Kiểm soát quyền lực Nhà nước từ “bên ngoài”

17/02/2023 13:04

Bên cạnh cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước bên trong bộ máy nhà nước (sự kiểm soát giữa cơ quan nhà nước trong việc thực hiện quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp), cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước từ bên ngoài bộ máy (gồm công dân và các tổ chức, cơ quan bên ngoài nhà nước, đại diện của công dân) có vai trò hết sức quan trọng.

Trong những năm qua, thể chế pháp lý của cơ chế kiểm soát quyền lực từ bên ngoài bộ máy nhà nước không ngừng được hoàn thiện. Pháp luật đã xác định địa vị pháp lý của Đảng Cộng sản Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị, xã hội, tổ chức xã hội trong thực hiện nhiệm vụ kiểm soát quyền lực nhà nước đối với bộ máy nhà nước với những hình thức phù hợp.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, với vai trò là chủ thể đại diện cho nhân dân tham gia kiểm soát quyền lực nhà nước thông qua việc thực hiện chức năng phản biện xã hội, giám sát thi hành pháp luật.

Các tổ chức chính trị xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, các phương tiện truyền thông, báo chí thực hiện hoạt động kiểm soát quyền lực nhà nước thông qua hình thức gửi phản biện, yêu cầu đối với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc thực thi chính sách, pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức. 

Công dân cũng ngày càng phát huy vai trò kiểm soát quyền lực nhà nước của mình thông qua việc thực hiện các quyền bầu cử, quyền khiếu nại, quyền tố cáo.

Các cơ quan báo chí góp phần quan trọng vào việc kiểm soát quyền lực nhà nước. Ảnh: S.C

 

Đối với tỉnh Kon Tum, vai trò kiểm soát quyền lực nhà nước của các cơ quan bên ngoài bộ máy nhà nước ngày càng rõ ràng hơn.

Công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng trong thời gian qua đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần tích cực vào kiểm soát việc thực hiện quyền lực nhà nước của chính quyền.

Trong nhiệm kỳ 2015-2020, cấp ủy, Ban Thường vụ cấp ủy, tổ chức đảng các cấp đã kiểm tra 2.019 lượt đảng viên và 1.361 lượt tổ chức đảng; giám sát 722 lượt đảng viên và 692 lượt tổ chức đảng. Qua kiểm tra, cấp ủy, Ban Thường vụ  cấp ủy các cấp đã xem xét kỷ luật 21 tổ chức đảng; cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy, tổ chức đảng và ủy ban kiểm tra các cấp đã xem xét thi hành kỷ luật 887 đảng viên.

Năm 2022, công tác tổ chức, cán bộ; kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng được thực hiện chặt chẽ, đúng quy trình, quy định. Cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã tiến hành kiểm tra 1.776 đảng viên và 614 tổ chức đảng; giám sát 1.696 đảng viên và 479 tổ chức đảng; xem xét thi hành kỷ luật 206 đảng viên và 3 tổ chức đảng.

Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân được quan tâm thực hiện tốt. Trong nhiệm kỳ 2015-2020, các cơ quan, đơn vị trên  địa bàn tỉnh đã tiếp 2,563 lượt/2.964 người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị; đã tiếp nhận 4.760 đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân, đã giải quyết 2.529 đơn thuộc thẩm quyền (đạt tỷ lệ 98,5%).

Riêng năm 2022, các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh đã tiếp 333 lượt/425 người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; đã tiếp nhận 1.661 đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân, trong đó có 934 đơn thuộc thẩm quyền giải quyết và đã giải quyết được 875 đơn (đạt tỷ lệ 93,68%).

Công tác thanh tra, kiểm tra được triển khai thực hiện hiệu quả, đúng quy định. Các vụ việc, vụ án liên quan đến tham nhũng được phát hiện và xử lý kịp thời. Từ năm 2015 đến năm 2019, đã có 11 vụ/29 bị cáo liên quan đến tham nhũng được đưa ra xét xử. Năm 2022, Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh đã rà soát, đưa 10  vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực, nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm vào diện Ban chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo.

