Đưa Kon Tum phát triển bền vững

25/09/2023 13:07

Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Kon Tum đã phát triển nhanh và bền vững theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đề ra.
 
Không gian đô thị thành phố Kon Tum ngày càng đẹp, văn minh, hiện đại. Ảnh: VP - DĐN

 

Quân và dân trong tỉnh đi được nửa chặng đường thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XVI của Đảng bộ tỉnh và đã đạt được nhiều kết quả khá quan trọng, làm tiền đề, sức bật để hoàn thành cao nhất các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội XVI đề ra.

Với tinh thần hết sức cầu thị, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã nghiêm túc nhìn nhận và đánh giá lại những ưu khuyết điểm, hạn chế trong thời gian qua, trong đó đặc biệt chú trọng đến công tác kiểm điểm, phê bình để rút ra bài học sâu sắc từ thực tiễn lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế, văn hóa-xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng ở địa phương.

Để tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội lần thứ XVI Đảng bộ tỉnh đã đề ra, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh yêu cầu các cấp ủy, chính quyền các cấp tập trung thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp mà Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã xác định và đề ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI.

Đặc biệt, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh yêu cầu cấp ủy, chính quyền các cấp phải phát huy các thế mạnh ở ngành mình, cấp mình, địa phương mình, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu ở mức cao nhất, tạo động lực để hoàn thành các nhiệm vụ trọng tâm từ nay đến cuối nhiệm kỳ cũng như những năm tiếp sau, góp phần đưa kinh tế - xã hội Kon Tum phát triển nhanh bền vững.

Các khu vực kinh tế phát triển đồng đều, hiệu quả. Ảnh: TH

 

Theo đó, tỉnh phấn đấu đưa tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân đạt từ 10% trở lên, đến năm 2025 tỷ trọng nông - lâm- thủy sản đạt từ 19-20%; công nghiệp - xây dựng đạt từ 32-33%; thương mại- dịch vụ đạt từ 42-43%. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội cả giai đoạn 2021-2025 đạt 118.000 tỷ đồng; GRDP bình quân đầu người từ 70 triệu đồng trở lên; thu ngân sách nhà nước tại địa bàn tăng bình quân 8,2%/năm và đạt trên 5.000 tỷ đồng vào năm 2025.

Để đạt được các chỉ tiêu nói trên, Ban Chấp hành Đảng bộ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các nghị quyết chuyên đề được Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành trong thời gian qua, nhất là nghị quyết về đầu tư, phát triển và chế biến dược liệu trên địa bàn tỉnh; đầu tư xây dựng và phát triển các vùng kinh tế động lực của tỉnh; cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh và tăng cường thu hút đầu tư; phát triển du lịch; quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị.

Đồng thời đẩy nhanh tiến độ lập, tổ chức triển khai thực hiện tốt quy hoạch trên địa bàn tỉnh; tập trung phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phát triển cây dược liệu, các sản phẩm chủ lực của tỉnh; huy động, khai thác nguồn vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế để đầu tư kết cấu hạ tầng đô thị, hạ tầng giao thông, hạ tầng khu, cụm công nghiệp; phát triển mạnh các loại hình du lịch có thế mạnh của tỉnh. Đẩy mạnh xúc tiến, thu hút đầu tư, thu hút nhà máy chế biến nông, lâm nghiệp; kịp thời tháo gỡ các vướng mắc để các dự án thu hút triển khai thực hiện đảm bảo đúng tiến độ. Thực hiện tốt các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp; chú trọng phát triển các loại hình kinh tế tập thể, hợp tác xã; duy trì và nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); cải thiện, nâng cao Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) và Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX).

Đối với lĩnh vực văn hóa- xã hội, Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tập trung lãnh đạo, chỉ đạo huy động các nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, tăng cường thiết bị dạy học đảm bảo chuẩn hóa, đồng bộ; trong đó, chú trọng phát triển trường dân lập, tư thục, chất lượng cao. Thực hiện tốt công tác đào tạo nghề; đẩy mạnh giáo dục hướng nghiệp và định hướng phần luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS, THPT. Hiện đại hóa và nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh. Tiếp tục rà soát, bảo tồn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc; đầu tư nâng cấp các di tích lịch sử cách mạng.

Thực hiện tốt công tác giảm nghèo bền vững; triển khai đầy đủ, kịp thời các chính sách an sinh xã hội. Thực hiện tốt các chính sách dân tộc, nhất là hỗ trợ định canh, định cư, đất ở, đất sản xuất, nhà ở đối với đồng bào DTTS và hộ nghèo. Rà soát, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của các trung tâm nghiên cứu, ứng dụng và dịch vụ khoa học, công nghệ; hình thành một số trung tâm nghiên cứu chuyên sâu về dược liệu và các sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đẩy mạnh triển khai chương trình chuyển đổi số; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.

Có thể nói, kể từ đầu nhiệm kỳ (2020-2025) đến nay, với sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, sâu sát của Tỉnh ủy cùng với tinh thần trách nhiệm của các cấp ủy, ngành; sự đồng thuận cao, quyết tâm của đồng bào các dân tộc trong tỉnh, tình hình kinh tế- xã hội của tỉnh tiếp tục ổn định, phát triển và đạt được những kết quả đáng ghi nhận: Kinh tế- xã hội của tỉnh tiếp tục phát triển; công tác an sinh xã hội được triển khai thực hiện có hiệu quả; kỷ luật, kỷ cương hành chính được chú trọng; quốc phòng- an ninh được giữ vững.

Có được thành quả trên chính là nhờ vào năng lực lãnh đạo của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy; sự quản lý, điều hành năng động, linh hoạt của chính quyền các cấp và cả hệ thống chính trị; sự thống nhất, đồng thuận cao trong nhân dân, góp phần tạo nền tảng vững chắc để đưa tỉnh phát triển nhanh và bền vững hơn trong thời gian đến.

Dương Đức Nhuận

Chuyên mục khác