“Dạy chính trị đâu phải là những bài giảng khô khan…”

14/05/2018 07:03

​Đó là điều được mọi người ghi nhận tại Hội thi Giảng viên lý luận giỏi cấp tỉnh năm 2017-2018 vừa diễn ra trong 4 ngày (8-11/5/2018). Hội thi được đánh giá rất bổ ích, nhằm nâng cao trình độ năng lực, kỹ năng giảng dạy cho đội ngũ giảng viên lý luận chính trị tại các huyện, thành phố, tuyên giáo các đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy; đưa hoạt động giảng dạy lý luận chính trị ngày càng đi vào nề nếp, chất lượng…

Tham gia hội thi có 25 thí sinh là các giảng viên chuyên trách và kiêm chức của các trung bồi dưỡng lý luận chính trị (TTBDCT) cấp huyện và các đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy; là những giảng viên lý luận chính trị được các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy đánh giá là giảng viên xuất sắc của đơn vị. Các thí sinh tham gia hội thi trải qua 3 phần thi gồm: soạn giáo án, giảng bài và trả lời câu hỏi do Ban Giám khảo đề ra.

Trao giải Nhất cho thí sinh Lê Văn Thái

 

Đến với hội thi, thí sinh được chọn lựa các bài giảng trong các chương trình đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị được thực hiện ở TTBDCT cấp huyện, chương trình bồi dưỡng công tác Đảng cho bí thư chi bộ và cấp ủy viên cơ sở, các chương trình bồi dưỡng chuyên đề... với nhiều nội dung như: Những nguyên tắc trong tổ chức và hoạt động của Đảng; Mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tăng cường quốc phòng, an ninh bảo vệ Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định trong những năm tới; Sự cần thiết phải học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với các dân tộc thiểu số và miền núi trong thời kỳ đổi mới…

Với bài giảng “Cách mạng khoa học công nghệ và vấn đề toàn cầu hóa kinh tế”, thí sinh Lê Mai Dung - Phó Giám đốc TTBDCT huyện Đăk Hà gần như làm thay đổi thói quen suy nghĩ của mọi người lâu nay là “Dạy chính trị chỉ là những bài giảng khô khan”. Thí sinh đã kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý luận và thực tiễn (tình hình thực tế thế giới, trong nước và địa phương), đưa ra những ví dụ hết sức cụ thể và sinh động, khiến người nghe dễ hình dung vấn đề, dễ hiểu, có sức cuốn hút đối với mọi người.

Là 1 trong 16 thí sinh có số điểm cao tại hội thi (được cấp giấy chứng nhận giảng viên lý luận giỏi cấp tỉnh), thí sinh Mai Dung chia sẻ kinh nghiệm: Để bài giảng dạy lý luận chính trị cuốn hút người nghe thì cần phải kết hợp nhiều yếu tố và cả một quá trình tích lũy, chuẩn bị kỹ lưỡng của giảng viên trước khi lên lớp; giảng viên phải thường xuyên nghiên cứu, học tập, trao dồi và nâng cao trình độ kiến thức, có phương pháp giảng dạy phù hợp với đối tượng học viên; có kỹ năng sư phạm và quan trọng hơn cả là phải có “lửa” đam mê giảng dạy lý luận chính trị để truyền cảm hứng cho người học, người nghe…

10 năm làm công tác giảng dạy lý luận chính trị - thí sinh Dương Xuân Chưng - Giám đốc TTBDCT huyện Đăk Tô - đạt giải Khuyến khích tại hội thi chia sẻ: Thành tích đạt được là động lực tinh thần để tôi phấn đấu vươn lên trong giảng dạy, nhưng quan trọng hơn, thông qua hội thi lần này đã giúp tôi học hỏi thêm được rất nhiều kinh nghiệm, phương pháp giảng dạy, nâng cao trình độ, nghiệp vụ công tác.

