Hiệu quả trong thực hiện chủ trương xây dựng cánh đồng lớn ở Ngọc Tụ

26/10/2019 06:01

Năm 2017, xã Ngọc Tụ đã đi đầu vận động nhân dân tập trung nguồn lực thực hiện tích cực chủ trương của Huyện ủy Đăk Tô về dồn đổi, tích tụ đất nông nghiệp để xây dựng cánh đồng lớn, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản. Việc triển khai chủ trương trên đã góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, tăng năng suất lao động và giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích đất sản xuất...

Bí thư Đảng ủy xã Ngọc Tụ - Lê Văn Chương cho biết: Thực hiện chủ trương của Huyện ủy Đăk Tô, cuối năm 2017, địa phương đã tổ chức phổ biến, tuyên truyền, vận động 39 hộ dân ở thôn Đăk Chờ, Đăk No tiến hành dồn đổi diện tích đất nông nghiệp để xây dựng cánh đồng mẫu lớn với diện tích hơn 10ha trồng lúa bạc màu, cho năng suất thấp sang trồng cây mía. Đồng thời, Đảng ủy cũng chỉ đạo UBND xã làm việc, tiến hành ký thỏa thuận với Công ty Cổ phần Đường Kon Tum về liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm mía của bà con trên địa bàn.

Điều đáng quan tâm là, trong tổng số 39 hộ dân tham gia mô hình dồn điền, đổi thửa ở địa phương có 19 hộ là đảng viên ở 2 thôn. Riêng bản thân ông Chương đã vận động người thân đi đầu đưa 1ha đất trồng lúa cho thu nhập thấp sang sản xuất cây mía.

Ông Chương cho biết thêm: Đầu năm 2018, các hộ tham gia mô hình bắt đầu nhận sự hỗ trợ từ ngân sách huyện là 100% cây giống và 30% chi phí phân bón. Riêng Công ty Cổ phần Đường Kon Tum hỗ trợ chi phí làm đất, kỹ thuật chăm sóc và sau thu hoạch, cây mía được thu mua trực tiếp tại chân ruộng, góp phần giảm chi phí chuyên chở cho người dân.

Với sự quan tâm của các cấp trên địa bàn dành cho người dân tham gia mô hình tích tụ ruộng đất trong sản xuất như trên, mùa thu hoạch cây mía đầu tiên vào cuối năm 2018 đã mang về kết quả khả quan: Tổng sản lượng mía sạch đạt 1.351,7 tấn (sau khi trừ tạp chất tại nhà máy); năng suất bình quân đạt 70,77 tấn mía sạch/ha và doanh thu bình quân đạt khoảng 60-65 triệu đồng/ha.

Những cánh đồng mía, lúa nếp cẩm chất lượng cao tham gia mô hình tích tụ đất sản xuất ở xã Ngọc Tụ. Ảnh: MT

 

Đi đầu tham gia mô hình trồng mía có đảng viên A Phượng ở thôn Đăk Chờ. Anh A Phượng tâm sự: Trước đây sinh hoạt ở chi bộ thôn hàng tháng, đồng chí bí thư có nói về chủ trương chỉ đạo tích tụ ruộng đất để làm cánh đồng lớn tập trung trồng cây mía cho thu nhập cao hơn cây lúa. Ban đầu mọi người cũng có hơi lo lắng, vì chưa bao giờ sản xuất cây trồng khác ngoài cây lúa ở ruộng. Nhưng rồi nghe cán bộ xã về tuyên truyền, biết được cả người nhà của Bí thư Đảng ủy xã Ngọc Tụ cũng đưa đất vào sản xuất mô hình, nên các đảng viên khác đã đăng ký góp đất vào mô hình mẫu.

Qua tìm hiểu của phóng viên, từ chỗ đăng ký đưa diện tích đất vào sản xuất cây mía, 39 hộ dân đã được tham gia các lớp chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc, phân bón cho diện tích cây mía phù hợp thực tế. Riêng hộ A Phượng góp 1ha đất trồng cây mía, đến cuối năm vừa qua, trừ chi phí đầu tư giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (không tính phần Nhà nước hỗ trợ), thu nhập được 38 triệu đồng.

“Với 1ha trồng cây lúa, trừ chi phí ban đầu, tôi thu về khoảng 15 triệu đồng/ha, nhưng công sức bỏ ra nhiều hơn. Trong khi cùng xuống giống cây mía trên cánh đồng lớn, các gia đình chia nhau ngày công và số lần làm cỏ ít hơn 2/3 thời gian so với chăm sóc cây lúa. Hơn nữa, sau thu hoạch, nông sản của bà con được công ty đến tận nơi vận chuyển đi, nên gia đình không phải mất thêm khoản chi phí này. Không riêng tôi, mà nhiều bà con khác rất yên tâm với cách thức sản xuất liên kết như trên” - anh A Phượng nhận xét. 

Ông Chương còn thông tin, qua 1 năm triển khai mô hình trồng cây mía trên diện tích đất tích tụ của bà con hơn 10ha đã mang về thu nhập cao gấp 2 lần so với ruộng lúa, vườn mì trước đây trên cùng diện tích này. Mặt khác, khi tham gia mô hình, nhân dân bắt đầu tiếp cận áp dụng khoa học công nghệ trong vấn đề thâm canh để tăng năng suất cây mía, và khi dồn điền, tích tụ ruộng đất đã tạo điều kiện đưa cơ giới hóa vào, giảm bớt công của người dân…

Trao đổi với phóng viên, ông Tưởng Văn Khanh - Phó Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đăk Tô, người trực tiếp về phối hợp với xã Ngọc Tụ triển khai mô hình liên kết trồng mía thông tin: Thực hiện chủ trương của Huyện ủy Đăk Tô về dồn đổi, tích tụ đất nông nghiệp để xây dựng cánh đồng lớn, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, từ năm 2017 đến nay, xã Ngọc Tụ đã đi đầu triển khai tốt, phát huy hiệu quả việc dồn đổi đất sản xuất nông nghiệp, hình thành vùng sản xuất mía tập trung hơn 10/19ha của toàn huyện. Địa phương này cũng tham gia xây dựng được chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp là cây mía với các doanh nghiệp trong tỉnh.

Bí thư Đảng ủy xã Ngọc Tụ - Lê Văn Chương khẳng định: Từ những kết quả đạt được, đầu năm 2019, địa phương đã vận động được 21 hộ dân tiếp tục dồn điền, đổi thửa trên diện tích 3,2ha trồng giống lúa nếp cẩm thơm cho năng suất cao. Trong thời gian tới, xã sẽ tiếp tục vận động người dân trên địa bàn thực hiện dồn đổi, tích tụ đất nông nghiệp để xây dựng cánh đồng lớn, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản...

Ông Chương cho rằng, với những tín hiệu tích cực trên sẽ tạo động lực cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Ngọc Tụ tiếp tục thực hiện đạt mục tiêu, nhiệm vụ về chuyển đổi cơ cấu cây trồng sản xuất tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa, tiến đến tăng thu nhập và giảm tỷ lệ hộ nghèo nhanh, bền vững cho nhân dân trên địa bàn.

Trần Hà

Chuyên mục khác