Đấu tranh với các luận điệu xuyên tạc về chính sách đất đai

20/10/2022 06:00

Tháng 5/2022, Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TU về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất; tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”.

Một trong những nội dung quan trọng của Nghị quyết là đến năm 2023 phải hoàn thành sửa đổi Luật Đất đai 2013 và một số luật liên quan, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất.

Bên cạnh đó, giải quyết cơ bản những tồn tại, vướng mắc có liên quan đến quản lý và sử dụng đất; hoàn thiện các quy định bảo đảm công khai, minh bạch về giá đất và xử lý nghiêm các vi phạm nhằm tạo điều kiện đủ để thực thi chính sách.

Có thể khẳng định, Nghị quyết 18-NQ/TU đã đáp ứng mong đợi của nhân dân, với kỳ vọng khắc phục được hạn chế, bất cập trong chính sách và quản lý đất đai tồn tại nhiều năm nay. Đồng thời là cơ sở quan trọng tạo nguồn lực và động lực mới để thúc đẩy phát triển bền vững đất nước.

Nhưng, như một thói quen, mỗi khi Đảng, Nhà nước ta tiến hành bất kỳ sự kiện chính trị quan trọng nào, các đối tượng chống đối lại kiếm cớ xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước, gây phân tâm trong dư luận về các vấn đề liên quan đến đất đai và quyền sử dụng đất.

Lãnh đạo huyện Đăk Hà đối thoại với các tầng lớp nhân dân trên địa bàn. Ảnh: Hoài Tiến

 

Một số kênh truyền thông như BBC News Tiếng Việt, Đài Á châu tự do - RFA, Đài VOA, đã đăng tải nhiều bài viết, thông tin, đánh giá mang tính chất xuyên tạc, lái dư luận theo hướng tiêu cực về vấn đề sửa đổi Luật Đất đai.

Ví dụ, đài RFA, trong một bài viết với tựa đề “Vì sao dân chỉ được quyền sử dụng mà không được quyền sở hữu đất đai?”, đã xuyên tạc trắng trợn về chính sách đất đai của Đảng và Nhà nước ta, dẫn lời nhiều đối tượng bất mãn “chính sách về đất đai này đã gây ra bao hệ lụy, oan ức cho người dân từ mấy chục năm qua”.

Trang mạng của các tổ chức phản động lưu vong như Việt Tân, Chân trời mới media càng điên cuồng chống phá, đăng tải nhiều bài viết, thông tin bóp méo sự thật, phủ nhận những kết quả đã đạt được, thổi phồng những sai phạm trong lĩnh vực đất đai để kích động sự mâu thuẫn trong xã hội.

Các đối tượng phản động còn bới móc các vụ việc tiêu cực liên quan đến đất đai, tung ra những thông tin không được kiểm chứng, quy chụp, suy diễn các vụ việc liên quan đến đội ngũ cán bộ để gây hoang mang dư luận.

Ở Kon Tum, những năm gần đây nổi lên việc các đối tượng xấu lợi dụng các vấn đề liên quan đến đất đai, bồi thường, giải phóng mặt bằng để xuyên tạc chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương, kích động gây chia rẽ, mất đoàn kết trong các tầng lớp nhân dân, gây xung đột xã hội, ảnh hưởng đến sự ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Điển hình là từ tháng 6/2017 đến tháng 7/2019, một số đối tượng xúi giục người dân thôn Plei Sar và Lâm Tùng (xã Ia Chim, thành phố Kon Tum) chiếm đất trái pháp luật, có hành vi vi phạm pháp luật. Một số cá nhân đưa thông tin sai lệch, mang tính chất kích động về vụ việc, làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự tại địa bàn. 

Tháng 1/2022, liên quan đến triển khai dự án đầu tư tại thành phố Kon Tum, đài RFA đưa tin sai sự thật, xuyên tạc công tác giải phóng mặt bằng, đền bù, bồi thường đất để triển khai dự án với mục đích kích động. Nhiều đối tượng trực tiếp livestream, cắt, ghép, đưa những hình ảnh sai sự thật để xuyên tạc bản chất vụ việc.

Mục đích của chúng là tạo ra những luồng dư luận trái chiều trong quần chúng nhân dân, đẩy người dân xung đột với chính quyền, phá hoại mối quan hệ giữa nhân dân với Đảng, Nhà nước hòng chia rẽ, kích động tư tưởng đối đầu, thậm chí bạo loạn, làm suy giảm niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước, chính quyền.

Nhận rõ các luận điệu xuyên tạc về Nghị quyết Trung ương 5 (khóa XIII), các cấp, các ngành và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã mạnh mẽ và kiên quyết đấu tranh, kịp thời ngăn chặn âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch.

Chính quyền các cấp đã thực hiện nhiều cuộc đối thoại, tiếp dân, tiếp xúc cử tri. Tập trung giải quyết ý kiến, nguyện vọng chính đáng của người dân, như quy hoạch, thu hồi đất và bố trí đất ở, đất sản xuất cho người dân thiếu đất ở, đất sản xuất.

Theo UBND tỉnh, từ khi Luật Đất đai 2013 có hiệu lực thi hành đến nay, đã tiếp gần 100 lượt công dân phản ánh, kiến nghị với các nội dung tranh chấp đất đai, bồi thường, giải phóng mặt bằng khi thu hồi đất; tiếp nhận, xử lý kịp thời 350 đơn thư liên quan đến đất đai.

Các cơ quan chức năng đẩy mạnh công tác thanh, kiểm tra, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai. Chỉ riêng trong 3 năm 2019-2021, đã có 13 cuộc thanh, kiểm tra của ngành chức năng tỉnh Kon Tum và Bộ TN&MT về quản lý, sử dụng đất được tiến hành. Qua đó, kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm, ngăn chặn khiếu nại kéo dài, ổn định an ninh, chính trị tại địa phương.

Những đối tượng lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin của người dân tiến hành kích động người dân, chống đối lực lượng chức năng cũng bị xử lý nghiêm.

Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh: “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, kiên quyết và thường xuyên đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; chủ động cung cấp thông tin kịp thời, chính xác, khách quan, đúng định hướng để phòng, chống “diễn biến hòa bình”, thông tin xấu, độc trên internet, mạng xã hội”.  Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Kon Tum lần thứ XVI (nhiệm kỳ 2020-2025) cũng xác định: Chủ động đấu tranh ngăn chặn âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình”, bạo loạn, lật đổ của các thế lực thù địch.

Quán triệt sâu sắc tinh thần đó, mỗi cán bộ, đảng viên phải luôn tỉnh táo nhận rõ, vạch trần các luận điệu sai trái, xuyên tạc; cảnh báo người dân không bị lôi kéo, tin và nghe theo các thông tin sai sự thật liên quan đến vấn đề đất đai; kịp thời, kiên quyết đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc chế độ sở hữu toàn dân về đất đai.  

Sông Côn

Chuyên mục khác