22/11/2022 14:46
|
Năm nay tròn 100 năm ngày sinh của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt (23/11/1922-23/11/2022), người đóng góp to lớn vào quá trình hoạch định và tổ chức thực hiện đường lối đổi mới đất nước do Đảng ta khởi xướng, lãnh đạo.
Tên tuổi của ông gắn liền với những công trình lớn ở khắp đất nước. Nhưng nhớ tới cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, người ta còn nhớ về tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, coi trọng "thực tiễn," đặc biệt là trong xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ.
Tinh thần cách mạng tiến công
Trong tập sách "Chất ngọc Võ Văn Kiệt" của tác giả Nguyễn Chiến Thắng (bí danh Sao Vàng) do Nhà xuất bản Trẻ phát hành, tác giả viết: Lúc ấy, đường dây truyền tải điện 500kV Bắc-Nam đi qua các tỉnh: Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam-Đà Nẵng (chưa tách thành Quảng Nam và Đà Nẵng), Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Sông Bé (chưa tách thành Bình Phước và Bình Dương), Long An và Thành phố Hồ Chí Minh được thi công khi vẫn còn có ý kiến trái chiều.
Một số người cho rằng "chủ trương phiêu lưu, mạo hiểm, lãng phí tài nguyên quốc gia và chỉ để xây dựng thanh danh." Có đại biểu phát biểu ở Quốc hội nói là: "Trên thế giới chẳng có quốc gia nào làm đường dây điện kéo dài hơn 1.000 cây số."
Một giáo sư Việt kiều ở Đại học Grenoble (Pháp) viết thư gởi lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta, khẳng định đường điện 500kV Bắc-Nam có ba vấn đề bất lợi là: Bước sóng 6.000km, trong khi từ Hà Nội đến Thành phố Hồ Chí Minh dài 1.500km, chỉ là 1/4 bước sóng, nên không thể tải điện vào miền Nam. Thời gian xây dựng công trình chỉ trong hai năm là điều khó có thể thực hiện được. Và dự án không mang lại hiệu quả kinh tế.
Tuy nhiên, tháng 2/1992, Thủ tướng Võ Văn Kiệt phê duyệt Luận chứng Kinh tế kỹ thuật xây dựng đường dây truyền tải điện 500kV Bắc-Nam và ngày 5/4/1992, Lễ khởi công xây dựng công trình đường dây truyền tải điện 500kV Bắc-Nam được tổ chức đồng thời trên nhiều tỉnh: Hòa Bình, Quảng Nam-Đà Nẵng, Đắk Lắk...
|
Điểm đặc biệt của việc xây dựng đường dây truyền tải điện này chính là thời gian thi công trong vòng hai năm - một mốc thời gian như "không tưởng" đặt ra cho cán bộ, công nhân viên ngành năng lượng lúc đó. Còn Thủ tướng Võ Văn Kiệt được phân công làm Tổng chỉ huy công trình.
Cũng theo tác giả Nguyễn Chiến Thắng, trong hai năm, Thủ tướng bốn lần thị sát tận nơi đoạn thi công khó khăn, hiểm trở nhất, cụ thể là vị trí 373 trên đỉnh đèo Hải Vân, vị trí 367 trên đỉnh đèo Lò Xo (Đăk Glei). Thủ tướng động viên các đội thi công, công nhân lao động, nhắc nhở họ phải giữ gìn sức khỏe, đảm bảo an toàn, đảm bảo chất lượng.
Sự quyết liệt và gắn bó của ông Võ Văn Kiệt với công trình điện trong vai trò Thủ tướng Chính phủ đã góp phần quan trọng trong xây dựng một lưới điện thống nhất cả nước, giải quyết tình trạng thiếu điện ở phía Nam, thúc đẩy sản xuất, phát triển kinh tế.
Năm 1999, nói về "bí quyết" làm nên thành công của đường dây 500kV Bắc-Nam, ông Võ Văn Kiệt từng nói: "Vấn đề là bước đi, đòi hỏi phải tính toán thật hợp lý và phải rất sáng tạo, vì chủ trương 1 thì phải có biện pháp 10, biện pháp 100. Đường dây 500kV vào tháng này là tròn 5 tuổi đời, hoạt động cũng là tinh thần tiến công và sáng tạo khi có chủ trương của Đảng. Phải tính toán với một tinh thần tích cực lắm, với một tư tưởng mạnh mẽ lắm, phải có tinh thần cách mạng tiến công mới có thắng lợi lớn."
Năm 2006, trả lời phỏng vấn báo Cần Thơ, Thủ tướng Võ Văn Kiệt cũng đã nói: "Nhân tố, cũng là nguồn lực quan trọng nhất, trước tiên và trên hết, là con người. Đã có chủ trương, có giải pháp, nếu tổ chức thực hiện không tốt thì mọi nghị quyết, quyết định không trở thành hiện thực."
Có lẽ chính "bí quyết" này đã giúp "Tổng Công trình sư" Võ Văn Kiệt kiến tạo nên những công trình, dự án táo bạo khác của thời kỳ Đổi mới.
Đó là Nhà máy lọc dầu Dung Quất-nhà máy lọc dầu đầu tiên của Việt Nam, rồi chương trình khai thác Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên, hay như dự án thoát lũ Đồng bằng sông Cửu Long; Nhà máy thủy điện Trị An; xây dựng đường Bắc Thăng Long-Nội Bài, mở rộng cửa ngõ Thủ đô Hà Nội.
