Khắc phục tình trạng cán bộ né việc, né trách nhiệm

10/06/2024 06:03

Ngày 23/5, Bộ Chính trị ban hành Quy định 148-QĐ/TW về thẩm quyền của người đứng đầu trong việc tạm đình chỉ công tác đối với cán bộ cấp dưới trong trường hợp cần thiết hoặc khi có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Điều 4, Quy định 148-QĐ/TW quy định các căn cứ tạm đình chỉ công tác trong trường hợp cần thiết, trong đó có nội dung: Cán bộ cố tình trì hoãn, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, không thực hiện công việc thuộc thẩm quyền theo chức năng, nhiệm vụ được giao sẽ bị tạm đình chỉ công tác.

Quy định này áp dụng với người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị; cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị và đơn vị sự nghiệp công lập.

Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước ta đã có sự quan tâm đặc biệt đến việc khắc phục tình trạng né việc, sợ sai, sợ trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức nhà nước.

Quang cảnh Hội nghị Trung ương 9, khóa XIII. Ảnh:NDO

 

Trong đó, để tránh tình trạng người năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, không khéo lại thua thiệt, rủi ro, còn người ù lỳ, không làm gì cả, thì lại hưởng lợi, ngày 22/9/2021, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 14- KL/TW về khuyến khích và bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, năng động, sáng tạo vì lợi ích chung.    

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 4 công điện yêu cầu chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm trong xử lý công việc, kỷ luật, kỷ cương trong cơ quan hành chính nhà nước các cấp; rà soát, kịp thời xử lý các kiến nghị, đề xuất của địa phương, bộ, ngành, nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành.

Chính phủ đã ban hành các nghị định sửa đổi quy định về đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức; xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức; khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Bổ sung quy định việc né tránh, đùn đẩy là căn cứ đánh giá, xếp loại, để xem xét, xử lý kỷ luật. Đồng thời thể chế hóa chủ trương khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Ở tỉnh ta, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã có nhiều văn bản chỉ đạo chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm trong xử lý công việc của các sở ngành, cơ quan, địa phương.

Trong đó yêu cầu tăng cường kiểm tra, xử lý, khắc phục tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức né tránh, đùn đẩy công việc; có tâm lý e dè, sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám tham mưu, đề xuất xử lý công việc, không quyết định công việc thuộc thẩm quyền; đẩy việc lên cơ quan cấp trên hoặc sang cơ quan khác, thiếu sự phối hợp chặt chẽ, kịp thời, hiệu quả giữa các bộ, cơ quan, địa phương.

Tuy nhiên, tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, sợ sai khi xử lý công việc của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức trong một số cơ quan hành chính nhà nước các cấp vẫn chưa được khắc phục hiệu quả.

Tình trạng né tránh, đùn đẩy công việc, thể hiện rõ trong đầu tư công, quản lý đất đai, y tế, xây dựng, giải quyết thủ tục đầu tư, sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp, cung cấp dịch vụ công cho người dân.

Ảnh minh họa. Nguồn: xaydungdang.org.vn

 

Biểu hiện phổ biến là né tránh những việc khó, phức tạp, nhạy cảm trong thực thi công vụ và giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp; chậm trễ giải quyết, để tồn đọng công việc; trả lời, hướng dẫn không rõ quan điểm, chính kiến của tổ chức, đơn vị mình; đẩy việc; hỏi xin ý kiến những vấn đề thuộc thẩm quyền của mình; lạm dụng việc lấy ý kiến phối hợp để né tránh trách nhiệm.

Tình trạng này gây khó khăn, ách tắc trong giải quyết các thủ tục hành chính cho dân và doanh nghiệp, làm cho doanh nghiệp và người dân đã và đang khó khăn lại càng khó khăn hơn, mất nhiều thời gian, tăng chi phí không chính thức, mất cơ hội của người dân và doanh nghiệp, trong nhiều trường hợp, gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân.

Từ đó dẫn đến giảm hiệu lực, hiệu quả quản lý, giảm niềm tin của người dân, doanh nghiệp, ảnh hưởng đến kết quả thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Vì vậy, có thể nói rằng, việc quy định tạm định chỉ công tác đối với “cán bộ cố tình trì hoãn, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, không thực hiện công việc thuộc thẩm quyền theo chức năng, nhiệm vụ được giao” trong Quy định 148-QĐ/TW chính là “phương thuốc đặc trị” cho “căn bệnh” này.

Vấn đề đặt ra là, khi được giao thẩm quyền tạm đình chỉ công tác đối với cán bộ cố tình trì hoãn, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, không thực hiện công việc thuộc thẩm quyền theo chức năng, nhiệm vụ được giao, người đứng đầu cần hết sức công tâm, khách quan, nhận diện đúng vấn đề và xử lý nghiêm minh, đúng quy định.

Đặc biệt, không được lạm quyền, không được để xảy ra tình trạng lợi dụng quy định để xử lý cán bộ tốt, cán bộ có đủ tâm huyết và trách nhiệm nhưng không thuộc “cánh” hoặc có mâu thuẫn cá nhân.

UBND tỉnh, các sở ngành chức năng cũng cần rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy định chưa rõ ràng, khó thực hiện trên thực tiễn, thiếu đồng bộ; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; tăng cường kiểm tra, giám sát để hướng dẫn, nhắc nhở, đôn đốc thực thi công vụ có hiệu quả.       

Sông Côn

Chuyên mục khác