Kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

14/08/2023 06:12

Quy định 114-QĐ/TW, ngày 11/7/2023 của Bộ Chính trị về việc kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ (thay thế Quy định 205-QĐ/TW, ngày 23/9/2019 của Bộ Chính trị về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền) với những điểm mới quan trọng được dư luận đánh giá là công cụ sắc bén thực thi kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong công cuộc xây dựng và chỉnh đốn Đảng.

Thực tế cho thấy, để công cuộc kiểm soát quyền lực đảm bảo tính bền vững, Đảng ta luôn chú trọng hoàn thiện các chính sách, quy định. Cùng với ban hành các quy định mới, Đảng ta quan tâm sửa đổi, bổ sung các quy định về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo hướng ngày càng nâng tầm hơn, rộng, toàn diện, sâu sắc hơn nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn, thể hiện rõ quyết tâm “không có ngoại lệ, không có vùng cấm”.

Cán bộ, đảng viên thường xuyên được quán triệt các quy định của Đảng về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Ảnh: N.P

 

Chính vì vậy, Quy định 114 thay thế Quy định 205 với những điểm mới, thể hiện ngay từ phạm vi điều chỉnh (Điều 1), không chỉ dừng lại trong hành vi chạy chức, chạy quyền mà ngoài việc kế thừa và nâng trách nhiệm còn mở rộng quy định ra toàn bộ các hành vi tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ đã nhận được sự quan tâm, đồng tình của dư luận. Bởi từ Quy định này lần nữa cho thấy, Đảng ta luôn nhận thức sâu sắc quan điểm, người cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu, nắm giữ các cương vị lãnh đạo, quản lý phải gương mẫu và phải được quản lý, giám sát, kiểm soát quyền lực chặt chẽ.

Về cơ bản, Quy định 114 kế thừa một số hành vi bao che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền tại Quy định 205, đồng thời bổ sung một số hành vi mới như: “Lồng ghép ý đồ cá nhân khi thực hiện các khâu trong công tác cán bộ vì động cơ, mục đích vụ lợi hoặc có lợi cho nhân sự trong quá trình thực hiện công tác cán bộ”; “Khi nhận đơn, thư phản ánh, tố cáo hoặc biết nhân sự có hành vi tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ nhưng thỏa hiệp, lúng túng, bao che không xử lý theo thẩm quyền, xử lý không đúng quy định hoặc không báo cấp có thẩm quyền xử lý”.

Đặc biệt, để kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Khoản 5 Điều 6 Quy định 114 nêu rõ: “Không bố trí người có quan hệ gia đình đồng thời đảm nhiệm các chức danh có liên quan gồm: Thành viên trong cùng ban thường vụ cấp ủy, ban cán sự đảng, đảng đoàn; tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị. Người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu trong cùng địa phương, cơ quan, đơn vị. Người đứng đầu cấp ủy đảng, hoặc người đứng đầu cơ quan hành chính và người đứng đầu các cơ quan: Nội vụ, thanh tra, tài chính, ngân hàng, thuế, hải quan, công thương, kế hoạch đầu tư, tài nguyên môi trường, quân đội, công an, tòa án, viện kiểm sát ở Trung ương hoặc cùng cấp một địa phương”.

Những năm gần đây, kiểm soát quyền lực được Đảng ta đặc biệt chú trọng và ngày càng cho thấy hiệu lực, hiệu quả, sức chiến đấu của Đảng, nhất là trong lĩnh vực phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Đại hội XIII của Đảng đã đề ra giải pháp đột phá trong phòng chống tham nhũng: “Kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, quan liêu; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với tăng cường kiểm tra, giám sát và kiểm soát chặt chẽ quyền lực”.

Cán bộ bộ phận tiếp nhận và trả kết quả phường Quang Trung tiếp nhận, giải quyết các thủ tục hành chính cho người dân. Ảnh: NP

 

Nhân kỷ niệm 93 năm ngày thành lập Đảng (3/2/1930-3/2/2023), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã ra mắt cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” gồm các bài phát biểu, chỉ đạo liên quan đến kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Tổng Bí thư nhấn mạnh: “Mọi quyền lực phải được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế, phải được ràng buộc bằng trách nhiệm, quyền lực đến đâu trách nhiệm đến đó, quyền lực càng cao trách nhiệm càng lớn; lạm dụng, lợi dụng quyền lực phải bị truy cứu trách nhiệm và xử lý”.

Dù đã đạt được những kết quả rất tích cực, tuy nhiên, một số cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu vẫn chưa coi trọng đúng mức vai trò của kiểm soát quyền lực đối với cán bộ, đảng viên. Rồi nơi này, nơi nọ, lĩnh vực này, lĩnh vực kia vẫn còn những cán bộ, đảng viên suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, lợi dụng chức vụ, quyền hạn tham nhũng, lãng phí, quan liêu; rồi tình trạng  “lợi ích nhóm”, “gia đình trị”, “tìm người nhà không tìm người tài” hay “một người làm quan cả họ được nhờ” bao che khuyết điểm cho nhau, hình thành phe phái, gây bức xúc trong xã hội, làm mất niềm tin trong nhân dân.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần nhấn mạnh “phải nhốt quyền lực trong lồng cơ chế”. Bởi vậy, cùng với các quy định khác, Quy định 114 với những quy định mới về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực rất được dư luận rất quan tâm, đồng thuận. Không chỉ chỉ mặt vạch tên các hành vi chạy chức, chạy quyền, rồi chạy tuổi, chạy danh hiệu thi đua, khen thưởng, bằng cấp, điều động, luân chuyển, thăng quân hàm, Quy định 114 còn nghiêm cấm việc bố trí những người trong cùng gia đình vào một số vị trí công tác, đòi hỏi người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý phải từ đó mà tự răn mình, nghiêm khắc với bản thân, nỗ lực nêu gương, tránh vi phạm các nội dung cấm. Điều này cũng cho thấy công tác kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng ta không chỉ nhằm tìm ra sai phạm, xử lý mà còn phải ngăn ngừa từ sớm những mầm mống, loại trừ nguy cơ.           

Nguyên Phúc

Chuyên mục khác