Góp ý Dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội XVI Đảng bộ tỉnh (nhiệm kỳ 2020-2025): Phát huy khối đại đoàn kết các dân tộc, làm nên những thành tựu quan trọng của tỉnh 5 năm qua

04/05/2020 06:12

Hơn 90 năm qua, Đảng bộ tỉnh Kon Tum luôn phát huy đầy đủ và ngày càng sâu sắc giá trị đại đoàn kết dân tộc. Đó là một trong những bài học kinh nghiệm quý báu trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo nhân dân các dân tộc trong tỉnh vượt qua mọi khó khăn, thách thức làm nên những thành tựu trong 5 năm qua.

Đoàn kết là truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam. Nhờ truyền thống đó, dân tộc Việt Nam đã vượt qua bao thử thách của lịch sử để tồn tại và phát triển. Ngày nay, đoàn kết đã trở thành động lực chủ yếu cho sự phát triển đất nước trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.

Trải qua hàng ngàn năm văn hiến, văn hóa được coi là một sức mạnh nền tảng xây dựng khối đoàn kết toàn dân tộc trong tiến trình dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Trong quá trình lãnh đạo Cách mạng Việt Nam, kế thừa truyền thống văn hóa của dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh nâng giá trị đoàn kết của dân tộc lên tầm cao mới, đó là “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”.

Kế thừa những tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đoàn kết và đại đoàn kết dân tộc, Đại hội IX của Đảng khẳng định đoàn kết và đại đoàn kết dân tộc “là đường lối chiến lược, là nguồn sức mạnh và động lực to lớn để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Đường lối chiến lược đó nhằm “thực hiện đại đoàn kết các dân tộc, tôn giáo, giai cấp, tầng lớp, thành phần kinh tế, mọi giới, mọi lứa tuổi, mọi vùng của đất nước, người trong Đảng và người ngoài Đảng, người đang công tác và người đã nghỉ hưu, mọi thành viên trong đại gia đình dân tộc Việt Nam dù sống trong nước hay ở nước ngoài”. Đại hội còn chỉ rõ nguyên tắc để xây dựng khối đại đoàn kết là “phát huy sức mạnh của cả cộng đồng dân tộc, truyền thống yêu nước, ý chí tự lực tự cường và lòng tự hào dân tộc, lấy mục tiêu giữ vững độc lập, thống nhất, vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh làm điểm tương đồng; tôn trọng những ý kiến khác nhau không trái với lợi ích chung của dân tộc, xóa bỏ mặc cảm, định kiến, phân biệt đối xử về quá khứ, giai cấp, thành phần, xây dựng tinh thần cởi mở, tin cậy lẫn nhau, hướng tới tương lai”.

Đến Đại hội X, tư tưởng về đại đoàn kết dân tộc được trình bày một cách cô đọng nhất, được đưa vào chủ đề Đại hội và được trình bày trong mục X thuộc Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX với tiêu đề: “Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân”. Những tư tưởng cơ bản về đại đoàn kết dân tộc trong Văn kiện Đại hội X có thể được trình bày một cách vắn tắt trên một số điểm sau: Đại đoàn kết dân tộc dựa trên nền tảng liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam; đại đoàn kết dân tộc là nguồn sức mạnh, động lực chủ yếu và là nhân tố có ý nghĩa quyết định bảo đảm thắng lợi bền vững của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; lấy mục tiêu độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc làm điểm tương đồng để gắn bó đồng bào các dân tộc, các tôn giáo, các tầng lớp nhân dân trong nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài… Thực tiễn của những năm đổi mới, Đảng Cộng sản Việt Nam đã đi đến một kết luận quan trọng: “Đại đoàn kết dân tộc là nguồn sức mạnh, động lực chủ yếu và là nhân tố có ý nghĩa quyết định bảo đảm thắng lợi bền vững của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Nhân dân Kon Tum đoàn kết xây dựng quê hương giàu đẹp. Ảnh: XB 

 

