Hiệu quả từ Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy

13/11/2021 06:54

Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU, ngày 19/8/2016 của Tỉnh ủy khóa XV “về tiếp tục xây dựng các xã đặc biệt khó khăn trong tình hình mới” (Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy), tình hình kinh tế, văn hóa, xã hội ở các xã đặc biệt khó khăn có nhiều chuyển biến tích cực, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng cải thiện.

Thực hiện Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy, Báo Kon Tum được phân công xây dựng xã Đăk Tờ Re (huyện Kon Rẫy). Để việc xây dựng xã theo tinh thần Nghị quyết hiệu quả, Báo Kon Tum đã thành lập Tổ 04 thường xuyên bám địa bàn để kịp thời nắm bắt tình hình, kịp thời báo cáo cấp trên và tham mưu xử lý các vấn đề nổi cộm tại địa phương. Sát xã, hiểu dân, Tổ 04 của Báo Kon Tum đã tích cực tham gia tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Hàng năm, Báo Kon Tum đều thăm hỏi, tặng quà thương bệnh binh, gia đình chính sách nhân các ngày lễ, tết; tặng sách giáo khoa, vở, quần áo cũ… cho học sinh hoàn cảnh khó khăn vào đầu các năm học với tổng kinh phí hơn 210 triệu đồng. Ngoài việc duy trì, phát triển mô hình trồng cỏ nuôi bò đối với 14 hộ gia đình tại thôn Kon Xơm Luh và Kon Dơ Xing, từ năm 2020 đến nay, cơ quan, công đoàn Báo Kon Tum phát động cán bộ, viên chức tiết kiệm 20 nghìn đồng/người/tháng xây dựng Quỹ giúp người nghèo xã kết nghĩa và đã mua 2 con bò sinh sản (mỗi con trị giá 10 triệu đồng) tặng 2 hộ nghèo ở xã.

Ông A Kưk (ở thôn 8, xã Đăk Tờ Re) là hộ đầu tiên ở xã được nhận bò hỗ trợ từ Quỹ giúp người nghèo xã kết nghĩa của Báo Kon Tum. Ông chia sẻ: Không chỉ được tặng bò, Báo Kon Tum còn hỗ trợ gia đình xây dựng chuồng trại, hướng dẫn cách chăm sóc. Sau hơn 1 năm, đến nay, con bò đã sắp sinh con bê đầu tiên. Từ hộ nghèo, gia đình tôi đã vươn lên hộ cận nghèo. Gia đình rất cảm ơn Báo Kon Tum giúp đỡ và sẽ cố gắng để thoát khỏi hộ cận nghèo trong thời gian tới.

Báo Kon Tum tặng bò cho hộ nghèo ở xã Đăk Tờ Re. Ảnh: P.N

 

Cũng như ở Báo Kon Tum, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) là đơn vị được phân công xây dựng xã Mường Hoong (huyện Đăk Glei). Địa bàn xã cách xa, để kịp thời nắm bắt tình hình, Sở đã thành lập Tổ 04 và các thành viên trong tổ luân phiên bám địa bàn. Trong 5 năm, Sở GTVT đã tổ chức trao tặng hàng trăm suất quà cho các gia đình chính sách, hộ nghèo trong các dịp lễ tết; hỗ trợ giúp đỡ cho 8 hộ nghèo phát triển kinh tế trồng sâm dây… góp phần giúp họ có điều kiện vươn lên thoát nghèo.

Báo Kon Tum, Sở GTVT chỉ là hai trong số rất nhiều cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã tham gia tích cực xây dựng các xã đặc biệt khó khăn theo Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy. Theo thống kê, đến nay, có 73 cơ quan, đơn vị tỉnh, các doanh nghiệp, lực lượng vũ trang trực thuộc Trung ương đóng chân trên địa bàn tỉnh kết nghĩa xây dựng 51 xã. Trong 5 năm qua, các cơ quan, đơn vị kết nghĩa xây dựng xã của tỉnh, huyện đã cử trên 37 nghìn lượt cán bộ, công chức trực tiếp phối hợp với cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội, các lực lượng đóng chân trên địa bàn xã phổ biến, tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nhân dân thực hiện nghiêm các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tham gia Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững”…

Để giúp cho các xã đặc biệt khó khăn ngày càng phát triển, đời sống người dân được nâng cao, cùng với các nguồn đầu tư từ ngân sách, các cơ quan, đơn vị kết nghĩa xây dựng xã của tỉnh đã huy động hỗ trợ đầu tư xây dựng một số công trình hạ tầng như: Công ty 716 (Binh đoàn 15) đầu tư 450 triệu đồng tu sửa đường giao thông nội vùng, 55 triệu đồng làm 5 cầu gỗ tại 4 thôn của xã Ia Đal (huyện Ia H'Drai); Đảng ủy khối Doanh nghiệp tỉnh kêu gọi tài trợ 40 triệu đồng xây dựng 1 công trình thắp sáng đường quê tại xã Đăk Tờ Re (huyện Kon Rẫy); Công ty Điện lực Kon Tum tài trợ 30 triệu đồng xây dựng 1 công trình thắp sáng đường quê tại xã Đăk Ring (huyện Kon Plông)…Các cơ quan, đơn vị còn hỗ trợ vốn, giống giúp trên 800 hộ nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn phát triển kinh tế như nuôi trâu, bò sinh sản, nuôi heo lấy thịt... với tổng trị giá trên 14 tỷ đồng; huy động trên 25,8 tỷ đồng từ các nguồn để giúp các xã phát triển văn hóa, xã hội, thực hiện công tác an sinh xã hội; cử cán bộ, chiến sĩ về giúp dân nâng cấp đường giao thông nông thôn, đường vào các khu sản xuất, sửa chữa nhà ở, thu hoạch nông sản… với hơn 6.200 ngày công lao động.

Bên cạnh đó, các tổ công tác xây dựng xã của các huyện đã huy động, hỗ trợ các xã, thôn hơn 2,76 tỷ đồng để phát triển các mô hình kinh tế và trên 14 tỷ đồng thực hiện an sinh xã hội, trao tặng quà cho các gia đình chính sách, hộ nghèo, trẻ em.

Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng bộ tỉnh, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy, cùng sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự nhiệt tình giúp đỡ của các cơ quan, đơn vị kết nghĩa xây dựng xã, sự đồng thuận và ý thức tự lực, tự cường, tự vươn lên của chính quyền cơ sở và nhân dân các dân tộc vùng đặc biệt khó khăn, diện mạo các xã đặc biệt khó khăn có những thay đổi rõ nét. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao, bình quân tỷ lệ hộ nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn còn 25,36% (cuối năm 2016 là 50,99%), trung bình mỗi năm giảm 6,4% (đạt mục tiêu Nghị quyết đề ra).

Phúc Nguyên

Chuyên mục khác