Luân chuyển cán bộ: Xây dựng đội ngũ cán bộ vừa “hồng” vừa “chuyên”

15/05/2025 13:08

Trong thời gian qua, công tác luân chuyển cán bộ đã trở thành một trong những nhiệm vụ trọng tâm then chốt trong chiến lược xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ vừa “hồng” vừa “chuyên” của tỉnh.
Công tác luân chuyển cán bộ được Ban Thường vụ Tỉnh ủy chú trọng để xây dựng đội ngũ cán bộ vừa "hồng" vừa "chuyên". Ảnh: D.N

 

Ban Thường vụ Huyện ủy Kon Rẫy quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ nữ, cán bộ người DTTS. Ảnh: D.N

 

Với mục tiêu không chỉ dừng lại ở việc điều động, sắp xếp nhân sự hợp lý mà còn nhằm đào tạo, rèn luyện cán bộ trong môi trường thực tiễn, nâng cao năng lực quản lý, năng lực lãnh đạo và khả năng thích ứng với yêu cầu công việc trong bối cảnh mới, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Quy định số 543-QĐ/TU ngày 13/7/2022 thay thế cho Quy định số 831-QĐ/TU năm 2018, đồng thời xây dựng Kế hoạch số 80-KH/TU ngày 1/2/2023 để triển khai cụ thể trong giai đoạn đến năm 2025 và những năm tiếp theo. Trên cơ sở đó, công tác luân chuyển cán bộ được thực hiện một cách đồng bộ, đảm bảo chặt chẽ về quy trình, tiêu chuẩn và nguyên tắc tổ chức, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ và đáp ứng yêu cầu công tác trong tình hình mới.

Theo bà Ngô Thị Hoàng Anh- Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức Tỉnh ủy, việc luân chuyển cán bộ là nhằm đào tạo, bồi dưỡng và thử thách cán bộ qua thực tiễn. Đây không chỉ là bước chuẩn bị nhân sự cho các nhiệm kỳ sau mà còn là biện pháp thiết thực nhằm giải quyết tình trạng cục bộ địa phương, khép kín trong công tác cán bộ; khắc phục tình trạng nơi thừa, nơi thiếu cán bộ; đồng thời tạo điều kiện cho cán bộ trẻ, cán bộ trong diện quy hoạch có cơ hội được rèn luyện, phát triển toàn diện.

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, trên địa bàn  tỉnh có 90 lượt cán bộ được luân chuyển. Trong đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy luân chuyển 4 cán bộ từ tỉnh về cấp huyện, thành phố; các cấp ủy trực thuộc Tỉnh ủy luân chuyển 86 cán bộ giữ các chức vụ lãnh đạo chủ chốt tại cơ sở.

Trong công tác luân chuyển, công tác luân chuyển cán bộ nữ luôn được các cấp ủy quan tâm. Từ đầu nhiệm kỳ 2020- 2025 đến nay, tỉnh có 23 cán bộ nữ được luân chuyển. Mặc dù con số còn khiêm tốn, nhưng theo bà Y Thanh- Phó Giám đốc Sở Nội vụ, đây là tín hiệu tích cực phản ánh bức tranh khá toàn diện về công tác luân chuyển cán bộ nữ thời gian qua, phản ánh sự chuyển biến về nhận thức của cấp ủy, chính quyền trong việc tạo cơ hội phát triển công bằng cho cán bộ nữ.

Chính sách luân chuyển cán bộ nữ không chỉ góp phần nâng cao năng lực thực tiễn, khả năng quản lý mà còn giúp cán bộ nữ tiếp cận với nhiều lĩnh vực khác nhau, từ đó tăng tính kế thừa và đảm bảo sự phát triển đồng bộ, toàn diện về giới trong đội ngũ cán bộ, hướng đến mục tiêu xây dựng đội ngũ cán bộ nữ đảm bảo về số lượng, chất lượng và cơ cấu.

Cùng đó, công tác luân chuyển cán bộ người DTTS có bước chuyển biến tích cực. Từ đầu nhiệm kỳ 2020- 2025 đến nay, tỉnh đã thực hiện luân chuyển 19 cán bộ người DTTS.

Huyện Kon Rẫy có gần 68,6% người DTTS sinh sống, vì vậy Đảng bộ huyện rất quan tâm trong phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là đội ngũ cán bộ người DTTS.

Theo thống kê, tính đến ngày 31/5/2024, huyện Kon Rẫy có 199/924 CBCCVC là người DTTS (chiếm 21,5%), trong đó có 93 người giữ chức vụ quản lý, lãnh đạo. Ban Thường vụ Huyện ủy đã thực hiện luân chuyển, điều động 31 lượt cán bộ, trong đó có 9 lượt cán bộ người DTTS được điều động giữa các cấp, các đơn vị khác nhau.

Ông Trương Thanh Tùng- Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy cho hay, thực hiện các quy định về công tác cán bộ, cấp ủy, Ban Thường vụ Huyện ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, của Tỉnh ủy về công tác cán bộ; trong đó chú trọng việc đào tạo, bồi dưỡng, tạo nguồn, bố trí sử dụng đối với đội ngũ cán bộ nói chung và đội ngũ cán bộ là người DTTS nói riêng, qua đó đã tạo điều kiện cho cán bộ người DTTS phát huy năng lực, sở trường và góp phần tích cực tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý người DTTS có chất lượng.

Thực tiễn triển khai công tác luân chuyển cán bộ tại tỉnh trong thời gian qua đã cho thấy rõ những hiệu quả thiết thực. Từ việc luân chuyển cán bộ lãnh đạo chủ chốt từ tỉnh về huyện, từ huyện về xã, hay giữa các phòng ban, cơ quan, đơn vị, đội ngũ cán bộ đã được thử thách trong môi trường mới, từ đó trưởng thành nhanh hơn cả về tư duy lẫn phương pháp quản lý, điều hành; góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ có phẩm chất chính trị, đạo đức, năng lực, kinh nghiệm thực tiễn, vừa “hồng” vừa “chuyên”, phục vụ tốt hơn nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.  

Dương Nương

 

Chuyên mục khác