Đổi mới tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị

16/11/2022 06:00

Đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị luôn được Đảng ta quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, nhất là từ nhiệm kỳ Đại hội VI đến nay.

Các nhiệm kỳ từ khóa VII đến khóa XII, các văn kiện Đại hội Đảng và nhiều nghị quyết, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị đã chỉ đạo việc xây dựng, đổi mới tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế của hệ thống chính trị quyết liệt và hiệu quả.

Đại hội XIII của Đảng đánh giá: “Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị được đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả rõ rệt”. Tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị được sắp xếp tinh gọn hơn; giảm đầu mối, giảm cấp trung gian, giảm số lượng cán bộ lãnh đạo, quản lý, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, xây dựng chính quyền điện tử, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động. 

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, công tác đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị cũng còn nhiều hạn chế, bất cập.

Đại hội XIII của Đảng đánh giá, việc hoàn thiện mô hình tổ chức tổng thể của hệ thống chính trị cho phù hợp với tình hình thực tiễn còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu. Việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy ở một số nơi thiếu kiên quyết, đồng bộ và chưa đạt mục tiêu đề ra; cá biệt có nơi còn nóng vội, chưa có bước đi vững chắc.

Thời gian qua, việc đổi mới tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế của hệ thống chính trị của tỉnh ta được thực hiện quyết liệt và hiệu quả. Ảnh: S.C

 

Vấn đề đổi mới tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước đồng bộ, phù hợp với đổi mới kinh tế có một số mặt còn lúng túng. Tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương chưa đổi mới đồng bộ; chức năng, nhiệm vụ, phân cấp, phân quyền chưa thật rõ ràng.

Việc đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội có mặt chưa theo kịp yêu cầu của tình hình mới, chưa thật sâu sát các tầng lớp nhân dân và cơ sở; chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát, phản biện xã hội chưa đều.

Tiếp nối đường lối đổi mới mạnh mẽ, quyết liệt về tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị qua các nhiệm kỳ, nhất là trong nhiệm kỳ Đại hội XII, Đại hội XIII tiếp tục khẳng định tinh thần đổi mới mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa, hướng tới xây dựng hệ thống chính trị thực sự tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, coi đây là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, xuyên suốt nhiệm kỳ và giữ vị trí, vai trò quyết định.

Đối với tỉnh Kon Tum, trong các nhiệm kỳ đã rà soát, kiện toàn mô hình tổ chức cơ sở đảng đúng quy định và tình hình thực tế của địa phương; sắp xếp tổ chức bộ máy của tỉnh theo hướng tinh gọn, giảm đầu mối, giảm cấp trung gian, giảm cán bộ lãnh đạo, quản lý; đẩy mạnh phân cấp; xây dựng chính quyền điện tử nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động.

Công tác cán bộ được thực hiện đúng quy trình, quy định; việc quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, điều động, luân chuyển cán bộ được thực hiện có hiệu quả.

Đội ngũ cán bộ cấp xã từng bước được chuẩn hóa, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Cụ thể, tổng số cán bộ, công chức cấp xã toàn tỉnh là 1.902 người. Số cán bộ chủ chốt đạt chuẩn (xét trên 3 tiêu chí: học vấn phổ thông, trình độ chuyên môn và trình độ lý luận chính trị) là 479/562 người (đạt 85,23%), tăng 10,58% so với năm 2015.

Hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp và năng lực quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện của UBND cũng như các cơ quan quản lý nhà nước tiếp tục được nâng lên, nhất là trong việc điều hành ngân sách, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp, thu hút đầu tư, phát triển kinh tế, xã hội.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị-xã hội các cấp tiếp tục được củng cố, kiện toàn, tập hợp đông đảo quần chúng tham gia vào tổ chức đoàn, hội; nội dung, phương thức, hiệu quả hoạt động được nâng lên.

Tuy nhiên, hạn chế là một số cấp ủy, tổ chức đảng chưa thật sự quyết liệt, hoặc còn cầu toàn, thiếu chủ động, chưa tích cực trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6, khóa XII.

Có lúc, có nơi còn chưa thực hiện tốt nguyên tắc "rõ việc, rõ người, rõ quyền hạn, rõ trách nhiệm và rõ lợi ích"; chưa quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, phương thức vận hành, hiệu lực, hiệu quả của từng cơ quan, đơn vị; cơ chế phối hợp chưa nhịp nhàng; phân cấp, phân quyền chưa rõ ràng; cơ chế kiểm soát quyền lực còn lỏng lẻo.

Nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội có đổi mới nhưng kết quả còn hạn chế.

Những vấn đề trên đặt ra cần phải tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đồng bộ với đổi mới kinh tế, đáp ứng yêu cầu nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng.

Trong đó, cần quyết liệt khắc phục sự chồng chéo và những bất hợp lý trong tổ chức của Đảng và tổ chức bộ máy hệ thống chính trị. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, tránh biểu hiện chỉ tập trung giảm đầu mối mà quên đi hoặc xem nhẹ hiệu lực, hiệu quả hoạt động. Đẩy mạnh thực hiện tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm.

Tiếp tục xác định rõ hơn chức năng, nhiệm vụ và cơ chế hoạt động của các tổ chức trong hệ thống chính trị đảm bảo nguyên tắc một tổ chức có thể đảm nhiệm nhiều việc, nhưng một việc chỉ do một tổ chức chủ trì và chịu trách nhiệm chính. Quan tâm đổi mới hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội đáp ứng mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ phát triển mới.

Tiếp tục đẩy mạnh sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và nghiên cứu triển khai thực hiện ở cấp tỉnh phù hợp với quy hoạch tổng thể các đơn vị hành chính các cấp.

Đây là nhiệm vụ hết sức khó khăn, đòi hỏi phải khẩn trương, nhưng thận trọng, bài bản; không cầu toàn nhưng cũng không chủ quan, nóng vội. Phải phát huy tính chủ động, sáng tạo của các cấp ủy, chính quyền, nhất là người đứng đầu; tránh tư tưởng trông chờ hướng dẫn của cấp trên, theo tinh thần việc gì đã chín, đã rõ thì quyết tâm làm.      

Sông Côn

Chuyên mục khác