Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng

09/09/2020 13:08

Hiện nay, cả nước đang chuẩn bị tiến hành Đại hội Đảng bộ các tỉnh, thành phố và Đảng bộ các cơ quan, ban ngành trực thuộc Trung ương. Trước thềm Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, rất nhiều vấn đề được quan tâm xem xét, thảo luận góp phần chuẩn bị Báo cáo chính trị. Trong bối cảnh hiện nay, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng cũng là vấn đề rất quan trọng cần được nghiên cứu, xem xét và hoàn thiện.

Từ khi thành lập cho đến nay, trải qua các giai đoạn cách mạng, phương thức lãnh đạo của Đảng luôn có những đổi mới nhằm phù hợp với thực tiễn tình hình.

Trong giai đoạn cách mạng dân tộc dân chủ, khi Cách mạng chưa giành được chính quyền (1930-1945), phương thức lãnh đạo của Đảng trong giai đoạn này có những đặc điểm như sau: Lãnh đạo bằng đường lối, chủ trương, nghị quyết; lãnh đạo bằng vận động, tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục; lãnh đạo bằng sự nêu gương với khẩu hiệu “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, đã có biết bao đảng viên, cán bộ đảng dám đương đầu với khó khăn, thử thách, chấp nhận hy sinh “Đường cách mạng từ khi tôi đã hiểu/Dấn thân vô là phải chịu tù đầy/Là gươm kề tận cổ súng kề tai....” (thơ Tố Hữu).

Những tấm gương hy sinh sáng ngời của các đồng chí: Tổng Bí thư Trần Phú, Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị Minh Khai, Hoàng Văn Thụ với khí phách hiên ngang, anh dũng trước cái chết, sự tin tưởng vào chính nghĩa đã làm cho kẻ thù khiếp sợ, đã động viên khích lệ đối với quần chúng nhân dân. Khi đối diện với án tử hình của thực dân Pháp, đã nói một câu đại ý: “trong cuộc đấu tranh sinh-tử giữa chúng tôi-những người mất nước, và các ông-những kẻ cướp nước, sự hy sinh của những người như tôi là một sự dĩ nhiên, chỉ biết rằng cuối cùng chúng tôi sẽ thắng”.

Một góc thành phố Kon Tum. Ảnh: Nguyễn Ban

 

Những tấm gương hy sinh của những người cộng sản đã tạo hiệu ứng tin tưởng, ngưỡng mộ, khâm phục, đã khắc sâu trong trái tim của nhân dân. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Đảng ta rất sáng tạo đã hình thành Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội nhằm tập hợp các tầng lớp, giai cấp phát huy cao độ sức mạnh của toàn dân tộc cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng đất nước, giành lại độc lập tự do, tiến hành cách mạng dân tộc, dân chủ đến thắng lợi.

Khi chưa giành chính quyền, sách lược của Đảng là biết tập hợp, phát huy sức mạnh của toàn dân tộc, đây là nhân tố quan trọng nhất bảo đảm sự thành công.

Phương thức lãnh đạo của Đảng còn thể hiện đảng viên là cầu nối giữa Đảng với quần chúng nhân dân, cán bộ đảng viên là đầy tớ trung thành của nhân dân. Thật vậy, ngoài lợi ích của dân tộc, của đất nước, Đảng ta không có lợi ích nào khác, đây chính là sự vĩ đại, sự hấp dẫn kỳ lạ của Đảng.

Khi Đảng trở thành đảng cầm quyền, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta tiến hành cuộc kháng chiến trường kỳ, đấu tranh giành độc lập, tự do cho đất nước, cho dân tộc. Phương thức lãnh đạo trong giai đoạn này có khác trước, Đảng lãnh đạo bằng chủ trương, đường lối, chỉ thị, nghị quyết; Nhà nước thể chế hóa, cụ thể hóa chủ trương, nghị quyết của Đảng thành văn bản pháp luật nhằm đưa nghị quyết vào cuộc sống. Đảng ta đã xác định liên minh công-nông là nền tảng, là lực lượng nòng cốt của cách mạng. Mong ước ngàn đời của người nông dân là người cày có ruộng, Đảng và Nhà nước đã tiến hành cải cách ruộng đất, phân chia lại ruộng đất cho nông dân... đáp ứng nguyện vọng chính đáng của giai cấp nông dân.

Trong giai đoạn này, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước ta đã tiến hành 2 cuộc cách mạng: cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và cách mạng đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Với khẩu hiệu hành động: “tất cả vì miền Nam ruột thịt, mỗi người làm việc bằng hai”, đã khơi dậy phong trào thi đua và khí thế cách mạng sôi nổi vì miền Nam thân yêu; cán bộ, đảng viên là người tiên phong, gương mẫu đi trước, thật sự là đầy tớ, công bộc của dân.

Theo thời gian và sự phát triển của tình hình, khi Đảng đã trở thành đảng cầm quyền nhưng công tác kiểm tra, giám sát có mặt bị buông lỏng, quyền lực không được kiểm soát chặt chẽ nên một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên nhiễm nhiều thói hư tật xấu, tha hóa, biến chất với những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa. Thực trạng đó ảnh hưởng nghiêm trọng đến vai trò lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, tính tiên phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên; làm giảm sút niềm tin của nhân dân đối với Đảng.

