Gần dân

21/10/2021 13:00

Đọc những mẩu chuyện nhỏ, xem những bộ phim tư liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta thấy rõ hơn tấm lòng, sự gần dân, yêu dân, thương dân, trọng dân của Người. Chính phong thái gần gũi, chân tình và xem dân là gốc rễ ấy, Người đã xây dựng khối đại đoàn kết, để mọi người dân từ Nam ra Bắc cùng chung sức chống Pháp, chống Mỹ, giành lại hòa bình, thống nhất đất nước. Phụng sự hết mình vì dân, Người được cả thế giới ngợi ca, đồng bào cả nước yêu mến, kính trọng.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ, cách tổ chức và cách làm việc phải “từ trong quần chúng ra, về sâu trong quần chúng”. Mỗi cán bộ, đảng viên đều xuất thân từ nhân dân, dù ở cương vị nào cũng hướng đến mục đích phục vụ nhân dân. Và để làm được điều đó, cán bộ phải đi sâu, đi sát, gần gũi, phải “đắm mình” vào những hoạt động thực tiễn, các phong trào diễn ra trong tầng lớp nhân dân để lắng nghe những tâm tư, thấu hiểu những nguyện vọng, chia sẻ niềm vui, nỗi buồn với nhân dân. Gần dân, lắng nghe dân, hiểu dân, từ đó mới có thể có những chính sách, hành động, việc làm thiết thực phù hợp với từng đối tượng trong xã hội.

Gần dân, nói thì dễ nhưng làm lại khó. Dễ với những ai tài, đức, thực sự muốn giúp dân, lắng nghe dân, xem nguyện vọng chính đáng của nhân dân trên hết. Nhưng lại khó với những cán bộ mắc bệnh quan liêu, kiểu cách.

Cán bộ thường xuyên nắm bắt tình hình ở cơ sở, lắng nghe ý kiến của dân để có giải pháp, đề xuất kịp thời, giúp dân phát triển. Ảnh: X.B

 

Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã chỉ rõ tình trạng “quan liêu, xa rời quần chúng, không sâu sát cơ sở, thiếu kiểm tra, đôn đốc, không nắm chắc tình hình địa phương, cơ quan, đơn vị mình; thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm trước khó khăn, bức xúc và đòi hỏi chính đáng của nhân dân” là một trong các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Thực tế, không ít cán bộ, đảng viên “ngồi ỳ trong phòng giấy mà viết”, xa rời, ngại gặp gỡ, tiếp xúc với dân. Nhiều trường hợp, vì bắt buộc nên chỉ tiếp xúc qua loa, đại khái; làm cho xong việc, còn chuyện hiểu dân, giúp dân… thì lại bỏ ngỏ.

Từ thôn, xã, huyện cho đến tỉnh, cứ nhìn vào cách làm việc, cách xây dựng các hoạt động, cách nắm tình hình, vấn đề trong thực tế, sẽ hiểu được người nào thực sự “đi vào quần chúng”. Những ai có thái độ thờ ơ, vô cảm, làm ngơ, đùn đẩy trách nhiệm trước những khó khăn, bức xúc và đòi hỏi quyền lợi chính đáng của nhân dân, chắc chắn cán bộ đó xa dân. Với những cán bộ xa rời quần chúng thường có hướng lý luận suông, xây dựng kế hoạch thực hiện không sát với tình hình thực tế, không được dân tin, dân yêu.

Lịch sử cho thấy, việc gần dân, sâu sát nhân dân là nhân tố quyết định tạo nên sức mạnh và sự thành công của Đảng ta. Lời dạy của Bác về việc lấy dân làm gốc, thấu hiểu dân vẫn luôn còn nguyên vẹn. Cũng nhờ đó, nhiều thế hệ cán bộ trưởng thành, vận dụng linh hoạt vào thực tế, nhận được sự tin yêu của người dân, xây dựng khối đại đoàn kết tại khu dân cư, tại địa phương.

Tại tỉnh ta, nêu cao ý thức phục vụ nhân dân, lãnh đạo tỉnh thường xuyên về những vùng sâu, vùng xa, các xã đặc biệt khó khăn; thường xuyên có những buổi làm việc, đối thoại trực tiếp với dân để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của dân. Phải nhìn nhận, nhờ sự gần gũi, hiểu được những khó khăn vướng mắc của nhân dân, của doanh nghiệp, từ đó, đã kịp thời có những chính sách, cơ chế gỡ khó, tạo sự đồng thuận, động lực để người dân có niềm tin vượt khó, dần thay đổi nếp nghĩ, cách làm.

Đặc biệt, trong các buổi làm việc tại các huyện, thành phố, các cơ sở, đơn vị, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang luôn nhấn mạnh, yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên phải nêu cao tinh thần phụng sự nhân dân, thường xuyên nắm bắt tình hình tại cơ sở, lắng nghe ý kiến của dân để có những giải pháp, đề xuất kịp thời, giúp dân phát triển. Cùng với đó, tại các buổi tiếp dân, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu các cơ quan, đơn vị kịp thời xử lý đúng quy định các đơn thư, khiếu nại, không để tồn đọng. 

Gần dân để phục vụ tốt hơn, từ những việc làm hằng ngày gắn với cương vị công tác, những cán bộ vì dân sẽ xây dựng được “thế trận lòng dân”. Từ đó, mỗi người dân có thêm động lực phấn đấu, trước hết xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, góp sức xây dựng tỉnh nhà ngày càng phát triển.

Hoài Tiến

Chuyên mục khác