Luật Đất đai sửa đổi: Ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt - Bài 3: Sớm đưa Luật Đất đai (sửa đổi) vào cuộc sống

24/01/2024 06:58

Việc Luật Đất đai (sửa đổi) được Quốc hội khóa XV thông qua thu hút sự quan tâm đặc biệt của toàn xã hội. Bên cạnh sự vui mừng, dư luận mong muốn Chính phủ và các bộ, ngành liên quan bố trí nguồn lực, điều kiện để nhanh chóng đưa Luật Đất đai (sửa đổi) vào cuộc sống.

Phát biểu bế mạc Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, Quốc hội thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) là hoàn thành một trong những nhiệm vụ lập pháp quan trọng hàng đầu của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ bố trí nguồn lực, chuẩn bị ngay các điều kiện bảo đảm, ban hành và triển khai kế hoạch cụ thể để nhanh chóng đưa Luật vào cuộc sống; khẩn trương xây dựng, ban hành theo thẩm quyền và chỉ đạo các bộ, cơ quan ngang bộ ban hành các văn bản quy định chi tiết; hướng dẫn việc chuyển tiếp.

Các quy định mới trong Luật Đất đai (sửa đổi) mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp tiếp cận quỹ đất, tháo gỡ các điểm nghẽn trong đầu tư. Ảnh: HL

 

Có thể thấy, với nhiều nội dung mới, Luật Đất đai (sửa đổi) đã quán triệt đầy đủ và cụ thể hóa tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao.

Trước đó, báo chí đã thông tin về việc Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được xem xét, thông qua tại Kỳ họp bất thường này, nên anh Nguyễn Văn Nghĩa- chủ một doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng ở thành phố Kon Tum- rất quan tâm theo dõi.

Ngay khi biết tin Quốc hội thông qua Luật Đất đai (sửa đổi), anh Nghĩa chia sẻ: “Tôi thật sự vui mừng vì luật được thông qua. Điều chúng tôi rất mong chờ sớm đưa luật vào cuộc sống”.

Theo anh Nghĩa, khi Luật Đất đai (sửa đổi) được triển khai, chắc chắn sẽ tác động tích cực tới nền kinh tế nói chung và thị trường bất động sản, thị trường xây dựng nói riêng, các nội dung sửa đổi đã đáp ứng được phần lớn kỳ vọng của doanh nghiệp.

Ví dụ như từ thuê đất trả tiền một lần có thể chuyển sang trả tiền hàng năm. Điều này đã tạo sự linh động trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp khởi nghiệp tiếp cận quỹ đất sạch với chi phí thấp.

Hay các quy định liên quan đến đất phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh, như đất khu công nghiệp, đất phục vụ phát triển nông nghiệp công nghệ cao- anh Nghĩa phân tích.

Nhiều doanh nghiệp khác cũng đánh giá cao các quy định mới, xem đây là sự “cởi trói về cơ chế”, như bỏ khung giá đất, bán tài sản trên đất và bán quyền thuê đất cho doanh nghiệp khác, hay phân cấp, phân quyền mạnh trong quản lý đất đai.

Bên cạnh đó, thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp gặp không ít khó khăn khi thực hiện các thủ tục về đất đai. Có doanh nghiệp phải mất tới hàng năm trời, thậm chí 5 - 7 năm cũng chưa xong thủ tục.

Vì vậy, việc Luật Đất đai (sửa đổi) có các quy định về cải cách thủ tục hành chính, loại bỏ khâu trung gian chắc chắn sẽ tháo gỡ vướng mắc mà các doanh nghiệp hiện nay đang gặp phải, nhất là về tiếp cận đất đai, đấu giá, đấu thầu. Từ đó tạo điều kiện cho các doanh nghiệp được tiếp cận đất đai theo hướng công khai và minh bạch hơn.

Luật Đất đai (sửa đổi) có nhiều chính sách mới tháo gỡ khó khăn về đất đai cho đồng bào DTTS. Ảnh: HL

 

Bày tỏ sự vui mừng khi Luật Đất đai (sửa đổi) có bước tiến rõ rệt trong quy định về đất đai cho đồng bào DTTS, ông A Yek (phường Trường Chinh, thành phố Kon Tum) mong muốn Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ nhanh chóng đi vào cuộc sống.

Qua theo dõi đài báo, tôi nắm bắt được Luật Đất đai (sửa đổi) có nhiều chính sách mới, đặc thù, có thể tháo gỡ khó khăn về đất đai, tạo sinh kế ngày càng tốt hơn cho đồng bào DTTS. Vì vậy đề nghị sớm cụ thể hóa quy định của luật, ban hành các chính sách cụ thể giải quyết tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất cho hộ đồng bào DTTS- ông A Yek chia sẻ.

Còn ông Nguyễn Thành Vinh (phường Thắng Lợi, thành phố Kon Tum) thì tỏ ra phấn khởi khi Luật Đất đai (sửa đổi) quy định đất của hộ gia đình, cá nhân không có giấy tờ trước ngày 1/7/2014 không có tranh chấp, không vi phạm pháp luật về đất đai sẽ được cấp sổ đỏ.

Theo ông Vinh, năm 2005, ông được bố mẹ để lại một lô đất, sau đó có dựng căn nhà cấp 4. Lô đất này bố mẹ ông sử dụng ổn định, không tranh chấp mấy chục năm qua, nhưng không có giấy tờ đất.

Từ năm 2005 đến nay ông sử dụng cũng không có tranh chấp gì, cũng không thuộc trường hợp vi phạm pháp luật đất đai, như lấn hoặc chiếm đất, nhưng khi tôi đi làm giấy tờ thì không được, vì Luật Đất đai 2013 chỉ xem xét đối với các trường hợp từ ngày 1/7/2004 trở về trước.

Việc mở rộng thời hạn đến ngày 1/7/2014 sẽ tạo điều kiện cho hộ gia đình đang sử dụng đất do ông cha để lại nhưng không có giấy tờ và không vi phạm pháp luật về đất đai được cấp sổ đỏ, từ đó bảo vệ tốt hơn  quyền, lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất; nâng cao hiệu quả sử dụng đất cũng như hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước.

Điều mong muốn của người dân là Chính phủ tập trung hoàn thiện các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, bảo đảm các điều kiện để Luật Đất đai (sửa đổi) nhanh chóng đi vào cuộc sống-ông Nguyễn Thành Vinh kiến nghị.

Nhiều ý kiến cũng mong muốn các bộ, ngành liên quan và chính quyền các cấp  sẽ tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính về đất đai; loại bỏ khâu trung gian, thực hiện phân cấp, phân quyền theo quy định của Luật đất đai (sửa đổi).

Tăng cường kiểm tra, thanh tra và kiểm soát quyền lực; giải quyết hiệu quả trên thực tế những tồn tại, vướng mắc có liên quan đến quản lý và sử dụng đất.   

Hồng Lam

Chuyên mục khác