chuẩn bị đề dẫn chuyên đề chưa có sự đầu tư, nghiên cứu kỹ lưỡng; có chuyên đề chưa thu hút được đảng viên tham gia đóng góp ý kiến. Nguyên nhân là do nhận thức một số cấp ủy về sinh hoạt chuyên đề chưa đầy đủ; việc phân công cán bộ, đảng viên chuẩn bị đề dẫn sinh hoạt chuyên đề chưa chú trọng đúng mức...

Sinh hoạt chuyên đề là yêu cầu bắt buộc đối với các chi bộ. Vì vậy, việc duy trì nề nếp sinh hoạt chuyên đề trong sinh hoạt chi bộ góp phần quan trọng vào việc nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của chi bộ, góp phần xây dựng chi bộ ngày càng vững mạnh.

Sông Côn

Chuyên mục khác