 Thí sinh Dương Xuân Chưng cho rằng, đã là giảng viên giảng dạy lý luận chính trị thì phải nghiên cứu kỹ nội dung giáo trình, tài liệu tham khảo phục vụ bài giảng; phải đi đúng quy trình giáo án, nội dung bài giảng và phải xác định được đâu là vấn đề trọng tâm, cơ bản; đặc biệt hơn là giảng viên phải triệt để “lấy người học làm trung tâm”, dành thời gian thảo luận, trao đổi giữa người học và người dạy, đồng thời phải liên hệ thực tế để bài giảng không khô cứng, dễ gây nhàm chán đối với người nghe.

Đạt được giải thưởng cao nhất tại hội thi, thí sinh Lê Văn Thái - Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Kon Rẫy, giảng viên kiêm chức TTBDCT huyện Kon Rẫy chia sẻ: Giải thưởng là niềm vui, vinh dự và tự hào lớn lao đối với bản thân, nhưng điều quan trọng nhất mà tôi có được tại hội thi lần này là những kinh nghiệm, phương pháp giảng dạy lý luận chính trị đã học hỏi được từ các đồng nghiệp. Theo tôi, để làm tốt công tác giảng dạy lý luận chính trị thì trong quá trình giảng dạy, giảng viên phải thoát ly báo cáo; áp dụng nhiều phương pháp khác nhau trong giảng dạy như vừa sử dụng phương pháp truyền thống ghi bảng, vừa kết hợp phương pháp hỏi - đáp nhanh; bài giảng phải luôn được chuẩn bị kỹ lưỡng, súc tích, có hình ảnh minh họa sinh động, có liên hệ thực tế, tạo hứng thú cho người học, xóa bỏ suy nghĩ “chính trị vốn dĩ chỉ là những bài giảng khô khan”.

Tiến sĩ Đặng Luận - Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Kon Tum, Trưởng Ban Giám khảo hội thi nhận xét: Hầu hết các thí sinh đã chuẩn giáo án đúng quy định, có bố cục khoa học, chặt chẽ, hình thức trình bày đẹp. Ở phần thi thuyết trình, nhiều thí sinh đã có liên hệ thực tế sát với nội dung bài giảng, sử dụng hiệu quả đồ dùng dạy học, diễn đạt rõ ràng và sâu sắc, ứng dụng tốt việc sử dụng công nghệ thông tin vào quá trình giảng dạy để tạo sức lôi cuốn, thuyết phục người nghe. Ở phần thi trả lời câu hỏi, thí sinh trả lời tương đối đầy đủ, rõ ràng, trôi chảy nội dung cơ bản mà câu hỏi đặt ra…

Tuy nhiên, một số giáo án chưa thể hiện được sự kết nối, tương tác giữa giảng viên và học viên; thí sinh chưa cập nhật những thông tin mới bổ sung cho bài giảng, liên hệ thực tiễn chưa sát với nội dung giảng dạy; một số thí sinh chưa sử dụng thành thạo công nghệ thông tin phục vụ giảng dạy; một số giảng viên chưa thoát ly được giáo án…

Đánh giá về hội thi, đồng chí Lê Thị Kim Đơn - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trưởng Ban tổ chức Hội thi ghi nhận: Hội thi là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, qua đây giúp cho các cấp ủy đảng nhận thức đúng đắn về vai trò, vị trí của công tác giáo dục lý luận chính trị. Từ đó, quan tâm lãnh đạo, đẩy mạnh phong trào thi đua “dạy tốt-học tốt”, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục chính trị ở các TTBDCT và đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy. Đây cũng là cơ hội để các giảng viên thể hiện năng lực, sở trường của mình và quan trọng hơn là giao lưu, học hỏi kinh nghiệm giảng dạy của các giảng viên lý luận chính trị trong tỉnh, góp phần nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, phục vụ công tác giảng dạy.

Bài, ảnh: Tú Quyên

Chuyên mục khác