04/09/2022 13:13
|
Những thay đổi ở làng
Sau cơn mưa, nắng lại chiếu rọi vào từng mái nhà sàn nơi chân núi Ngọc Linh (xã Ngọc Linh, huyện Đăk Glei). Mùi khói bếp ngai ngái hòa cùng ánh nắng mang lại hơi ấm nồng đượm. Sửa soạn, ăn vội bữa cơm sáng, bà con người Xơ Đăng nơi đây vội vã chuẩn bị lên rẫy trồng sâm dây.
Ngày trước, bà con thủng thẳng 9h-10h chưa lên đến rẫy, 2-3h chiều mưa, lại trở về, họ không quá lo lắng về cuộc sống. Vừa rồi, được cán bộ xã chỉ cho cách sắp xếp thời gian, bà con “thử” đi làm sớm hơn.
“Ở làng, có ai hiểu nghị quyết là gì đâu. Bà con chỉ biết, cán bộ bày đi làm sớm đỡ nắng lại khỏe, chiều trời có mưa cũng không lo vì công việc cơ bản đã xong nên họ làm theo. Bà con làm, thấy công việc trôi chảy hơn, năng suất hơn nên cứ thế duy trì”- vác cây cuốc trên vai, anh A Kip (người dân xã Ngọc Linh) vội vàng lên rẫy.
Một sự chuyển biến nho nhỏ nhưng mang lại niềm vui lớn. Bởi, việc từ bỏ những nếp nghĩ, cách làm lạc hậu mở ra cơ hội để đồng bào DTTS thay đổi cuộc sống.
Đổi thay trong nhận thức và đặc biệt, vui mừng xiết bao khi cách làm cũng có sự chuyển biến. Sau buổi đồng chí Bí thư Tỉnh ủy về làm việc với xã Ngọc Linh, diện tích sâm dây đã được nâng lên, từ hướng dẫn, người dân đã biết làm đất, biết sử dụng máy móc vào sản xuất một cách bài bản, để sâm dây trở thành cây sinh kế. Niềm vui nhân lên khi người Xơ Đăng nơi đây biết tích lũy, đầu tư trồng sâm Ngọc Linh để mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.
Nghe dân nói, cùng dân làm, cùng vượt khó, trong gian khó của đại dịch Covid-19, tỉnh ta lại có những kết quả thật vui mừng khi “Cuộc vận động Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững” đi vào cuộc sống.
Câu chuyện của bà con ở Ngọc Linh chỉ là một minh chứng nhỏ trong những con số biết nói. Đó là, trên địa bàn tỉnh, 9.346 hộ đồng bào DTTS nghèo, cận nghèo đã thay đổi nếp nghĩ, bỏ dần những hủ tục, tập tục lạc hậu, không trông chờ, ỷ lại, tự lực vươn lên thoát nghèo bền vững; 8.660 hộ đồng bào DTTS nghèo và cận nghèo biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, lựa chọn giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, biết chi tiêu hợp lý để tích lũy vốn tái đầu tư sản xuất; và gần 4.000 hộ đồng bào DTTS nghèo, cận nghèo có đời sống vật chất, tinh thần được cải thiện.
Ở những ngôi làng xa xôi, nói chuyện giảm nghèo bình quân 3-4%/năm với người dân thật khiên cưỡng. Nhưng từ vận động, từ cầm tay chỉ việc, bà con tin vào chính quyền, họ thay đổi, nỗ lực hơn để thoát nghèo, để có tivi, tủ lạnh, có máy móc, công cụ sản xuất, để con cái được học hành đến nơi đến chốn.
|
Ánh sáng niềm tin
Đường bê tông đến tận khu sản xuất, điện chiếu sáng thôn làng giúp việc sản xuất, đi lại của người dân thuận tiện hơn. Làng chuyển mình và phố cũng hòa nhịp thay đổi. Những bảng hiệu, pa nô, áp phích, những thước phim ngắn chiếu về tiềm năng, lợi thế của tỉnh ở các ngã tư như trở thành điểm nhấn độc đáo...
