Đấu tranh phản bác các luận điệu chống phá trước thềm Đại hội XIII của Đảng

27/11/2020 06:03

Càng đến gần kỳ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, các hoạt động chống phá của các phần tử thù địch, chống đối, cơ hội chính trị càng diễn ra.

Sự chống phá được thể hiện dưới nhiều hình thức như soạn thảo các tài liệu mạo danh, nặc danh hoặc công khai đề tên tuổi, địa chỉ cụ thể, sau đó tán phát trên Internet, mạng xã hội dưới chiêu bài: “Thư ngỏ”, “Thư trao đổi”,“Thư góp ý”,“Kiến nghị”… để xuyên tạc tình hình và thành tựu phát triển của đất nước; thổi phồng những khuyết điểm, hạn chế trong việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh… từ đó, quy kết, đổ lỗi nguyên nhân là do thể chế chính trị nhằm gây sức ép sửa đổi, bổ sung văn kiện Đại hội theo quan điểm phương Tây… Mặt khác, chúng ra sức xuyên tạc, bịa đặt đời tư cá nhân nhằm bôi nhọ thanh danh, uy tín của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nhất là các đồng chí là ứng viên cho cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp khóa mới…

Các hoạt động chống phá được thể hiện dưới nhiều hình thức. Ảnh minh họa

 

Việc lấy ý kiến của nhân dân vào dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng nhằm tập hợp và phát huy trí tuệ, quyền làm chủ của nhân dân tham gia đóng góp với Đảng trong việc hoạch định đường lối, chủ trương, quyết sách quan trọng của đất nước đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 và 2045, góp phần nâng cao chất lượng dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng; củng cố, bồi đắp niềm tin của nhân dân đối với Đảng, làm cho ý Đảng hợp với lòng dân. Đồng thời, góp phần tạo sự thống nhất cao về nhận thức, hành động và ý chí quyết tâm trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Ngay sau khi các dự thảo văn kiện được công bố, các binh chủng tuyên truyền của tỉnh đã “vào cuộc” tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân. Báo Kon Tum đã liên tiếp đăng các bài phỏng vấn về nội dung góp ý; Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh có các phóng sự phỏng vấn, các buổi tọa đàm xoay quanh chủ đề này… đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo các tầng lớp nhân dân và ghi nhận được nhiều ý kiến đóng góp của đại diện các tầng lớp nhân dân về nhiều nội dung quan trọng về định hướng sắp tới trên các lĩnh vực. Điều quan trọng hơn, đã góp phần bước đầu đập tan những luận điệu xuyên tạc, phản động của các thế lực thù địch về vấn đề trên. 

Nhằm phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn hiệu quả hoạt động tuyên truyền, phá hoại tư tưởng trước thềm Đại hội XIII của Đảng trong thời gian tới, các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp cần tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó chú trọng một số giải pháp trọng tâm như: Tăng cường tuyên truyền khẳng định quan điểm, chủ trương đúng đắn, nhất quán của Đảng, Nhà nước ta trong tổ chức đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng, đặc biệt là quan điểm, chủ trương của Đảng về công tác cán bộ, trong đó, người được lựa chọn là ứng viên đưa ra bầu tại đại hội phải thực sự tiêu biểu về trí tuệ, phẩm chất, uy tín, có năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu cao, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới; đặc biệt coi trọng chất lượng, có số lượng và cơ cấu hợp lý.

Tiếp tục tuyên truyền những thành tựu của công cuộc đổi mới, chú trọng tuyên truyền nhiệm vụ đẩy mạnh phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh, làm cho nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc; không ngừng nâng cao vị thế của nước ta trên trường quốc tế. Tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và người dân, đặc biệt là thanh, thiếu niên về bản chất của các thông tin phản động, xuyên tạc, từ đó có tinh thần cảnh giác, khả năng nhận diện và “miễn dịch” các nội dung thông tin xuyên tạc về Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng.

Chủ động phát hiện, kịp thời đấu tranh phê phán, phản bác thuyết phục những thông tin, bài viết có nội dung xuyên tạc, hạ thấp vai trò lãnh đạo của Đảng và Đại hội đảng các cấp và Đại hội XIII của Đảng, nhất là trên không gian mạng. Tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước về báo chí, truyền thông, internet và thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trên lĩnh vực này. Qua đó chủ động phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn các trang mạng độc hại, các blog “đen” thường đăng tải các nội dung xấu, độc hại, trái với quan điểm của Đảng, pháp luật của Nhà nước.            

Nguyễn Phi Em

Chuyên mục khác