Lắng nghe tiếng dân - Bài 2: Đối thoại giúp dân gỡ khó

04/09/2022 06:13

Song song với việc bám, nắm, sâu sát cơ sở, làm tốt công tác đối thoại cũng là một trong những cách để nắm bắt lòng dân. Qua những buổi đối thoại dân chủ, thẳng thắn, nhiều vấn đề người dân đưa ra được các cấp, ngành giải quyết thấu đáo, nhanh chóng.
Những buổi đối thoại trực tiếp giúp lãnh đạo thành phố Kon Tum lắng nghe, tháo gỡ vướng mắc cho người dân. Ảnh: HT

 

Không tiếp dân làm sao biết!

“Khi người dân có những vấn đề bức xúc, cần được giải quyết thỏa đáng, kịp thời, sao mình nghỉ được” – Chủ tịch UBND thành phố Kon Tum – Nguyễn Thanh Mân chia sẻ với chúng tôi trước khi bước vào hội trường buổi đối thoại.

Không thể nhớ, đây là lần thứ bao nhiêu tôi tham gia các buổi đối thoại của lãnh đạo thành phố Kon Tum với nhân dân trong ngày nghỉ (vào thứ Bảy, Chủ nhật). Mà đâu chỉ thứ Bảy, Chủ nhật, các buổi đối thoại còn được tổ chức vào ban đêm để có đông đủ người dân.

Là vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh, lại phấn đấu đạt đô thị loại hai, hiện nay thành phố đang triển khai thực hiện nhiều dự án với tổng diện tích hơn 1.000ha và hơn 400 hộ bị ảnh hưởng. Do đó, vấn đề về thu hồi đất, giải phóng mặt bằng không tránh khỏi những bức xúc.

“Không tiếp dân, không nghe dân làm sao biết! Chúng tôi đến trực tiếp địa bàn, công trình để kiểm tra và đối thoại với người dân, từ đó đưa ra quyết định đúng tình hình thực tế và theo quy định. Hiện nay, thành phố còn chia rất nhiều tổ công tác làm nhiệm vụ trực tiếp đối thoại, vận động người dân giải phóng mặt bằng” – ông Mân cho hay.

Tất cả các vấn đề về đất đai, an ninh trật tự, kinh tế, xã hội, chỉ cần nơi đâu người dân ý kiến hoặc được giải quyết mà chưa cảm thấy thỏa đáng, lãnh đạo thành phố lại tổ chức đối thoại. Có nội dung, chỉ đối thoại 1 lần đã thông; nhưng, cũng có nhiều vấn đề, phải đối thoại rất nhiều lần, vận động ròng rã, người dân mới đồng thuận.

Đặc thù khác với thành phố Kon Tum, tuy nhiên, chung một mục đích lắng nghe tiếng dân, các huyện trên địa bàn tỉnh đều xem đối thoại là giải pháp hữu hiệu trong giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Không đợi tới ngày, tới buổi tiếp công dân định kỳ theo quy định, trong các chuyến công tác, lãnh đạo các cấp, các ngành, địa phương cũng đều tranh thủ thời gian tiếp xúc, trao đổi, đối thoại với người dân để nắm tình hình tại cơ sở.

“Qua những phản ánh, kiến nghị trực tiếp của người dân, chúng tôi nhanh chóng tiếp nhận thông tin và xử lý, trả lời cho người dân theo đúng thời hạn, quy định” - ông Trần Trọng Bằng - Chánh thanh tra huyện Đăk Hà cho hay.

Lấy những vụ việc từ cơ sở, từ nhiều địa phương làm bài học kinh nghiệm quý báu, tỉnh ta xem việc đối thoại, giải quyết khiếu nại tố cáo của dân là một trong những nhiệm vụ chính trị hàng đầu. Trong các giải pháp đưa ra, đều nhấn mạnh: Tăng cường đối thoại, kịp thời giải quyết những khiếu nại, giải quyết vấn đề từ cơ sở, không để phát sinh kéo dài, tạo thành điểm nóng. Tập trung rà soát, giải quyết đối với các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài. Làm tốt công tác tiếp công dân thường xuyên, đột xuất để đảm bảo tình hình an ninh chính trị, trật tự xã hội.

Kịp thời tháo gỡ vướng mắc

Thực hiện tốt công tác đối thoại, giải quyết khiếu nại tố cáo của dân, nhiều vụ việc còn vướng mắc đã được tháo gỡ kịp thời, góp phần không nhỏ đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh.

