Kiểm soát quyền lực, chống tham nhũng trong kiểm tra, thanh tra, kiểm toán

03/11/2023 14:00

Bộ Chính trị đã có quy định mới về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán. Đây là bước đi mới nhằm tiếp tục hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực của Đảng, Nhà nước ta theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng.
Cuốn sách "Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh" của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: vov.vn

 

 

Thực tế cho thấy, tham nhũng, tiêu cực luôn gắn với những lĩnh vực, tổ chức, cá nhân giữ chức vụ, quyền hạn, quyền lực nhà nước. Và công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng, cũng như hoạt động thanh tra, kiểm toán nằm trong những lĩnh vực dễ nảy sinh lạm dụng, lợi dụng quyền lực, tham nhũng, tiêu cực.

Tham nhũng trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán là việc người có thẩm quyền lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn được giao để vụ lợi hoặc vì động cơ cá nhân khác.

Tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng và hoạt động thanh tra, kiểm toán là hành vi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, vi phạm quy chế, quy định, quy trình nghiệp vụ dẫn đến việc làm không đúng với quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước khi thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng, thanh tra, kiểm toán.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tham nhũng, trong đó nổi lên các nguyên nhân chủ yếu như: Hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện, còn có kẽ hở, tạo điều kiện cho người có chức vụ, quyền hạn “lách luật”; một bộ phận cán bộ có chức vụ suy thoái về phẩm chất chính trị, tư tưởng, đạo đức; ý thức pháp luật của người dân chưa cao, càng tạo điều kiện cho người có chức vụ tham nhũng; bộ máy còn cồng kềnh, thủ tục hành chính còn phiền hà, tạo điều kiện cán bộ công chức nhà nước sách nhiễu, nhận hối lộ, tạo nên cơ chế xin-cho; chế độ đãi ngộ, tiền lương chưa thỏa đáng, dẫn đến tình trạng cán bộ muốn kiếm thêm thu nhập.

Về nội dung kiểm soát quyền lực trong công tác phòng, chống tham nhũng, trước  đó, ngày 11/7/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 114-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ.

Và mới đây, ngày 27/10/2023, Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành Quy định 131-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán.

Hội thảo khoa học “Kiểm soát quyền lực để phòng, chống tham nhũng- Thực trạng và giải pháp” do Ban Nội chính Trung ương tổ chức. Ảnh: noichinh.vn

 

Như vậy, Quy định 131-QĐ/TW của Bộ Chính trị có phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng cụ thể hơn, đó là kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán. Đối tượng áp dụng là tổ chức (gồm cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị), cá nhân có thẩm quyền trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng và hoạt động thanh tra, kiểm toán; tổ chức, cá nhân được kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, bị thi hành kỷ luật đảng.

Quy định nêu rõ 22 hành vi tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán. Trong đó có hối lộ, nhận hối lộ, môi giới hối lộ, mua chuộc người có trách nhiệm, chức vụ, quyền hạn hoặc người có liên quan nhằm giảm nhẹ, trốn tránh trách nhiệm cho đối tượng vi phạm.

Cung cấp, tiết lộ thông tin, tài liệu, hồ sơ của đối tượng kiểm tra cho tổ chức và cá nhân không có thẩm quyền, trách nhiệm, nhất là thông tin, tài liệu, hồ sơ đang trong quá trình kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng hoặc thanh tra, kiểm toán.

Nhận tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác hoặc lợi ích phi vật chất, tham gia hoạt động vui chơi, giải trí của đối tượng kiểm tra hoặc người có liên quan đến đối tượng kiểm tra.

Lợi dụng các mối quan hệ thân quen hoặc sử dụng lợi thế, vị trí công tác, uy tín của mình, người khác để tác động, tranh thủ, gây sức ép với đối tượng kiểm tra hoặc tổ chức, cá nhân có liên quan nhằm trục lợi hoặc động cơ cá nhân khác. Lợi dụng việc nắm được thông tin nội bộ hoặc thông tin bất lợi của tổ chức, cá nhân để đặt điều kiện, gây sức ép đối với đối tượng kiểm tra, người có thẩm quyền, trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng, thanh tra, kiểm toán nhằm trục lợi hoặc động cơ cá nhân khác.

Để người có quan hệ gia đình lợi dụng ảnh hưởng chức vụ, quyền hạn của mình nhằm thao túng, can thiệp vào việc kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng, thanh tra, kiểm toán. Đưa ý đồ cá nhân, đề ra tiêu chí, điều kiện, nhận xét, đánh giá mang tính áp đặt, không đúng bản chất, không đúng sự thật để có lợi hoặc gây bất lợi cho đối tượng kiểm tra…

Quy định cũng nêu rõ trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu, thành viên cấp  ủy, tổ chức đảng; trách nhiệm của lãnh đạo, người đứng đầu cơ quan, tổ chức kiểm tra, thanh tra, kiểm toán và cá nhân có liên quan…

Để cụ thể hóa Quy định 131-QĐ/TW của Bộ Chính trị, các tổ chức (gồm cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị), cá nhân có thẩm quyền trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng và hoạt động thanh tra, kiểm toán cần quan tâm đưa những cán bộ có trình độ, bản lĩnh chính trị, trong sạch, liêm khiết vào các cơ quan phòng, chống tham nhũng, bố trí giữ vai trò, vị trí chủ chốt trong các cơ quan này; nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy tổ chức đảng, các đảng viên là người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong phòng, chống tham nhũng; đưa phòng, chống tham nhũng là nội dung bắt buộc trong các cuộc họp thường kỳ của cấp ủy, tổ chức đảng; nâng cao vai trò, trách nhiệm, sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng, tính tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên; tăng cường vai trò của ủy ban kiểm tra các cấp trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng…

Đại hội XIII của Đảng đã chỉ rõ: “Xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tiêu cực”.

Có thể khẳng định, Quy định 131-QĐ/TW là bước đi mới nhằm hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực, đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tiêu cực của Đảng, Nhà nước theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng.

Đặc biệt là kiểm soát tốt quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngay trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán.                                       

Sông Côn

Chuyên mục khác