Mặt trận và các đoàn thể được tạo điều kiện để thực hiện tốt công tác  giám sát các lĩnh vực quản lý nhà nước, giải quyết khiếu nại, tố cáo của  công dân, tham gia xây dựng chính quyền. Trong nhiệm kỳ 2015-2020, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể đã tiến hành 1.704 cuộc giám sát; tổ chức 1.500 cuộc họp và 3.665 đợt lấy ý kiến phản biện đối với các chương trình, dự án.

Các cơ quan báo chí đã phát hiện, phản ánh trung thực và cảnh báo những sai phạm trong thực hiện chủ trương, chính sách, hành vi vi phạm, sách nhiễu của  các cơ quan công quyền, các công chức, viên chức cơ quan hành chính nhà nước, qua đó góp phần điều chỉnh và hoàn thiện dần hoạt động của hệ  thống chính trị.

Nhận thức và ý thức của nhân dân các dân tộc trong tỉnh về quyền làm chủ của mình từng bước được nâng cao; tích cực tham gia và thực hiện tốt giám sát xã hội ở địa phương, nhất là trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách, dự án.

Mặc dù đã đạt được kết quả quan trọng nhưng công tác kiểm tra ở một số tổ chức đảng chưa trọng tâm, trọng điểm; việc tự kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm có trường hợp chưa nghiêm; công tác giám sát ở một số cấp ủy còn có lúc, có nơi chưa thực chất, hiệu quả cảnh cáo, phòng ngừa vi phạm còn hạn chế.

Nội dung, phương thức  hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể chính trị-xã hội có đổi mới, nhưng kết quả còn hạn chế; công tác phản biện còn lung túng, chất lượng chưa cao.

Vai trò của các tổ chức chính trị-xã hội, các đoàn thể nhân dân trong quá trình thực hiện chính sách phát triển kinh tế-xã hội và trong việc phát hiện, đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí chưa thực sự phát huy, còn mang tính hình thức, chủ yếu qua tập hợp ý kiến hội viên, đoàn viên, mà chưa thể hiện vai trò trong theo dõi, kiểm tra, giám sát việc trả lời, giải quyết kiến nghị, đề xuất ấy.

Các cơ quan báo chí vẫn còn gặp khó khăn trong việc tiếp cận, khai thác thông tin một cách chính thống ở một số lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực, các vụ việc tiêu cực.

Một số kiến nghị, phản ánh của nhân dân gửi đến cơ quan nhà nước chưa được kịp thời xử lý, hoặc chưa được giải quyết thấu đáo, dẫn đến kiến nghị nhiều lần, kéo dài, thậm chí tạo nên điểm nóng.

Trước thực trạng trên, cần phát huy vai trò của Đảng trong hoạt động kiểm soát quyền lực nhà nước như đẩy mạnh công tác tự kiểm tra của tổ chức đảng, tăng cường kiểm tra tổ chức đảng, đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm; xử lý nghiêm minh, kịp thời và công khai đối với những đảng viên, nhất là đảng viên giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý trong cơ quan nhà nước có hành vi vi phạm pháp luật.

Nâng cao vị trí, vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội, xã hội nghề nghiệp và cơ quan truyền thông báo chí trong hoạt động kiểm soát quyền lực nhà nước. Bản thân Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị xã hội cần tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động để thực hiện hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội.

Phát huy vai trò và đảm bảo quyền giám sát trực tiếp của nhân dân, góp phần thực hiện có hiệu quả cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước; tiếp tục thực hiện đúng đắn, hiệu quả dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện, đặc biệt là dân chủ ở cơ sở.

Tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa để báo chí tích cực tham gia vào quá trình phản biện chính sách, phát hiện các hành vi lạm quyền, tham nhũng.       

Sông Côn

Chuyên mục khác