Kiểm soát quyền lực cán bộ từ lấy phiếu tín nhiệm

19/02/2023 13:17

Ngày 2/2/2023, Bộ Chính trị có Quy định 96/QĐ-TW về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị. Quy định có những điểm mới và kết quả lấy phiếu tín nhiệm được dùng để đánh giá cán bộ chứ không phải chỉ để “tham khảo trong đánh giá cán bộ” như trước đây đã nhận sự quan tâm, đồng tình, ủng hộ của dư luận trong cả nước nói chung và trên địa bàn tỉnh nói riêng.

Đồng tình bởi đây vừa là dịp giúp mỗi cán bộ tự soi, tự sửa, vừa là cơ sở để các cấp, các ngành xem xét khi quy hoạch, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ, góp phần phòng chống tham nhũng, ngăn chặn những cán bộ cơ hội, vì mưu lợi cá nhân, đi ngược lại bản chất của Đảng, tiếp tục được giao đảm nhận các cương vị hoặc được quy hoạch, cất nhắc nắm giữ các chức vụ cao hơn.

Đồng tình, ủng hộ vì thực tế trong những năm qua cho thấy, một số cán bộ, đảng viên khi được giao đảm nhận các vị trí quan trọng lại thiếu ý thức tu dưỡng, rèn luyện, không chỉ bản thân thoái hóa, biến chất mà còn để người thân lợi dụng ảnh hưởng, vị trí chức vụ của cán bộ làm những việc thiếu rõ ràng, minh bạch, tư lợi cho cá nhân, cho gia đình, ảnh hưởng đến công việc chung của đơn vị, địa phương. Tình trạng này đã gây ra những khó khăn, vướng mắc, bất cập đối với cấp uỷ, tổ chức đảng và cơ quan, đơn vị ở các cấp trong công tác cán bộ, đồng thời tạo ra dư luận không tốt trong đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Lấy phiếu tín nhiệm là cơ hội để cán bộ lãnh đạo, quản lý tự soi, tự sửa. Ảnh: NP

 

Nhân dân nghĩ về Đảng là từ những đảng viên họ gặp hằng ngày, hằng giờ trong cuộc sống, nên một khi người dân mất niềm tin vào một số cán bộ, đảng viên cụ thể cũng sẽ dễ dẫn đến quy chụp, ảnh hưởng đến uy tín của Đảng. Nếu không có phương pháp cụ thể nhằm sớm phát hiện, chấn chỉnh, ngăn chặn những cán bộ, đảng viên vi phạm, lâu dần sẽ thoái hóa, biến chất, thậm chí còn tiến lên các chức vụ cao hơn, không chỉ  ảnh hưởng đến quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị chung mà còn không thể “che” được “tai mắt” của Đảng là nhân dân, khiến giảm sút niềm tin, tạo nên dư luận xấu trong xã hội.

Bởi vậy, Quy định 96 vừa được ban hành với những quy định cụ thể và chặt chẽ hơn trong việc sử dụng kết quả lấy phiếu tín nhiệm được dư luận đánh giá là một trong những biện pháp để mỗi cán bộ, đảng viên nói chung, các chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị nói riêng phải không ngừng tự soi, tự sửa.

Quy định 96 nêu rõ, người có trên 1/2 nhưng dưới 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp sẽ bị đưa ra khỏi quy hoạch chức vụ cao hơn; xem xét cho thôi giữ các chức vụ đang đảm nhiệm, bố trí công tác khác hoặc cho từ chức; hoặc sẽ bỏ phiếu tín nhiệm. Theo quy định cũ, người có trên 1/2 phiếu tín nhiệm thấp chỉ bị xem xét đưa ra khỏi danh sách quy hoạch chức vụ cao hơn. Người có từ 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp sẽ bị miễn nhiệm chức vụ đang đảm nhiệm và bố trí công tác khác thấp hơn mà không chờ đến hết nhiệm kỳ hoặc thời hạn bổ nhiệm. Theo quy định cũ, người có từ 2/3 phiếu tín nhiệm thấp sẽ được cho từ chức hoặc thôi chức nếu xét thấy không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Và quan trọng nữa là kết quả lấy phiếu tín nhiệm được dùng để đánh giá cán bộ, chứ không phải chỉ để “tham khảo trong đánh giá cán bộ” như trước đây.

Quy định 96 thể hiện rõ quyết tâm của Đảng trong việc lãnh đạo, chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, nhằm làm trong sạch đội ngũ của Đảng, củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân. Với các tiêu chí đánh giá là bản lĩnh chính trị; phẩm chất, đạo đức, lối sống; tinh thần trách nhiệm trong công việc; thái độ phục vụ nhân dân; liêm chính, trung thực, công tâm, khách quan trong thực hiện nhiệm vụ; ý thức kỷ luật, chấp hành nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng; sự phân công của tổ chức; khả năng quy tụ, đoàn kết nội bộ và xử lý vấn đề khó, phức tạp, nhạy cảm; kết quả chống tham nhũng, tiêu cực; sự gương mẫu của bản thân và vợ, chồng, con… thì việc lấy phiếu tín nhiệm sẽ là “thước đo” hiệu quả tư cách, phẩm chất, năng lực, hoạt động của các cán bộ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị.

Thực tế cho thấy, có những trường hợp cán bộ, đảng viên từ chỗ đang được tín nhiệm cao, nếu thỏa mãn, thiếu rèn luyện thì nay mai sẽ rơi vào tín nhiệm thấp và ngược lại từ chỗ có nhiều phiếu tín nhiệm thấp, nhờ được kịp thời chỉ rõ mặt hạn chế, khuyết điểm đã không ngừng học tập, nỗ lực tu dưỡng thì nay mai sẽ đạt được kết quả tín nhiệm cao. Nên từ việc triển khai bỏ phiếu tín nhiệm, các cán bộ, đảng viên đảm nhận các chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị kịp thời có phương hướng khắc phục khuyết điểm, thiếu sót, nghiêm khắc hơn với bản thân, từ đó tiếp tục phấn đấu, rèn luyện. Về phía cấp thẩm quyền, cũng từ kết quả bỏ phiếu tín nhiệm có cơ sở quan trọng để quy hoạch, đào tạo, bố trí, sử dụng cán bộ hiệu quả. Bởi vậy, Quy định 96 với các tiêu chí, quy định cụ thể về lấy phiếu tín nhiệm được đánh giá là một cách kiểm soát quyền lực cán bộ hiệu quả.

Nguyên Phúc

Chuyên mục khác