Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại

30/04/2023 13:31

Đây là một trong những bài học lớn, xuyên suốt trong quá trình đấu tranh giành độc lập dân tộc và xây dựng đất nước. Thắng lợi của cách mạng Việt Nam là thắng lợi của sự kết hợp thành công nhân tố dân tộc với nhân tố thời đại, sức mạnh quốc gia với sức mạnh quốc tế.

Sức mạnh dân tộc là tổng hợp những nguồn lực nội sinh của quốc gia, bao gồm: Lãnh thổ, tài nguyên, dân số, kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội; truyền thống và hiện đại, cả dưới dạng tiềm năng và những biểu hiện hiện thực và việc nhà nước vận dụng nó trong quan hệ chính trị quốc  tế.

Thời đại là một khái niệm dùng để chỉ các thời kỳ lịch sử chính của thế giới. Mỗi thời đại mang đến cho con người những lợi thế trong sản xuất, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ con người khỏi sự tấn công của kẻ thù, hiệu quả hơn so với thời đại trước. Tất cả những yếu tố đó tạo nên sức mạnh của thời đại.

Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản (1848), C. Mác và Ăngghen đã chỉ rõ: “Vô sản tất cả các nước, đoàn kết lại!”. Sau này, Lênin đã phát triển, bổ sung thành: “Vô sản tất cả các nước và các dân tộc bị áp bức, đoàn kết lại!”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh duyệt đội danh dự Quân đội Liên Xô trong lễ đón đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam thăm chính thức Liên Xô ngày 12/7/1955. Nguồn: Hochiminh.vn

 

Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đến với Chủ nghĩa Mác-Lênin đã nhận thức được giá trị sâu sắc mối quan hệ cách mạng Việt Nam và cách mạng thế giới: “Cách mạng An Nam cũng là một bộ phận trong cách mạng thế giới. Ai làm cách làm trong thế giới đều là đồng chí của dân An Nam cả”.

Vì vậy, từ khi thành lập đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn nhận thức và thực hiện đoàn kết quốc tế, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ, giúp đỡ của quốc tế, kết hợp chặt chẽ giữa phong trào cách mạng Việt Nam với phong trào cách mạng của các lực lượng hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới, kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại để thực hiện các mục tiêu cách mạng.

Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng ta (1930) chỉ rõ: Nhân dân Việt Nam đoàn kết với giai cấp công nhân Pháp, đoàn kết với phong trào giải phóng dân tộc các nước thuộc địa và nửa thuộc địa, nhất là Trung Quốc, Ấn Độ, phải đoàn kết, bênh vực Liên bang Xô Viết là nước XHCN đầu tiên. Đảng chủ trương thực hiện đoàn kết quốc tế với tất cả các lực lượng cách mạng và tiến bộ trên thế giới để có điều kiện “xây dựng nền thái bình muôn thủa”.

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, tháng 9/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ đường lối đối ngoại của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là: “Làm bạn với  tất cả mọi nước dân chủ và không gây thù oán với một ai”.

Đại hội VI của Đảng (1986) đề ra đường lối đối ngoại: “Ra sức kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, phấn đấu giữ vững hòa bình ở Đông Dương, góp phần tích cực giữ vững hòa bình ở Đông Nam Á và trên thế giới, tăng cường quan hệ đặc biệt giữa ba nước Đông Dương, tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện với Liên Xô và các nước trong cộng đồng xã hội chủ nghĩa, tranh thủ điều kiện quốc tế thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc, đồng thời tích cực góp phần vào cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội”.

Gần đây nhất, tại Đại hội XIII (2021), Đảng ta tiếp tục khẳng định: “Tiếp tục thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, có hiệu quả; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, không ngừng nâng cao vị thế, uy tín quốc  tế của Việt Nam”, “Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; nêu cao ý chí độc lập, tự chủ, chủ động, tích cực hội nhập và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, phát huy tối đa nội lực, trong đó nguồn lực nội sinh, nhất là nguồn lực con người quan trọng nhất”.

Thực tiễn lịch sử cách mạng Việt Nam do Đảng lãnh đạo đã chứng minh đoàn kết quốc tế, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại là nhân tố hết sức cần thiết, góp phần quan trọng vào thắng lợi của cách mạng.

Vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh cũng như quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng về kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại vào điều kiện cụ thể của địa phương, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Kon Tum đã kết hợp có hiệu quả sức mạnh nội lực với sức mạnh thời đại, nhân tố quốc tế, sức mạnh ngoại lực, góp phần tạo nên những thành tựu quan trọng.

Khi mới thành lập lại (tháng 8/1991), tình hình kinh tế-xã hội của tỉnh còn rất nhiều khó khăn, cơ sở vật chất lạc hậu, tỷ lệ nghèo đói luôn ở mức cao: Bình quân lương thực đầu người chỉ đạt 295 kg, thu nhập bình quân đầu người 88,6 USD.