Bí quyết đó còn thể hiện rõ trong những quyết định mang tính đột phá như chiến thuật ngoại giao "hoa sen nở" phá bao vây cấm vận, mở cánh cửa ra thế giới, giúp Việt Nam tranh thủ thời cơ đưa đất nước thoát nghèo, đuổi kịp các nước đi trước…
Phân tích tư duy, phong cách lãnh đạo, làm việc của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, không khó để nhận thấy sự mẫu mực về cái tâm làm việc trong sáng, sống và thở hơi thở của thực tiễn, lắng nghe thực tiễn, kiểm nghiệm trên thực tiễn, đánh giá vấn đề biện chứng. Và cuối cùng, đưa ra những quyết định, hành động, mà như ông nói, đó là mang "tinh thần cách mạng tiến công."
|
Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười trong bài đăng trên báo Nhân dân ngày 14/6/2008 đã viết: "Nói về anh Võ Văn Kiệt, nhiều người ca ngợi anh là con người rất thực tiễn, con người của công việc, miệng nói tay làm, không hay lý luận. Nhưng khi làm việc, chỉ đạo điều hành hoặc xử lý về đối nội hay đối ngoại thì anh đã thể hiện một cách nhất quán những tư tưởng, quan điểm, nguyên tắc của Đảng một cách sinh động triệt để. Nói anh Kiệt là con người thực tiễn, bởi vì cả cuộc đời anh đã luôn gắn bó với dân, gắn bó với phong trào. Anh đã kinh qua nhiều lĩnh vực công tác: công tác đảng, đoàn thể, chính quyền, công tác ở quân đội. Chính vì qua những môi trường công tác từng trải như vậy đã tích lũy cho anh những kinh nghiệm, những sáng tạo trong công việc của mình."
Hình thành lớp cán bộ mới có "tư tưởng mạnh mẽ"
Từ tư duy, phong cách lãnh đạo, làm việc coi trọng thực tiễn, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, nhìn vào những dấu ấn của ông trong các công trình lớn trên khắp mọi miền đất nước, để nghĩ tới một trong những nội dung quan trọng được nêu tại Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII ở Đại hội XIII của Đảng.
Báo cáo đã nêu, một trong những giải pháp xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là cần có chính sách khuyến khích và cơ chế phù hợp bảo vệ những cán bộ, đảng viên có ý chí chiến đấu cao, gương mẫu thực hiện nguyên tắc của Đảng và pháp luật của Nhà nước, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung; đồng thời, cần có cơ chế sàng lọc, thay thế kịp thời những người không hoàn thành nhiệm vụ,... không còn uy tín đối với nhân dân.
Theo Phó Giáo sư-Tiến sỹ Đoàn Thế Hanh, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, để phẩm chất "6 dám" của cán bộ, đảng viên mà Trung ương đã chỉ rõ, thực sự nảy nở, phát triển mạnh mẽ, trở thành hành động thực tế trong chặng đường đổi mới tiếp theo, cần đáp ứng hai vấn đề lớn là Đảng, Nhà nước phải kịp thời có quy định tạo hành lang pháp lý khuyến khích và bảo vệ để phẩm chất tốt đẹp đó của cán bộ, đảng viên đua nở.
Những quy định ấy cũng phải thỏa mãn hai yêu cầu: Khuyến khích và bảo vệ cán bộ, đảng viên có tinh thần cách mạng chân chính này.
Và yêu cầu về thể chế trên cơ bản đã được "giải tỏa" khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành Quy định số 22-QĐ/TW về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng, trong đó yêu cầu công tác kiểm tra, giám sát phải kịp thời phát hiện nhân tố mới, tích cực để phát huy, phải bảo vệ cái đúng, bảo vệ người tốt, cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đột phá vì lợi ích chung.
Tiếp sau đó, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 14-KL/TW về "Chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung." Đây là những văn bản pháp lý tạo "đất dụng võ" cho những cán bộ thực sự có tư duy đổi mới, bản lĩnh và sáng tạo.
Kết luận số 14-KL/TW không chỉ góp phần khơi nguồn sáng tạo cho người cán bộ trong mọi mặt công tác và cuộc sống, mà còn được xác định sẽ bảo vệ, giúp họ phát huy sở trường, tài năng và sự quyết đoán trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ được giao trước những khó khăn, thử thách của thực tiễn.
Văn bản này của Bộ Chính trị nhấn mạnh yêu cầu cấp ủy, tổ chức đảng, nhất là người đứng đầu cần nâng cao nhận thức, tăng cường trách nhiệm về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung; đồng thời, khơi dậy mạnh mẽ ý thức trách nhiệm, khát vọng cống hiến, tinh thần đổi mới, hết lòng, hết sức vì nhân dân phục vụ của đội ngũ cán bộ các cấp, đồng thời tạo điều kiện cho những thí điểm đột phá, sáng tạo nhằm tháo gỡ, giải quyết những điểm nghẽn, nút thắt trong cơ chế, chính sách, tập trung vào những vấn đề chưa được quy định hoặc đã có quy định nhưng không phù hợp với thực tiễn được triển khai.
Nhân ngày sinh nhật của ông Sáu Dân - tên gọi thân thương của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, nhớ về những đóng góp to lớn và tinh thần dám nghĩ, dám làm, coi trọng "thực tiễn," đặc biệt là trong xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ.
Hy vọng với một hành lang pháp lý đầy đủ như trên, cùng ý chí quyết tâm cao của toàn Đảng, toàn dân, sẽ tạo nên một lớp cán bộ mới của thời đại mới, có "tư tưởng mạnh mẽ," "tinh thần cách mạng tiến công" để hiện thực hóa khát vọng Việt Nam hùng cường, thịnh vượng.
Theo TTXVN