Lấy phiếu tín nhiệm - nội dung đổi mới quan trọng trong công tác cán bộ

05/06/2023 13:14

Thực hiện Quy định số 96-QĐ/TW ngày 2/2/2023 của Bộ Chính trị “về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị”, sắp tới các cấp ủy, các tổ chức, cơ quan trong hệ thống chính trị sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với cán bộ giữ chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý của các tổ chức, cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến cấp có đơn vị trực thuộc.

Việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị được thực hiện lần đầu vào năm 2013 theo Quy định số 165-QĐ/TW ngày 18/2/2013 của Ban Bí thư Trung ương, theo Quy định thì việc lấy phiếu tín nhiệm đối với thành viên lãnh đạo cấp ủy và cán bộ lãnh đạo trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội được thực hiện định kỳ hằng năm. Tuy nhiên, sau đó ngày 8/10/2014 Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 262-QĐ/TW “về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với thành viên lãnh đạo cấp ủy và cán bộ lãnh đạo trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội” (thay thế Quy định số 165-QĐ/TW của Ban Bí thư), trong đó quy định việc lấy phiếu tín nhiệm được thực hiện định kỳ vào năm thứ 3 giữa nhiệm kỳ đại hội đảng bộ các cấp. Và Quy định số 96-QĐ/TW ngày 2/2/2023 của Bộ Chính trị cũng tiếp tục quy định việc lấy phiếu tín nhiệm được thực hiện định kỳ vào năm thứ 3 giữa nhiệm kỳ đại hội đảng bộ các cấp.

Lấy phiếu tín nhiệm là cơ hội để cán bộ lãnh đạo, quản lý tự soi, tự sửa. Ảnh: VĂN PHƯƠNG

 

Nội dung lấy phiếu tín nhiệm theo Quy định số 165-QĐ/TW, Quy định số 262-QĐ/TW gồm: Phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống; năng lực thực tiễn. Đến Quy định 96-QĐ/TW cũng vẫn gồm 2 tiêu chí, nhưng có sự cụ thể hóa hơn, đó là: Phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật; kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao (tính từ đầu nhiệm kỳ đến thời điểm lấy phiếu). Trong đó có xét đến khả năng quy tụ, đoàn kết nội bộ và xử lý những vấn đề khó, phức tạp, nhạy cảm; kết quả lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chủ trương của Đảng về đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương; sự gương mẫu của bản thân và vợ, chồng, con trong việc chấp hành chính sách, pháp luật của Nhà nước. Ngoài ra, việc lấy phiếu tín nhiệm còn xem xét đến tính năng động, đổi mới, sáng tạo, quyết đoán, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ được giao; kết quả lãnh đạo công tác tổ chức, cán bộ; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Theo quy định, những cán bộ có trên 50% nhưng dưới 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp thì cấp có thẩm quyền quản lý cán bộ đưa ra khỏi quy hoạch các chức vụ cao hơn; xem xét cho thôi giữ chức vụ đang đảm nhiệm, bố trí công tác khác hoặc cho từ chức hoặc tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm theo quy định. Những cán bộ có từ 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp trở lên thì cấp có thẩm quyền quản lý cán bộ thực hiện miễn nhiệm chức vụ đang đảm nhiệm và bố trí công tác khác (thấp hơn) mà không chờ đến hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm.

Để việc lấy phiếu tín nhiệm đạt được mục đích, ý nghĩa và người được lấy phiếu tín nhiệm thông qua đó mà thấy được sự đánh giá, tín nhiệm của tập thể đối với mình nhằm cố gắng phấn đấu, rèn luyện, cống hiến tốt hơn cho Đảng, cho dân; tạo nên sự đoàn kết thống nhất trong nội bộ; nâng cao trách nhiệm và tinh thần thương yêu đồng chí thì trước hết người được lấy phiếu tín nhiệm phải tự giác báo cáo trung thực kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; nhận rõ ưu điểm, khuyết điểm những việc làm được, những việc chưa làm được, sẵn sàng nhận trách nhiệm về mình, không đùn đẩy, né tránh. Người ghi phiếu tín nhiệm cần hết sức khách quan, vô tư, không vì động cơ cá nhân, không bị tác động, lôi kéo của người khác và cũng không được tác động, lôi kéo người khác làm sai lệch thực chất mức độ tín nhiệm.

NGUYỄN QUANG THỦY

Chuyên mục khác