Kiên quyết nhưng mềm dẻo, khéo léo trong tự phê bình và phê bình

04/12/2023 06:19

Tự phê bình và phê bình là một trong các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, có vai trò hết sức quan trọng, là quy luật phát triển của đảng cộng sản; là cách tốt nhất để giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên; là biện pháp tích cực để củng cố và tăng cường đoàn kết thống nhất trong Đảng; là tiêu chí đánh giá một tổ chức đảng, một cán bộ, đảng viên. Trong khuôn khổ bài viết, chỉ xin bàn đến phương pháp tự phê bình và phê bình.

Tự phê bình và phê bình là việc làm thường xuyên trong Đảng, được thực hiện bằng lời nói hoặc văn bản trong hội nghị chi bộ, đảng bộ, đại hội đảng các cấp hay các đợt sinh hoạt chính trị tập trung, các báo cáo, qua các phương tiện thông tin đại chúng.

Nội dung tự phê bình và phê bình trong Đảng gồm tự phê bình và phê bình đối với tổ chức, tự phê bình và phê bình đối với đảng viên.

Trong đó, đối với tổ chức đảng, tập trung tự phê bình và phê bình ở 3 vấn đề: Nhận thức về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và việc chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; việc chấp hành nguyên tắc tập trung dân chủ của Đảng liên quan đến chỉ đạo tiến hành các mặt công tác của tổ chức đảng và địa phương; việc quản lý, giáo dục, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên của tổ chức đảng, chống quan liêu, tham nhũng, tiêu cực.

1 trong 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu của Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII là tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác chính trị, tư tưởng, tự phê bình và phê bình. Ảnh: tuyengiao.vn

 

Đối với đảng viên, cần tập trung tự phê bình và phê bình trên các nội dung chủ yếu: Tư tưởng chính trị và việc chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống, chống quan liêu tham nhũng, tiêu cực; giữ gìn đoàn kết, thống nhất trong tập thể tổ chức đảng, giữa Đảng với nhân dân và thái độ phục vụ nhân dân; vận động gia đình gương mẫu chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, quy định của cơ quan, địa phương và đơn vị.

Hình thức tự phê bình và phê bình trong Đảng gồm tự phê bình và phê bình của cấp trên đối với cấp dưới, cấp dưới phê bình cấp trên; cán bộ, đảng viên phê bình cán bộ lãnh đạo, quản lý trong tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị và phê bình cùng cấp.

Đảng yêu cầu: “Các tổ chức của Đảng từ trung ương đến cơ sở và mọi đảng viên phải nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình, cấp trên phải tự phê bình trước cấp dưới và tổ chức tốt việc phê bình từ dưới lên. Tự phê bình và phê bình phải thành thật, thẳng thắn và nhằm mục đích hoàn thành nhiệm vụ, xây dựng tổ chức, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ. Đảng nghiêm cấm những hành động trấn áp phê bình, trù dập cá nhân, và có thái độ nghiêm khắc đối với bất cứ cán bộ, đảng viên và tổ chức nào phạm các khuyết điểm ấy”.

Tự phê bình và phê bình tốt sẽ giúp đồng chí, đồng nghiệp của mình ngày càng tiến bộ. Tự phê bình và phê bình qua loa, không thực chất sẽ dẫn đến hậu quả làm cho đồng chí, đồng nghiệp của mình không biết rõ khuyết điểm của mình để mà sửa chữa, dẫn đến khuyết điểm chồng khuyết điểm và sai lầm chồng sai lầm đến mức bị xử lý. 

Thực tế, thời gian qua, thực hiện nguyên tắc tự phê bình và phê bình, Đảng ta chỉ đạo rất quyết liệt; nhiều cấp ủy, tổ chức đảng đã triển khai rất tốt. Nhiều nơi, việc thực hiện tự phê bình và phê bình rất nghiêm túc; góp ý cho đồng chí, đồng nghiệp rất chân thành, thẳng thắn, mang tính chất xây dựng. Thế nhưng, cũng còn có nơi, việc tự phê bình và phê bình vẫn chưa thực chất, còn ngại va chạm hoặc lợi dụng phê bình để “hạ bệ” nhau.

Nguyên nhân của thực trạng này có thể do người kiểm điểm không tự nhận khuyết điểm của mình, khiến cho người khác ngại khi chỉ ra khuyết điểm của đồng chí, đồng nghiệp.

Cũng có lý do, cấp dưới ngại va chạm với cấp trên nên cứ theo ưu và khuyết điểm của người tiến hành kiểm điểm là mọi việc sẽ không sợ đụng chạm, mích lòng ai.

Cũng có người, lợi dụng tự phê bình và phê bình để "hạ bệ" đồng chí, đồng nghiệp của mình, có những ý kiến góp ý không mang tính xây dựng. Và kết cục là, ưu điểm và khuyết điểm trong thực hiện tự phê bình và phê bình chưa được chỉ ra một cách sát đúng, từ đó rất khó giúp người được phê bình phát huy ưu điểm, khắc phục khuyết điểm.

Để thực hiện tốt nguyên tắc tự phê bình và phê bình, cần phải có phương pháp phù hợp. Phê bình người nào, khi nào, nói những gì, bằng cách nào, nói đến mức độ nào không làm cho họ khó chịu và nản lòng thì mới dễ tiếp thu và sửa chữa khuyết điểm nhanh chóng.

Ngược lại, sử dụng không khéo léo tự phê bình và phê bình thì hiệu quả thu được thấp, thậm chí còn gây tác hại.

Tự phê bình và phê bình rất cần có phương pháp phù hợp. Ảnh: SC

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh phê phán những người hay dùng phương pháp hành chính, mệnh lệnh, không biết sử dụng những phương pháp thích hợp để giải quyết công việc. Người nói: “Bánh ngọt là một thứ ngon lành, nhưng đem bánh ngọt bắt người ta ăn, nhét vào miệng người ta, thì ai cũng chán”. Nếu dùng phương pháp đó thì tự phê bình và phê bình thường đem lại hiệu quả thấp, nhiều khi còn phản tác dụng.

Vì vậy, tự phê bình và phê bình đòi hỏi phải cứng rắn về nguyên tắc, mềm dẻo và khéo léo về cách thức tiến hành.

Để tự phê bình và phê bình mang lại hiệu quả thì trước hết cá nhân, tổ chức phải tự giác nghiêm túc tự phê bình trước tập thể. Tập thể tổ chức đảng tích cực tham gia đóng góp ý kiến cho cá nhân và tổ chức. Cấp ủy và lãnh đạo cấp trên gợi ý bằng văn bản cho cấp dưới những vấn đề cần làm rõ trong tự phê bình và phê bình.

Phê bình cũng phải đúng lúc, đúng chỗ, có cách nói thích hợp để người được phê bình dễ tiếp thu, sửa chữa. Quan trọng nữa là phải kết hợp chặt chẽ giữa phê bình và tự phê bình, giữa tự phê bình và phê bình gắn với sửa chữa khuyết điểm.   

Trong Di chúc của mình, Bác Hồ đã căn dặn: “Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng. Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”.

Sông Côn

Chuyên mục khác