Công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp có quy mô nhỏ bé, sản phẩm chưa nhiều, chất lượng thấp; thương mại-dịch vụ yếu kém; giao thông trong thế ngõ cụt, nhiều xã không có đường giao thông đến trung tâm; thu ngân sách tỉnh chỉ có 7,8 tỷ đồng, đáp ứng một phần rất nhỏ so với nhu cầu chi lúc bấy giờ; đời sống nhân dân còn khó khăn về nhiều mặt, tỷ lệ hộ nghèo trên 60%.

Hệ thống giáo dục còn sơ khai, thiếu thốn, với 110 trường các cấp, 108 làng trắng về giáo dục, tỷ lệ người mù chữ lên tới 17,7%; hệ thống y tế vừa thiếu, vừa yếu, chỉ có 855 giường bệnh với 49 bác sĩ; cơ sở vật chất văn hóa, thông tin lạc hậu, nhiều xã vùng sâu, vùng xa còn trắng về thông tin; hoạt động của hệ thống chính trị còn nhiều hạn chế, đội ngũ cán bộ cơ sở thiếu và yếu, trên 50% thôn, làng trắng tổ chức đảng.

Đoàn cán bộ cấp cao tỉnh Kon Tum tham dự Lễ kỷ niệm Năm đoàn kết hữu nghị Việt Nam-Lào, Lào -Việt Nam 2022 tại tỉnh Attapư (Lào). Ảnh: THANH HÀ

 

Đến nay, tỉnh Kon Tum đã từng bước vươn lên, đạt nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực.

Thành tựu nổi bật nhất về kinh tế của tỉnh là duy trì được tốc độ tăng trưởng liên tục qua các năm trên 9%/năm, đây là mức tăng trưởng cao so với khu vực Tây Nguyên và cả nước. Quy mô nền kinh tế của tỉnh năm 2022 tăng hơn 124 lần so với năm 1992, ước đạt hơn 30.412 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người được cải thiện rõ rệt, năm 2022 đạt 52,44 triệu đồng, tăng 22 lần so với năm 1992.

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo đúng định hướng. Du lịch đang từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Sản xuất nông nghiệp phát triển theo chiều sâu, ứng dụng công nghệ cao gắn với chuỗi giá trị. Sâm Ngọc Linh và các loại dược liệu khác tiếp tục được mở rộng, tạo ra được các vùng chuyên canh nguyên liệu tập trung cho công nghiệp chế biến.

Hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông được đầu tư đồng bộ, diện mạo đô thị từng bước đổi mới. Chương trình xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả có ý nghĩa, làm thay đổi bộ mặt nông thôn, góp phần cải thiện đời sống của người dân cả về vật chất lẫn tinh thần. Đến hết quý I/2023, đã có 42/85 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 49,41% số xã).

Môi trường đầu tư, kinh doanh tiếp tục được cải thiện, một số nhà đầu tư, tập đoàn kinh tế lớn đã lựa chọn Kon Tum là địa điểm đầu tư lý tưởng và triển khai nhiều dự án tổ hợp trung tâm thương mại, du lịch, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, nông nghiệp công nghệ cao quy mô lớn.

Lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ; các chính sách an sinh xã hội, đền ơn đáp nghĩa, giảm nghèo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm được quan tâm thực hiện. Từ một tỉnh với tỷ lệ hộ đói, nghèo trên 65%, đến năm 2005 toàn tỉnh không còn hộ đói và đến hết năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 10,86%.

Giáo dục, y tế có nhiều thành tựu mới. Cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính được thực hiện mạnh mẽ; việc ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa nền hành chính được triển khai rộng rãi.

Tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị được sắp xếp theo hướng tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả. Đối ngoại và hội nhập quốc tế được chủ động đẩy mạnh. Quân sự, quốc phòng địa phương được tăng cường, an ninh chính trị được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.

Kon Tum đã chủ động và tích cực hội nhập quốc tế. Kết hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa kinh tế, văn hóa, xã hội, đối ngoại với quốc phòng, an ninh và giữa quốc phòng, an ninh với kinh tế, văn hóa, xã hội và đối ngoại.

Theo đó, trong phát triển kinh tế lấy độc lập tự chủ, xây dựng nền quốc phòng - an ninh vững mạnh làm mục tiêu; giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa nội lực và ngoại lực. Trong đó, nội lực là quyết định, ngoại lực là quan trọng, hai nguồn lực đó gắn kết với nhau thành nguồn lực tổng hợp để tăng cường quốc phòng - an ninh. Phát huy tốt nội lực và tranh thủ, tận dụng hiệu quả các nguồn lực quốc tế, bên ngoài.  

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng ngày nay, cùng với yêu cầu, nhiệm vụ  ngày càng cao của công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, hơn bao gờ hết, việc kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại cần tiếp tục được phát huy một cách hiệu quả.

Đảng bộ tỉnh đã xác định tận dụng tối ưu những yếu tố có lợi, loại trừ những yếu tố bất lợi, vô hiệu hóa những mưu đồ thâm độc của các thế lực thù địch, tranh thủ ngoại lực đẩy mạnh phát triển kinh tế; kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế - xã hội với quốc phòng- an ninh, đối ngoại. Khai thác và phát huy hiệu quả sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại; đề cao cảnh giác cách mạng trước mọi âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch.

Sông Côn

Chuyên mục khác