123 hộ dân sinh sống trên tuyến đường Bà Triệu không giấu được niềm vui khi thấy tuyến đường Bà Triệu (thành phố Kon Tum) được nâng cấp, cải tạo. “Đó là kết quả từ cuộc đối thoại giữa chính quyền thành phố với người dân. Qua các buổi đối thoại trực tiếp với lãnh đạo thành phố, từ không đồng ý với các phương án đền bù, người dân đã rất đồng thuận. Bây giờ, đường đẹp, rộng hơn, chính người dân được hưởng lợi” – bà Nguyễn Thị Thành, người dân sinh sống ở đường Bà Triệu chia sẻ.

Đó hầu như là cảm xúc chung của nhiều người dân trên địa bàn thành phố Kon Tum khi bị ảnh hưởng bởi các dự án. Ban đầu, nhiều hộ bức xúc cho rằng giá đền bù không thỏa đáng. Thế rồi, qua đối thoại, qua gặp gỡ, hiểu rõ vấn đề, họ thêm tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, của các cấp chính quyền. Sau tất cả, ông Nguyễn Thanh Mân khẳng định, nhận được sự đồng thuận, niềm tin của người dân, các dự án, các công trình được triển khai đúng tiến độ, theo yêu cầu.

Nhiều vấn đề người dân bức xúc, nhưng sau khi được trả lời, giải đáp, xử lý một cách “thấu tình đạt lý” đã “hạ nhiệt” rất nhanh. Như câu chuyện của ông Hà Quang Tứ ở tổ dân phố 6, thị trấn Đăk Hà là một ví dụ. Ròng rã 5 năm trời, ông làm đơn kiến nghị lên thị trấn, lên huyện, lên tỉnh để giải quyết vấn đề liên quan đến đất đai của gia đình. Và câu chuyện làm đơn của ông kết thúc bằng buổi đối thoại trực tiếp với lãnh đạo UBND tỉnh, lãnh đạo UBND huyện Đăk Hà.

Thôi những ngày “lên kiện, xuống kiện”, chí thú làm ăn, ông Tứ như mở cờ trong bụng: Buổi đối thoại được thực hiện trong không khí dân chủ, thẳng thắn. Ý kiến của tôi được lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo huyện lắng nghe, tôn trọng, tiếp thu và chỉ ra hướng giải quyết thỏa đáng. Nhận được sự cảm thông, chia sẻ, tôi đã tự giác tháo dỡ các công trình xây dựng với diện tích 403,1m2, tại thửa đất số 58, tờ bản đồ số 12 nằm trong phạm vi điều chỉnh quy hoạch tuyến đường Trương Quang Trọng.

Đó chỉ là hai trong số rất nhiều minh chứng về những vướng mắc được tháo gỡ nhờ đối thoại. Nổi bật, trên địa bàn tỉnh, qua các buổi đối thoại với người dân, nhiều vấn đề được giải quyết dứt điểm: Vụ việc phức tạp về an ninh, trật tự tại xã Ia Chim (thành phố Kon Tum); tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc liên quan đến công tác quản lý, bảo vệ rừng ở huyện Đăk Glei; giải quyết chế độ, chính sách cho người dân và chỉ đạo thanh tra về phản ánh của người dân đến công tác quy hoạch, xây dựng trên địa bàn thị trấn Đăk Hà. Tùy từng vấn đề, các cấp lãnh đạo sẽ có cách triển khai khác nhau nhưng đều hướng đến mục tiêu: lắng nghe, hiểu dân để có những giải pháp thiết thực. Nhờ đó, trong 6 tháng đầu năm 2022, tỉ lệ đơn thư được giải quyết đạt 80,27%.

Các buổi đối thoại thường căng như dây đàn bởi những bức xúc của người dân. Thế nhưng, qua đối thoại, trao đổi, những nụ cười dần xuất hiện trên gương mặt người dân, những tràng vỗ tay kéo dài, hiểu rằng, vướng mắc đã được tháo gỡ. Vấn đề được giải quyết, người dân thêm tin vào những quyết sách của các cấp, ngành, địa phương.

“Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”, đối thoại lắng nghe dân nói, nói dân nghe và cùng nhân dân thực hiện để tạo dựng niềm tin vững chắc của nhân dân. Đó cũng là con đường để lãnh đạo các cấp điều hành công việc hiệu quả, đưa tỉnh nhà thực hiện tốt các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ tỉnh đề ra.   

Hoài Tiến

Chuyên mục khác