Đoàn kết, thống nhất nội bộ tạo nên sức mạnh

21/09/2021 13:04

Xây dựng mối đoàn kết thống nhất trong nội bộ là gắn kết tinh thần, ý thức của mỗi cá nhân trong một tập thể, cùng hướng đến và đạt được một mục tiêu chung mà tập thể đã đề ra. Vì vậy, đây được xác định là nội dung quan trọng hàng đầu xây dựng chi bộ, cơ quan, đơn vị ngày càng vững mạnh, tạo nên sức mạnh để thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao.

Kinh nghiệm thực tiễn cho thấy, chi bộ, cơ quan, đơn vị nào đoàn kết, thống nhất nội bộ cao sẽ luôn hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ chính trị được giao; tư tưởng, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động (CB, CC, VC, NLĐ) thoải mái, tin tưởng, phấn khởi. Ngược lại, nếu nội bộ không đoàn kết, thống nhất thì trên dưới lục đục, công việc sẽ ì ạch, không chất lượng; không khí làm việc nặng nề; uy tín cơ quan giảm sút.

Đoàn kết, thống nhất trong tập thể chi bộ, cơ quan, đơn vị không phải tự nhiên mà có, mà phải được xây dựng dựa trên cơ sở bình đẳng, hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau; thưởng phạt công minh, chính xác; tinh thần hợp tác và chia sẻ chân thành, cầu thị vì mục tiêu chung của đơn vị.

Trong đó, phải kể đến vai trò của người đứng đầu chi bộ, cơ quan, đơn vị thực hành nêu gương trước, từ đó lan tỏa đến từng CB, CC, VC, NLĐ.

Vì là người lèo lái con thuyền đưa tập thể chi bộ, cơ quan, đơn vị hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra nên người đứng đầu phải phát huy vai trò tiền phong, gương mẫu của cán bộ lãnh đạo, quản lý; không ngừng hoàn thiện bản thân để đáp ứng với yêu cầu lãnh đạo, điều hành công việc; là trung tâm gắn kết từng CB, CC, VC, NLĐ.

Đảng viên Chi bộ Báo Kon Tum biểu quyết thống nhất các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Chi bộ nhiệm kỳ 2020 - 2025. Ảnh: Đức Nhuận

 

Người đứng đầu một chi bộ, cơ quan, đơn vị mà độc đoán, chuyên quyền trong lãnh đạo, quản lý và điều hành công việc; thiếu công tâm khách quan trong xử lý các vụ việc, các mối quan hệ trong tập thể thì không thể tạo bầu không khí và môi trường làm việc dân chủ, vui vẻ, tương thân tương ái được. Ngược lại, sẽ gây ức chế, bức xúc trong CB, CC, VC, NLĐ.

Xác định việc nêu gương của cán bộ, đảng viên, đặc biệt là người đứng đầu có vai trò rất quan trọng, nên thời gian qua, Bộ Chính trị, Ban Bí thư,  Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã liên tiếp ban hành các quy định về nêu gương, cụ thể: Ngày 7/6/2012, Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI ban hành Quy định số 101-QĐ/TW về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh  đạo chủ chốt các  cấp; ngày 25/10/2018, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII ban hành Quy định số 08-QĐi/TW về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính  trị, Ủy viên Ban Bí thư , Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương…

 Cùng với nêu gương, lãnh đạo chi bộ, cơ quan, đơn vị cần phát huy vai trò của các đoàn thể, đảng viên là cán bộ quản lý các phòng chuyên môn trong nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của CB, CC, VC, NLĐ; kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc; động viên, chia sẻ với những CB, CC, VC, NLĐ gặp khó khăn; thực hiện tốt chế độ chính sách… Từ đó, giúp CB, CC, VC, NLĐ gắn bó với cơ quan, hết mình với công việc; biết đặt lợi ích tập thể lên trên lợi ích cá nhân; làm việc gì cũng nghĩ đến tập thể, xem xét liệu việc mình làm có ảnh hưởng đến tập thể hay không.

Khuyến khích CB, CC, VC, NLĐ phát huy tinh thần tự phê bình và phê bình; dám nhận khuyết điểm, hạn chế và góp ý cho đồng chí, đồng nghiệp của mình trên tinh thần xây dựng để mọi người cùng tiến bộ. Đặc biệt, việc thi đua, khen thưởng, đánh giá xếp loại hàng năm trên tinh thần công tâm, khách quan, thực chất, tránh hình thức; khen thưởng và xử lý sai phạm đúng người, đúng việc để mọi người nể phục, rút kinh nghiệm, tránh sai sót, vi phạm tương tự.

Cùng với trách nhiệm của người đứng đầu, mỗi CB, CC, VC, NLĐ phải luôn nâng cao bản lĩnh chính trị, rèn luyện phẩm chất đạo đức lối sống, nâng cao vai trò, tinh thần trách nhiệm, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước những hành vi và việc làm của bản thân. Nêu cao ý thức trách nhiệm, thực hiện đầy đủ quyền hạn, quy trình chuyên môn, nghiệp vụ trong công tác; hoàn thành nhiệm vụ, công việc được giao với chất lượng, hiệu quả cao.

Đặc biệt, mỗi cá nhân không thể xem việc của tập thể không phải là việc của mình nên không tham gia đóng góp ý kiến; thấy cái đúng không dám bảo vệ, thấy cái sai không dám lên án vì ngại va chạm. Hoặc có phát biểu nhưng lại phát biểu không đúng nơi, đúng chỗ hay có góp ý nhưng ý kiến lại mang tính công kích, thiếu xây dựng…

Hiện nay vẫn còn tình trạng CB, CC, VC, NLĐ không giữ nghiêm kỷ luật phát ngôn, hay phát tán thông tin dưới góc nhìn của cá nhân rồi quy chụp cho lãnh đạo, cho tập thể, cho cá nhân khác hay sự thật thì thế này mà vì lý do gì đó lại đi nói thế khác, gây nhiễu loạn thông tin, dễ dẫn đến hiềm khích, mất lòng tin lẫn nhau cũng là nguyên nhân gây mất đoàn kết nội bộ.

Vì vậy, mỗi cá nhân phải luôn xác định nhiệm vụ của mình gắn với mục tiêu của chi bộ, cơ quan, đơn vị. Từ đó, không ngừng học tập để nâng cao năng lực nghiệp vụ, trình độ chuyên môn; có hành vi đúng mực trong mọi việc làm, mọi hành động, không tự mãn với thành tích đạt được, không kêu ca phàn nàn trước khó khăn, tích cực tham gia xây dựng, củng cố khối đoàn kết, thống nhất.

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”. Vì vậy, để chi bộ, cơ quan, đơn vị vững mạnh, luôn đạt được mục tiêu chung tốt đẹp nhất thì việc cần làm trước tiên là phải xây dựng được mối đoàn kết, thống nhất trong tập thể.         

Sông Côn

Chuyên mục khác