Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI

21/04/2025 12:47

Sáng 21/4, đồng chí Dương Văn Trang- Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI.
Quang cảnh Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI. Ảnh: TVP

 

Tham dự Hội nghị có các đồng chí: U Huấn- Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh; Lê Ngọc Tuấn- Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Đức Tuy- Phó Bí thư Tỉnh uỷ; các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh.

Tại Hội nghị, Ban Tổ chức Tỉnh uỷ thông qua Tờ trình số 138-TTr/TU, ngày 18/4/2025 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy xin ý kiến về Đề án, Phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã (viết tắt là Tờ trình số 138-TTr/TU).

Các đại biểu tham dự Hội nghị thống nhất việc hợp nhất tỉnh Kon Tum và tỉnh Quảng Ngãi lấy tên là tỉnh Quảng Ngãi, đặt trung tâm chính trị-hành chính tại thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi hiện nay. Sắp xếp, sáp nhập Đoàn ĐBQH 2 tỉnh thực hiện theo Nghị quyết của Quốc hội; HĐND 2 tỉnh thực hiện theo Nghị quyết số 76/2025/UBTVQHI5, ngày 14/4/2025 của Ủy Ban Thường vụ Quốc hội. Nhập nguyên trạng các ban của HĐND và Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND của 2 tỉnh, sau sáp nhập có 5 cơ quan: Ban Pháp chế HĐND, Ban Kinh tế-Ngân sách HĐND, Ban Văn hóa-Xã hội HĐND, Ban Dân tộc HĐND, Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND. Nhập nguyên trạng các cơ quan chuyên môn và tổ chức hành chính thuộc UBND của 2 tỉnh, sau sáp nhập có 16 cơ quan: Văn phòng UBND, Sở Nội vụ, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp và Môi trường, Sở Xây dựng, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế, Sở Tư pháp, Sở Văn hóá, Thể thao và Du lịch, Sở Công Thương, Sở Dân tộc và Tôn giáo, Thanh tra, Sở Ngoại vụ (giữ nguyên Sở Ngoại vụ tỉnh Kon Tum và tiếp nhận nguyên trạng Phòng Ngoại vụ thuộc Văn phòng UBND tỉnh Quảng Ngãi vào Sở Ngoại vụ tỉnh Kon Tum); nhập nguyên trạng Ban Quản lý Khu Kinh tế Dung Quất và các Khu Công nghiệp Quảng Ngãi và Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh Kon Tum; Văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh…

Dự kiến đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND tỉnh Quảng Ngãi sau sáp nhập có các đơn vị: Trường Đại học Phạm Văn Đồng (dự kiến tiếp nhận nhiệm vụ và số lượng người làm việc có liên quan của bộ phận thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên trình độ cao đẳng theo quy định của Trường Cao đẳng Kon Tum);  Trường Cao đẳng Việt Nam-Hàn Quốc-Quảng Ngãi (dự kiến sáp nhập Trường Cao đẳng Kon Tum và Trường Cao đẳng Y tế Đặng Thùy Trâm vào Trường Cao đăng Việt Nam-Hàn Quốc-Quảng Ngãi); Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Quảng Ngãi (dự kiến tiếp nhận số lượng người làm việc có liên quan của Trung tâm Phát triển quỹ đất thuộc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Kon Tum). Giữ nguyên Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Ngãi, Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Quảng Ngãi, Ban Quản lý vườn quốc gia Chư Mom Ray. Ban Quản lý dự án đầu tự xây dựng các công trình giao thông, dân dụng và công nghiệp tỉnh Kon Tum đổi tên thành Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông, dân dụng và công nghiệp tỉnh Quảng Ngãi. Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Kon Tum đổi tên thành Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi. Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch tỉnh Quảng Ngãi thuộc Văn phòng UBND tỉnh Quảng Ngãi vào Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch trực thuộc UBND tỉnh Kon Tum.

Trước mắt, các doanh nghiệp nhà nước tiếp tục hoạt động độc lập. Sau khi đi vào hoạt động, sẽ tiến hành xem xét, sắp xếp các doanh nghiệp đảm bảo tinh gọn, hoạt động hiệu quả đúng quy định của pháp luật; thực hiện chuyển giao nguyên trạng các Hội quần chúng được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ về trực thuộc Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh quản lý.

Dự kiến, toàn tỉnh thực hiện sắp xếp, tinh giản theo quy định hiện hành là 351 người. Trong 5 năm thực hiện giảm tối thiểu 20% CBCCVC (không bao gồm lĩnh vực giáo dục và y tế) so với tổng số có mặt tại thời điểm sắp xếp, hợp nhất 2 tỉnh.

Dự kiến, sau khi sắp xếp, toàn tỉnh có 40 xã, phường (37 xã, 3 phường), giảm 62 xã, phường, thị trấn (giảm 60,78%, bảo đảm tỷ lệ theo quy định từ 60-70%). Cụ thể, thành phố Kon Tum sắp xếp 21 đơn vị thành 6 đơn vị (gồm 3 phường và 3 xã), huyện Đăk Hà sắp xếp 11 đơn vị thành 5 đơn vị, huyện Đăk Tô sắp xếp 9 đơn vị thành 3 đơn vị, huyện Tu Mơ Rông sắp xếp 11 đơn vị thành 4 đơn vị, huyện Ngọc Hồi sắp xếp 8 đơn vị thành 3 đơn vị, huyện Đăk Glei sắp xếp 12 đơn vị thành 6 đơn vị, huyện Sa Thầy sắp xếp 11 đơn vị thành 5 đơn vị, huyện Ia H’Drai sắp xếp 3 đơn vị thành 2 đơn vị, huyện Kon Rẫy sắp xếp 7 đơn vị thành 3 đơn vị, huyện Kon Plông sắp xếp 9 đơn vị thành 3 đơn vị.

Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ Dương Văn Trang đề nghị lãnh đạo các huyện, thành phố trong thời gian tới nắm rõ chủ trương của Đảng, Nhà nước về tinh gọn tổ chức bộ máy nhà nước để triển khai thực hiện, trong đó triển khai thực hiện Tờ trình số 138-TTr/TU đảm bảo đúng quy định, trước mắt tập trung lấy ý kiến của toàn dân trong tỉnh về việc đặt tên xã, phường mang đậm các yếu tố về lịch sử, văn hóa truyền thống của từng vùng đất để hợp với lòng dân.

Trần Văn Phúc

Chuyên mục khác