Ngày nay, trong thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội, hội nhập quốc tế, tiến hành sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Đảng ta là đảng cầm quyền, Nhà nước ta là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa với tinh thần thượng tôn pháp luật. Đặc điểm, tính chất, vai trò của Nhà nước trong hai giai đoạn cách mạng (cách mạng dân tộc dân chủ và xây dựng chủ nghĩa xã hội) là khác nhau. Nhà nước trong giai đoạn cách mạng dân tộc, dân chủ: Kháng chiến và đấu tranh giành độc lập; hệ thống pháp luật và tổ chức Nhà nước chưa hoàn thiện; cán bộ, đảng viên tham gia hoạt động cách mạng tự nguyện, không biên chế, không hưởng lương. Nhà nước trong giai đoạn hiện nay là: Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng; hệ thống pháp luật và tổ chức Nhà nước ngày càng hoàn thiện; cán bộ, công chức, viên chức trong bộ máy đều hưởng lương và phụ cấp.

Trong thời đại ngày nay, tình hình thế giới biến chuyển nhanh chóng, khó lường; toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế đã trở thành xu thế của thời đại; đặc biệt cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 góp phần làm thay đổi nhanh chóng và sâu sắc mọi mặt đời sống xã hội với sự ra đời của vạn vật kết nối, rôbốt, trí tuệ nhân tạo (như trong lĩnh vực khoa học công nghệ), Chính phủ điện tử (trong lĩnh vực khoa học quản lý) đòi hỏi Đảng đổi mới phương thức lãnh đạo để tiến kịp với sự phát triển của đất nước, của thời đại.

Cơ chế vận hành của chế độ ta là: Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ. Cơ chế này vận hành trong nhiều năm qua bên cạnh mặt ưu điểm, vẫn còn mặt hạn chế, bất cập. Vai trò lãnh đạo của Đảng, vai trò quản lý của Nhà nước còn chồng chéo và lấn sân, rất khó phân định. Vì vậy, nội hàm Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ cần được cụ thể hóa và làm rõ hơn; đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng nên tiếp cận theo hướng: Đảng lãnh đạo bằng tư duy khoa học, tôn trọng thực tế khách quan, tránh áp đặt, chủ quan (vì Đảng ta là văn minh, là trí tuệ), đề ra những quyết sách đúng đắn sát với thực tế tình hình, thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển, mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.

Tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước; đồng thời, phát huy hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của Nhà nước từ Trung ương đến cơ sở.

Thực hành dân chủ rộng rãi hơn nữa trong nội bộ Đảng và xã hội; tôn trọng, lắng nghe những ý kiến khác biệt của các giai tầng xã hội, đặc biệt là tầng lớp trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ. Bất kỳ một đất nước, một xã hội nào muốn phát triển phải dựa vào lực lượng tiên tiến nhất. Thời đại ngày nay, lực lượng tiên tiến nhất - đó là đội ngũ trí thức.

Giảm bớt tính hình thức, bệnh thành tích trong các phong trào, các sự kiện, các chiến dịch... thường được tổ chức rầm rộ, hoành tráng, tốn kém, chi phí nhiều, hiệu quả ít, không mang lại lợi ích thiết thực.

Trong công tác quy hoạch, đào tạo và tuyển chọn cán bộ với quy trình qua nhiều khâu, nhưng vẫn lọt những cán bộ yếu kém năng lực, đạo đức vào các cơ quan Đảng, Nhà nước, thậm chí chui sâu, leo cao vì họ giỏi chạy chức, chạy quyền, hình thành các lợi ích nhóm. Để khắc phục, hạn chế thực trạng này; thiết nghĩ Đảng ta cần thực hành dân chủ rộng rãi hơn nữa cả trong Đảng và ngoài xã hội nhằm phát hiện và tìm kiếm nhân tài để giới thiệu cho Đảng, tôn trọng và lắng nghe tiếng nói xây dựng. Công khai, minh bạch là điều kiện cần để cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân có đầy đủ thông tin, tham gia giám sát những cán bộ được đề cử giữ trọng trách. Đối với các chức danh được bầu cử cần dự kiến một số ứng viên, những ứng viên này có chương trình hành động, báo cáo trước tập thể (hội nghị cán bộ chủ chốt, hội nghị ban chấp hành, hội nghị ban thường vụ...) để tập thể lựa chọn. Đối với các chức danh được bổ nhiệm thì cần thực hiện thi tuyển công khai, minh bạch hoặc có thể do hội đồng tuyển chọn trên cơ sở chương trình hành động của ứng viên đó.

Một vấn đề rất quan trọng trong phương thức lãnh đạo của Đảng là công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát quyền lực và nâng cao sức chiến đấu của Đảng nhằm ngăn chặn có hiệu quả sự tha hóa, biến chất của cán bộ, đảng viên, giáo dục phải đi đôi với chế tài, kiểm soát quyền lực nhằm ngăn chặn lạm quyền.

Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng là một vấn đề bức thiết trước thềm Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, thực sự nhiều khó khăn, thách thức nhưng không thể không làm, nhằm nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng để xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân.

Nguyễn Thanh Cao - nguyên Bí thư Tỉnh ủy

Chuyên mục khác