28/12/2024 13:02
Ông Đào Duy Khánh - Bí thư Huyện ủy Kon Plông cho biết: Thực hiện Nghị quyết số 04 của Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã xây dựng Chương trình số 35-CTr/HU ngày 17/1/2022 để thực hiện; đồng thời chỉ đạo UBND huyện xây dựng Kế hoạch số 54/KH-UBND ngày 17/3/2022 cụ thể hóa Chương trình số 35 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện.
Trong đó, giao nhiệm vụ cụ thể cho các ngành, đơn vị chịu trách nhiệm triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển vùng kinh tế động lực đã được xác định trong Nghị quyết 04 và các kết luận của Tỉnh ủy về đầu tư, phát triển các vùng kinh tế động lực. Định kỳ hàng tháng, hàng quý, năm đều có báo cáo tổng hợp kết quả thực hiện nhiệm vụ, gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh trên địa bàn huyện– ông Đào Duy Khánh cho biết thêm.
Với sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sau 3 năm thực hiện Nghị quyết 04, diện mạo vùng kinh tế động lực huyện Kon Plông thay đổi rõ nét thể hiện ở kết cấu hạ tầng hoàn thiện hơn, nhiều nhà đầu tư lớn đã đến với nơi này, đời sống người dân được cải thiện; đặc biệt, vùng du lịch sinh thái Măng Đen được nhiều người biết đến, dần khẳng định vai trò trọng điểm du lịch của tỉnh và của vùng Tây Nguyên.
|
Trong đầu tư xây dựng và phát triển vùng kinh tế động lực, Ban Thường vụ Huyện ủy Kon Plông chỉ đạo chú trọng vào tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng trước, sau đó là phát triển tiềm năng, thế mạnh của địa phương như du lịch; trồng cây cà phê xứ lạnh; rau, hoa, quả xứ lạnh và dược liệu; phát triển nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao, nhưng sự phát triển phải hướng đến sự đồng bộ và cân bằng.
Do đó, cơ sở hạ tầng tại một số điểm du lịch được đầu tư hoàn thiện phục vụ tốt cho hoạt động du lịch, đặc biệt là các tuyến đường giao thông huyết mạch kết nối các điểm khu du lịch, giao thông nội vùng như Quốc lộ 24 đoạn qua trung tâm huyện; đường từ trung tâm huyện kết nối đường Đông Trường Sơn; sửa chữa, nâng cấp 18 tuyến đường khu trung tâm hành chính huyện...
Đối với du lịch, tập trung phát triển đa dạng các loại hình du lịch như du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa - tâm linh, các loại hình du lịch thương mại. Trên địa bàn huyện có 7 điểm du lịch được tỉnh công nhận, 132 cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú ở nhiều loại hình khác nhau như resort, khách sạn, homestay, nhà nghỉ với 1.200 phòng nghỉ đảm bảo cho hơn 5.500 lượt khách lưu trú/ngày đêm. Lượng khách du lịch đến địa bàn tăng cao qua các năm, góp phần tích cực vào nguồn thu của huyện, riêng năm 2024 dự kiến thu 240 tỷ đồng.
Cùng với đó, Ban Thường vụ Huyện ủy tập trung chỉ đạo phát triển các loại cây trồng thế mạnh như cây cà phê xứ lạnh; rau, hoa, quả xứ lạnh và dược liệu; phát triển nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao. Nhờ thế, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Măng Đen được hình thành với 24 doanh nghiệp tham gia. Các sản phẩm được sản xuất theo tiêu chuẩn Viet GAP, Global GAP, tiêu chuẩn hữu cơ của các nước Mỹ, Nhật Bản, Châu Âu và được tiêu thụ tại hệ thống siêu thị, nhà hàng ở các thành phố lớn như Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh.
|
Huyện ủy chỉ đạo đẩy mạnh việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, gắn với việc dồn đổi tích tụ đất nông nghiệp để quy hoạch, phát triển vùng rau, hoa, quả xứ lạnh Măng Đen với tổng diện tích hơn 1.000ha; hình thành các vùng chuyên canh, vùng tập trung sản xuất nông nghiệp quy mô lớn như cà phê xứ lạnh 931ha, chè xanh 126ha, lúa gạo đỏ 150ha, cây ăn quả 671ha.
Về dược liệu, huyện Kon Plông đã khoanh vùng quy hoạch bảo tồn các loại cây dược liệu tự nhiên và đầu tư phát triển mở rộng diện tích cây dược liệu với diện tích trên 840ha. Đến nay, đã khoanh vùng trồng dược liệu tập trung với diện tích khoảng 80ha, chủ yếu tại xã Đăk Ring, Đăk Nên, Ngọk Tem, Măng Cành.
Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với xây dựng các dự án liên kết chuỗi sản xuất, chuỗi liên kết giá trị bền vững. Hiện triển khai được 8 dự án liên kết chuỗi sản xuất tiêu thụ chè tại xã Hiếu, xã Pờ Ê và sản xuất tiêu thụ cà phê tại các xã: Đăk Tăng, Hiếu, Pờ Ê.
Triển khai mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào nhân giống một số cây trồng như hoa ly tại xã Măng Bút; sầu riêng tại 2 xã Ngọc Tem, Đăk Nên; trồng các giống chuối Tây Thái, Laba, già Nam Mỹ tại xã Đăk Nên. Trồng thử nghiệm các giống cây mới như Atiso, kim ngân hoa, cây lồng đèn, ớt chuông baby, bí sợi, dưa táo; cải thảo Hàn Quốc; ghép thử nghiệm hoa anh đào Nhật Bản trên cây mai anh đào Măng Đen; ghép thử nghiệm cây phong Mỹ trên cây phong bản địa.
Trong sự đầu tư phát triển vùng kinh tế động lực, huyện Kon Plông luôn hướng đến sự phát triển đồng bộ, cân bằng. Do đó, ngoài tập trung đầu tư cho khu vực trung tâm huyện là thị trấn Măng Đen, địa phương còn huy động, lồng ghép nguồn lực tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng thiết yếu cho các xã, thị trấn nên đến nay 100% số xã có đường ô tô đi được 2 mùa, trên 95% đường liên thôn, nội thôn, đường đi khu sản xuất được cứng hóa; 100% thôn, làng có điện lưới quốc gia. Huyện có 4 xã đạt chuẩn NTM; có 63 sản phẩm OCOP đạt 3 sao, 5 sản phẩm OCOP đạt 4 sao cấp tỉnh.
Ông Đào Duy Khánh cho hay, thời gian tới, Ban Thường vụ Huyện ủy xác định, tiếp tục tập trung chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp để, trọng tâm là tăng cường quản lý quy hoạch; tăng cường thu hút đầu tư, có chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; huy động, lồng ghép, sử dụng hiệu quả các nguồn lực; chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo lợi thế vùng gắn với liên kết các vùng kinh tế động lực; phấn đấu đến cuối năm 2025 có 6/8 xã đạt chuẩn NTM; nâng tỷ lệ che phủ rừng đến cuối năm 2025 đạt 83%.
Dương Nương