Kế thừa tư tưởng đoàn kết của dân tộc và đại đoàn kết của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta luôn quan tâm đến việc xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc. Trong dự thảo các Văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng, về tầm nhìn và định hướng phát triển thời gian tới, quan điểm chỉ đạo của Đảng ta là: “Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, khát vọng phát triển và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc”. Về định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030, Đảng ta xác định: “… phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; củng cố nâng cao niềm tin của nhân dân, tăng cường đồng thuận xã hội…”. Tương tự như vậy, trong 5 bài học kinh nghiệm qua 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII, Đảng ta xác định “…thường xuyên củng cố, tăng cường đoàn kết trong Đảng và hệ thống chính trị…”. Xét về mặt nội dung văn kiện và tư tưởng lãnh đạo của Đảng là rất chặt chẽ, sâu sắc và lô gíc.

Dự thảo các Văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng là một trong những cơ sở quan trọng để xây dựng dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội XVI của Đảng bộ tỉnh. Tại mục “Mục tiêu tổng quát” của dự thảo báo cáo có ghi “…; củng cố niềm tin của Nhân dân và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết các dân tộc; huy động, khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, tiềm năng, lợi thế của tỉnh...” (trang 13). Tại nhiệm vụ, giải pháp số 7 của dự thảo báo cáo (trang 22) có ghi: “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc”.

Trong 5 bài học kinh nghiệm qua 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, cần bổ sung vấn đề Đảng bộ tỉnh đã phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết của nhân dân các dân tộc trong tỉnh; bổ sung nội dung này vào ý thứ hai tại bài học số 1. Sau khi bổ sung, đoạn này có nội dung là: Nghiên cứu, vận dụng đúng đắn, linh hoạt, sáng tạo các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước phù hợp với tình hình thực tế của địa phương; phát huy sức mạnh đoàn kết của nhân dân các dân tộc trong tỉnh...”. Bổ sung ý này vừa đúng và trúng, vừa đầy đủ và sâu sắc, vừa bảo đảm tính thống nhất và chặt chẽ, lô gíc của dự thảo báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020-2025. Mặt khác, sức mạnh khối đại đoàn kết của nhân dân các dân tộc trong tỉnh cũng chính là nội lực quan trọng của tỉnh. Từ đó, giải thích, làm rõ thêm “phát huy tối đa nội lực gắn với huy động mạnh mẽ các nguồn lực từ bên ngoài” trong bài học kinh nghiệm thứ 2.

Tại ý thứ 2, mục “Thuận lợi” (trang 13), cần bổ sung thêm ý: Nhân dân các dân tộc trong tỉnh luôn biết giữ gìn và phát huy sức mạnh đại đoàn kết. Đây là truyền thống quý báu của Đảng bộ tỉnh và của nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Sau khi bổ sung, ý này được viết là: “Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ tiếp tục có những cơ chế, chính sách phù hợp thiết thực, tạo điều kiện thuận lợi cho Tây Nguyên nói chung và tỉnh Kon Tum nói riêng phát triển nhanh và bền vững. Nhân dân các dân tộc trong tỉnh luôn biết giữ gìn và phát huy sức mạnh đại đoàn kết.

Truyền thống đoàn kết của nhân dân các dân tộc trong tỉnh là kết quả của quá trình vun trồng, xây đắp bền bỉ, là sự hy sinh, phấn đấu không mệt mỏi của các thế hệ đảng viên của Đảng bộ tỉnh Kon Tum. Truyền thống đó có ý nghĩa sâu sắc, thể hiện tinh thần cách mạng triệt để và trình độ trí tuệ ngày càng cao của Đảng bộ tỉnh Kon Tum.

Hơn 90 năm qua, Đảng bộ tỉnh Kon Tum luôn phát huy đầy đủ và ngày càng sâu sắc giá trị đại đoàn kết dân tộc. Đó là một trong những bài học kinh nghiệm quý báu trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo nhân dân các dân tộc trong tỉnh vượt qua mọi khó khăn, thách thức làm nên những thành tựu trong 5 năm qua.

Y PHƯƠNG

Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy                                                                    

      

Chuyên mục khác