Để đào tạo lớp người mới phát triển toàn diện

17/05/2025 06:01

Những ngày qua, dư luận đặc biệt quan tâm đến nội dung chỉ đạo quan trọng của Tổng Bí thư Tô Lâm về lĩnh vực giáo dục và đào tạo, trong đó trọng tâm là việc chuẩn bị các điều kiện để tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, trong đó miễn học phí ở bậc tiểu học và THCS, từ năm học 2025-2026 và tháo gỡ những điểm nghẽn nhằm nâng cao chất lượng giáo dục.
Thống nhất các trường tiểu học, THCS tổ chức dạy 2 buổi/ngày, bắt đầu từ năm học 2025-2026, đảm bảo không thu học phí. Ảnh: S.C

 

… và giảm áp lực với học sinh, tăng cường dạy học về văn hóa, nghệ thuật, bảo đảm cho học sinh phát triển toàn diện. Ảnh: S.C

 

Ngày 18/4/2025, Tổng Bí thư Tô Lâm có buổi làm việc với đại diện Đảng ủy Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương về tình hình thực hiện các nghị quyết của Trung ương về giáo dục- đào tạo, chuẩn bị nghị quyết mới của Bộ Chính trị về đột phá phát triển giáo dục, đào tạo; về tổ chức học 2 buổi/ngày nhưng giảm áp lực học, không thu học phí; bữa trưa cho học sinh tiểu học và THCS miền núi.

Thông báo Kết luận của Tổng Bí thư Tô Lâm thống nhất các nội dung cực kỳ quan trọng: Đảng ủy Chính phủ giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Ban Chính sách, chiến lược Trung ương và các cơ quan liên quan nghiên cứu xây dựng Đề án trình Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết về đột phá phát triển giáo dục- đào tạo; thống nhất chủ trương các trường tiểu học, THCS tổ chức dạy 2 buổi/ngày tùy theo điều kiện của từng địa phương, bắt đầu từ năm học 2025-2026, đảm bảo không thu học phí và giảm áp lực với học sinh, tăng cường dạy học về văn hóa, nghệ thuật, bảo đảm cho học sinh phát triển toàn diện.

Xuyên suốt nhiều kỳ Đại hội Đảng cũng như nhiều Hội nghị Trung ương, quan điểm giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu không thay đổi. Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách quan trọng nhằm phát triển, đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục-đào tạo.

Gần đây nhất, văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng xác định, xây dựng đồng bộ thể chế, chính sách để thực hiện có hiệu quả chủ trương giáo dục và đào tạo cùng với khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, là động lực then chốt để phát triển đất nước.

Tuy nhiên, hệ thống giáo dục-đào tạo chưa có được bước phát triển bứt phá, đáp ứng kỳ vọng của xã hội, nhất là yêu cầu phát triển toàn diện con người Việt Nam và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong bối cảnh đất nước, thế giới đứng trước nhiều cơ hội, thách thức phát triển mới. Nguyên nhân còn nhiều điểm nghẽn, hạn chế trong tư duy, nhận thức; thể chế, chính sách, phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, cơ chế quản lý, phân bổ và sử dụng nguồn lực cho phát triển giáo dục- đào tạo.

Bối cảnh mới của đất nước đặt ra là yêu cầu đào tạo lớp người mới phát triển toàn diện, có đủ bản lĩnh, trí tuệ, sức khỏe (cả thể chất lẫn tinh thần), trong đó có mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực có trình độ, kỹ năng cao, yếu tố then chốt cho thực hiện đột phá phát triển khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Trước yêu cầu cấp bách này, cần phải có các quyết sách mạnh mẽ về thể chế, chính sách để tháo gỡ những điểm nghẽn, tập trung nguồn lực đầu tư nhanh chóng hiện đại hóa, nâng cao chất lượng giáo dục-đào tạo nhằm mục tiêu phát triển toàn diện người học và tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu  cầu phát triển đất nước bứt phá trong giai đoạn mới.

Trong đó, có thể khẳng định, chủ trương thống nhất cho các trường tiểu học, THCS tổ chức dạy 2 buổi/ngày tùy theo điều kiện của từng địa phương, bắt đầu từ năm học 2025-2026, đảm bảo không thu phí và giảm áp lực với học sinh, tăng cường dạy học về văn hóa, nghệ thuật, bảo đảm cho học sinh phát triển toàn diện là một bước bứt phá trong tư duy lãnh đạo đối với lĩnh vực giáo dục-đào tạo.

Dạy học 2 buổi/ngày lâu nay đã được nhiều trường học ở nhiều địa phương triển khai. Tuy nhiên, để thực hiện việc dạy 2 buổi/ngày là không hề đơn giản, nhất là với giáo dục ở vùng sâu, vùng xa, vùng DTTS, vì điều này phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện cơ sở vật chất, nguồn nhân lực, kinh phí để tổ chức.

Ngay tại tỉnh Kon Tum, nhiều năm qua, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh đã tập trung chỉ đạo, đôn đốc việc dạy học 2 buổi/ngày ở các trường tiểu học, THCS thông qua mô hình bán trú, bán trú dân nuôi, nhằm thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện. Trong đó, ở buổi học thứ hai, tổ chức cho học sinh tham gia các môn học hoạt động giáo dục tự chọn, tổ chức cho học sinh tham gia các hoạt động xã hội, hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, câu lạc bộ, hoạt động ngoại khóa.

Kết quả của việc dạy học 2 buổi/ngày ngoài việc giúp nâng cao chất lượng giáo dục, còn giảm tình trạng học sinh bỏ học, nghỉ học giữa chừng. Tuy nhiên, việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày trên địa bàn tỉnh còn rất nhiều khó khăn, phụ thuộc rất nhiều vào nguồn xã hội hóa.

Vì vậy, chủ trương thống nhất tổ chức dạy 2 buổi/ngày, đảm bảo không thu phí và giảm áp lực với học sinh, tăng cường dạy học về văn hóa, nghệ thuật, được cho là bước đột phá quan trọng để nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo lớp người mới phát triển toàn diện.

Tháo gỡ được điểm nghẽn, hạn chế trong tư duy, nhận thức; thể chế, chính sách, phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, cơ chế quản lý, phân bổ và sử dụng nguồn lực cho phát triển giáo dục-đào tạo cũng chính là tháo gỡ nút thắt quan trọng để mở ra một nền giáo dục phát triển toàn diện, nâng cao chất lượng nhân lực, đáp ứng với xu thế phát triển đất nước bứt phá trong giai  đoạn mới.

SÔNG CÔN

 

Chuyên mục khác