Ia H’Drai – Thay đổi nếp nghĩ, cách làm của người dân trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng

15/10/2023 05:56

Huyện Ia H’Drai là địa phương có trên 94.903 ha diện tích rừng và đất lâm nghiệp, trong đó, diện tích có rừng trên 85.372 ha, với tỷ lệ che phủ rừng cao nhất cả tỉnh, đạt trên 87%, vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện đề ra. Để đạt được kết quả đó, những năm qua, toàn hệ thống chính trị huyện đã chung tay vào cuộc, nỗ lực để bảo vệ và phát triển rừng, giữ trọn màu xanh cho những cánh rừng nơi biên giới phía Tây Nam tỉnh Kon Tum, nhất là chú trọng việc tuyên truyền, vận động nhằm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của người dân, nhất là người đồng bào DTTS, trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

Bảo vệ rừng từ việc thay đổi nhận thức và hành động của nhân dân

Huyện biên giới Ia H’Drai có 34 dân tộc cùng sinh sống, nhất là đồng bào dân tộc miền núi phía Bắc và Bắc miền Trung chủ yếu làm công nhân cho các công ty cao su trên địa bàn. Khi đến định cư tại huyện mới, người dân cũng đem theo những nét văn hóa đặc trưng của dân tộc mình để tạo nên một bức tranh văn hóa dân tộc đa dạng và phong phú.

Tuy nhiên, xuất phát điểm về kinh tế và mặt bằng dân trí của nhân dân không đồng đều, đời sống kinh tế - xã hội của người dân còn khó khăn khi trong tay còn thiếu tư liệu sản xuất, nên việc vô tình hoặc cố ý phá rừng làm rẫy, hay khai thác các sản phẩm từ rừng để phục vụ cuộc sống là nhu cầu khách quan của người dân. Có những bản án về tội “Hủy hoại rừng”, “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản” đã được tuyên như bản án 18 tháng tù giam cho Triệu Văn Quý khi hủy hoại khoảng 9.840,82 m2 rừng; tuyên phạt 5 năm 6 tháng tù giam đối với bị cáo Nguyễn Văn Nam khi khai thác trái phép 11 cây rừng (gồm cây bằng lăng nhóm III và dầu nước nhóm V) tổng khối lượng là hơn 30m³... Đây chính là những hồi chuông cảnh tỉnh để thay đổi nhận thức và hành vi của người dân.

Lãnh đạo huyện Ia H’Drai tham gia Lễ ra quân trồng rừng, trồng cây phân tán năm 2023. Ảnh: TX

 

Để thay đổi nếp nghĩ, cách làm của người dân, nhất là người đồng bào DTTS trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, những năm qua, huyện Ia H’Drai đã nỗ lực huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, sự tham gia của các cấp, các ngành, các đoàn thể và nhất là những người có uy tín trong thôn, thường xuyên, liên tục tuyên truyền, vận động, chỉ rõ cho người dân thấy được tầm quan trọng của rừng đối với đời sống, những chính sách, chủ trương của Đảng, Nhà nước trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, cũng như những quy định của pháp luật trong xử phạt các hành vi xâm phạm, hủy hoại rừng; vận động, khuyến khích quần chúng nhân dân tham gia quản lý bảo vệ rừng, tố giác, phối hợp với các ngành chức năng phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn các hành vi vi phạm trong lĩnh vực quản lý bảo vệ rừng và các hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp...

Tính riêng trong năm 2022, các đơn vị, địa phương đã phối hợp tuyên truyền được 26 cuộc với 1.229 lượt người tham gia; 6 tháng đầu năm 2023 đã tuyên truyền được 8 cuộc/400 lượt người tham gia. Đặc biệt, nhờ nguồn tài chính từ triển khai thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình được nhận tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng trên cơ sở kết quả bảo vệ rừng giao quản lý đã có thêm nguồn thu nhập để ổn định cuộc sống.

Nhờ sự nỗ lực vận động, tuyên truyền của toàn hệ thống chính trị, và việc triển khai có hiệu quả những chính sách Lâm nghiệp, hỗ trợ cho người dân địa phương phát triển kinh tế lâm nghiệp gắn với bảo vệ, phát triển rừng bền vững, đã dần thay đổi nhận thức và hành động của người dân. Trong ba năm trở lại đây, người dân đã dần thay đổi nếp nghĩ, cách làm, từ việc phát rừng làm rẫy đã chuyển sang cùng chung tay với chính quyền địa phương trồng rừng, trồng cây phân tán tham gia quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

Sau 3 năm đầu cụ thể hóa Chương trình số 51-CTr/HU ngày 6/1/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện về việc thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 25/11/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI về phát triển lâm nghiệp bền vững đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, huyện Ia H’Drai đã trồng được 957,2 ha rừng (đạt 68,3% chỉ tiêu Kế hoạch giai đoạn 2021- 2025) và trồng được 143.963 cây phân tán (đạt 72% chỉ tiêu Kế hoạch giai đoạn 2021-2025).

Đẩy mạnh công tác giao đất, giao rừng, thực hiện Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững

Công tác giao đất, giao rừng đã được triển khai theo Quyết định số 1052/QĐ-UBND ngày 30/9/2019 của UBND tỉnh về việc phê duyệt kế hoạch giao đất, giao rừng trên địa bàn huyện Ia H’Drai. Diện tích đủ điều kiện để thực hiện giao rừng hơn 2.790 ha. Thực hiện Quyết định số 1047/QĐ-UBND ngày 10/11/2021 của UBND tỉnh Kon Tum, UBND huyện bàn giao diện tích do UBND xã quản lý cho Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Ia H’Drai để quản lý, bảo vệ hơn 6.621 ha rừng tự nhiên.

Cánh rừng nguyên sinh khu vực trung tâm huyện được bảo tồn để nâng cao ý thức quản lý, bảo vệ, phát triển rừng trong nhân dân. Ảnh: TX

 

Thực hiện chủ trương xã hội hóa nghề rừng, trong những năm qua, huyện Ia H’Drai đã tổ chức công tác giao đất, giao rừng cho các hộ gia đình, cá nhân, chú trọng công tác trồng, chăm sóc, khoanh nuôi, phục hồi rừng, trồng rừng sản xuất, trồng cây phân tán. Với sự hướng dẫn, đồng hành của các ngành chức năng và chính quyền địa phương, các hộ gia đình đã triển khai thực hiện nghiêm trách nhiệm bảo vệ rừng theo “Khế ước bảo vệ rừng” đã ký kết. Rừng được giao đã được bảo vệ tốt hơn, các hành vi xâm hại đến tài nguyên rừng đã được hạn chế đáng kể. Đồng thời, nâng cao thu nhập cho người dân sống gần rừng, góp phần xoá đói, giảm nghèo, thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững.

Chủ trương giao đất, giao rừng cho các hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư thôn quản lý, bảo vệ đã phát huy hiệu quả trên cả ba phương diện: kinh tế, xã hội và môi trường. Không những góp phần bảo vệ và nâng cao độ che phủ của rừng, mà còn còn tạo công ăn việc làm cho người dân, nhất là thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, dần xóa bỏ tập quán canh tác nương rẫy lạc hậu, chuyển sang trồng rừng, bảo vệ, phát triển rừng để tạo nguồn thu nhập bền vững và cải thiện sinh kế cho người dân. Cùng với việc thực thi chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, công tác giao đất, giao rừng đã nhận được sự đồng thuận, ủng hộ của người dân, cộng đồng dân cư sống gần rừng và có thể nói đây là một trong những giải pháp quản lý bảo vệ rừng hiệu quả.

Thanh Xuân

Chuyên mục khác