Loại bỏ "căn bệnh" thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh

19/04/2024 06:17

Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) xác định“thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh” là biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị. Nơi nào còn tồn tại căn bệnh này thì nơi đó phát triển, hợp tác, đoàn kết, dân chủ sẽ chỉ là hình thức và sẽ kìm hãm sự phát triển.

Mới đây, tôi tham gia một buổi sinh hoạt chi bộ cơ quan về chuyên đề “Giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt chi bộ”.

Phải khẳng định rằng đây là một chuyên đề rất hay, rất thiết thực và ý nghĩa. Vì vậy, tại buổi sinh hoạt, tôi cùng các đồng chí, đồng nghiệp của mình tham gia đóng góp nhiều ý kiến về tự phê bình và phê bình.

Trong đó, tôi rất đồng tình, và cũng rất trăn trở, về đánh giá nhận xét ở phần thực trạng chung của một đồng chí đảng viên trong chi bộ. Đó là “đâu đó vẫn còn tình trạng đảng viên ngại tham gia phát biểu ý kiến; hoặc chỉ phát biểu khi có ai đó “đụng chạm” đến mình”.

Từ ý kiến trên cho thấy, tình trạng né tránh, ngại va chạm, chỉ khi bị đụng chạm đến lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm thì mới “lên tiếng” đang tồn tại, cần được đưa ra để đấu tranh loại bỏ, hoặc ngăn chặn từ sớm.

 
Cần nêu cao tinh thần tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt Đảng. Ảnh: S.C

 

Nếu xem xét, phân tích trên thực tế có thể nhận thấy, có nhiều lý do dẫn đến “căn bệnh” này. Có người không muốn bàn luận đến vấn đề nào đó của chi bộ, cơ quan, đồng chí, đồng nghiệp vì cho rằng đấy không phải là chuyện của mình và chừng nào liên quan đến mình thì mới lên tiếng. Có người không muốn góp ý cho đồng chí đồng nghiệp vì ngại va chạm, sợ mất lòng hay bị “ghim”, bị “thù vặt”. Cũng có người hiểu mà không diễn đạt được, sợ nói sai, bị bắt bẻ.

Trong đó, việc “không ý kiến vì không phải việc của mình” cho thấy sự thờ ơ, thiếu trách nhiệm. Bởi tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền hay nêu cao tinh thần tự phê bình và phê bình là trách nhiệm, nghĩa vụ của mỗi cán bộ, đảng viên, viên chức, người lao động, chứ không chỉ riêng là trách nhiệm của lãnh đạo hay một ai đó.

Tự phê bình và phê bình là một trong những nguyên tắc quan trọng trong sinh hoạt đảng. Thực hiện tốt nguyên tắc này sẽ góp phần xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh; phát huy dân chủ trong Đảng.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện nội dung gì bao giờ cũng đều mang lại kết quả, bao gồm cả phần ưu và khuyết; không thể nói việc làm đó tập thể, cá nhân chỉ có phần ưu điểm, mà không có khuyết điểm.

Nhìn nhận rõ những ưu điểm để phát huy và những tồn tại để khắc phục, để nhắc nhở mỗi cán bộ, đảng viên biết để phòng, để tránh. Và đối với việc thực hiện tự phê bình và phê bình cũng vậy. Không vì lý do sợ vi phạm quy định này, nghị quyết kia để im lặng, không dám chỉ ra những hạn chế, khuyết điểm, lâu dần có nguy cơ biến thành “căn bệnh” khó chữa.

Quay lại ý kiến “đâu đó vẫn còn tình trạng đảng viên ngại tham gia phát biểu ý kiến hoặc chỉ phát biểu khi có ai đó “đụng chạm” đến mình”. Dù mới chỉ là nêu thực trạng chung, mang tính chất cảnh báo để mỗi cán bộ, đảng viên tự soi lại bản thân, từ đó tránh “căn bệnh” trên, hoặc nếu có thì sửa chữa, khắc phục.

Nhưng nếu không có sự ngăn chặn kịp thời thì nguy cơ dẫn đến những “biến chứng” nặng hơn. Đó là sự thờ ơ, vô cảm.

Thờ ơ, vô cảm trong cuộc sống bình thường đã đáng sợ; thờ ơ, vô cảm trong Đảng còn đáng sợ hơn. Biểu hiện cao nhất của tình trạng này đó là thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh; tình trạng bằng mặt chứ không bằng lòng, ra cuộc họp lấy ý kiến góp ý thì thường đồng tình theo số đông, nhưng khi bỏ lá phiếu quyết định thì lại có hành động khác.

Có thể nói, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh là “căn bệnh” đã xuất hiện từ rất lâu, và là căn nguyên khiến sức chiến đấu của tổ chức đảng suy giảm và có nơi, có lúc bị vô hiệu hóa.

Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh gọi các đối tượng thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh là “bọn thứ ba”, “theo gió bẻ buồm, không có khí khái”, “thái độ thứ ba, ai mặc kệ ai”.

Thực tế cho thấy, những người thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh có chung đặc điểm là ngại va chạm, né đấu tranh, “mũ ni che tai”, “dĩ hòa vi quý” .

Tất nhiên, để xảy ra tình trạng cán bộ, đảng viên thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh, không chỉ là do cá nhân cán bộ, đảng viên, mà còn phải xem xét đến vai trò của tổ chức đảng, nhất là trong thực hiện tự phê bình và phê bình.

Thực tế cho thấy, chi bộ nào, tổ chức đảng nào làm tốt tự phê bình và phê bình thì sẽ không còn “đất” cho “căn bệnh” thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh tồn tại. Đồng nghĩa với nội bộ luôn đoàn kết thống nhất cao, ít xảy ra lạm quyền, lộng quyền, tiêu cực.

Hiện nay, đi kèm với thực hiện nguyên tắc tự phê bình và phê bình, Đảng ta đã có những “chế tài” để tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm như: Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XIII, trong đó Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII chỉ rõ: Thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh là một trong những biểu hiện của suy thoái.

Đặc biệt gần đây nhất, Đảng ta đã xem xét bổ sung những nội dung quan trọng vào quy định về những điều đảng viên không được làm (Quy định 37), một trong những nội dung đó là: “thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh”.     

Sông Côn

Chuyên mục khác