Theo chỉ tiêu Đảng bộ tỉnh đề ra, phấn đấu đến năm 2025, thành phố Kon Tum sẽ đạt đô thị loại 2. Nhưng, chẳng đợi đến 2025, chỉ tay về phía các công trình trọng điểm, ông Nguyễn Thanh Mân – Chủ tịch UBND thành phố Kon Tum phấn khởi nói rằng, đến nay, thành phố đã đạt các tiêu chí của đô thị loại 2, và đang tiến hành các bước để cuối năm 2022 làm thủ tục công nhận.
Hạ tầng phát triển, diện mạo thay đổi và du lịch... cất cánh. Không chỉ các doanh nghiệp, với sự định hướng, hỗ trợ từ các cấp chính quyền, người dân nói chung và nhất là đồng bào DTTS đã biết cách phát huy các giá trị văn hóa, bắt nhịp làm du lịch. Các làng du lịch sinh thái ra đời thu hút đông đảo du khách. Sản phẩm du lịch đa dạng, phong phú đã đưa Kon Tum ngày càng khẳng định mình trên bản đồ du lịch.
Đặc biệt, Diễn đàn “Du lịch Kon Tum – Tiềm năng và triển vọng” với việc ký kết chương trình hợp tác phát triển phát triển du lịch với các tỉnh đã mở ra cơ hội để thúc đẩy tăng trưởng du lịch một cách bền vững, góp sức hoàn thành mục tiêu nâng lượng khách du lịch đến tỉnh đạt 2,5 triệu người vào năm 2025.
Cùng với du lịch, điều dễ nhận thấy đó là việc chính quyền cùng nhân dân nỗ lực trồng rừng, bảo vệ rừng. Với trục xoay là rừng: phát triển rừng phủ xanh đất trống, đồi núi trọc; để tạo sinh kế cho người dân; để tăng diện tích trồng sâm Ngọc Linh và để phát triển dược liệu gắn với du lịch, tỉnh ta phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ độ che phủ rừng đạt 64%.
|
Từ việc phá rừng làm nương rẫy, với sự vận động, tuyên truyền, người dân ở khắp nơi trên địa bàn tỉnh đã chung sức trồng rừng. Năm đầu tiên thực hiện chỉ tiêu trồng rừng, toàn tỉnh đã thực hiện đạt 133,8% kế hoạch đề ra. Những đồi trọc đã được phủ màu xanh cây rừng là minh chứng rõ nét nhất khi ý Đảng hợp lòng dân.
Rừng phủ xanh và niềm vui càng nhân lên khi diện tích trồng sâm Ngọc Linh đạt hơn 1.200ha với sự tham gia của hơn 1.200 hộ gia đình, 30 nhóm hộ, tổ liên kết và nhiều doanh nghiệp. Những chuyến về tận nơi kiểm tra, những chỉ đạo kịp thời của lãnh đạo tỉnh, và đặc biệt, phiên chợ sâm lần đầu tiên được tổ chức với cơ hội kết nối, mở rộng thị trường tiêu thụ đã nói lên những nỗ lực của các cấp, ngành, địa phương và của người dân trong việc quyết tâm thực hiện chỉ tiêu: phấn đấu phát triển vùng dược liệu tỉnh Kon Tum thành vùng dược liệu trọng điểm quốc gia và trở thành trung tâm sản xuất dược liệu lớn của cả nước vào năm 2025.
Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang đã nhiều lần quán triệt, đề nghị từng cấp ủy, cơ quan, đơn vị củng cố niềm tin của nhân dân, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết các dân tộc, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đề ra.
Nhiệm kỳ 2020-2025 được nửa chặng đường, các chỉ tiêu, đích đến vẫn còn ở phía trước. Thế nhưng, với sự gắn kết chặt chẽ giữa ý Đảng, lòng dân và sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, chúng ta có niềm tin hoàn thành các mục tiêu, Kon Tum sẽ phát triển nhanh và bền vững.
Hoài Tiến