Đấu tranh, ngăn chặn thủ đoạn lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc

04/07/2023 13:21

Tín ngưỡng, tôn giáo (TNTG) có ảnh hưởng lớn đối với đời sống của cộng đồng DTTS ở Tây Nguyên. Vì vậy, các thế lực thù địch chưa bao giờ từ bỏ lợi dụng vấn đề TNTG nhằm chống phá cách mạng. Do đó, cần chủ động đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu chống phá, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc.

Để làm tốt nhiệm vụ trên, các cấp ủy đảng cần chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo hệ thống chính trị quán triệt sâu sắc các quan điểm, chính sách của Đảng đối với tôn giáo. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức về tôn giáo và công tác tôn giáo cho đội ngũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Đồng thời để mọi người nhận thức rõ âm mưu của các thế lực thù địch; chủ động phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn các hoạt động lợi dụng TNTG để chống Đảng, Nhà nước.

Với đồng bào các DTTS ở Tây Nguyên, tôn giáo không chỉ có ảnh hưởng lớn đối với đời sống tín ngưỡng, mà còn ảnh hưởng đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và sự ổn định chính trị của cả khu vực. Do đó, phải xem việc giải quyết đúng đắn vấn đề TNTG là vấn đề cơ bản, lâu dài, có ý nghĩa chính trị quan trọng, là một trong những nhân tố góp phần xây dựng Tây Nguyên ổn định toàn diện và phát triển bền vững. Tôn trọng sự lựa chọn tôn giáo của đồng bào các DTTS, tạo điều kiện cho đồng bào sinh hoạt tôn giáo bình thường theo quy định của pháp luật. Đồng thời, cần nhận thức rằng, chỉ có giải quyết tận gốc các nguyên nhân sâu xa về kinh tế, văn hóa, xã hội, tư tưởng của việc phát triển tôn giáo ở vùng đồng bào DTTS, mới có thể giải quyết triệt để âm mưu của các thế lực thù địch lợi dụng TNTG để chống phá cách mạng tại các tỉnh Tây Nguyên.

Bà con giáo dân xã Đăk Rơ Wa, thành phố Kon Tum tổ chức ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc. Ảnh: N.V.C

 

Đặc biệt, cần tuyên truyền để bà con hiểu rõ, lật tẩy chiêu bài lợi dụng TNTG của các thế lực thù địch. Trong đó có âm mưu, thủ đoạn hoạt động của tổ chức phản động mang tên “Tin lành Đê Ga”, bởi trong số những hoạt động của các thế lực thù địch, nổi lên hoạt động dai dẳng, có tổ chức với nhiều phương thức, thủ đoạn, đã gây nên những “điểm nóng” ở các tỉnh Tây Nguyên là hoạt động của tổ chức phản động đội lốt tôn giáo này. Tổ chức này do số phản động FULRO lưu vong lập ra năm 2000. Thủ đoạn của chúng là lấy “Tin lành Đê Ga” làm nòng cốt hoạt động ở Tây Nguyên; dùng hình thức sinh hoạt tôn giáo để tập hợp lực lượng; dựa vào số quần chúng tin theo “Tin lành Đê Ga” làm lực lượng, cơ sở để chống phá Đảng, Nhà nước ta. Số này đẩy mạnh móc nối với số phản động bên trong ở Tây Nguyên để tuyên truyền, lôi kéo tập hợp lực lượng, phục vụ cho ý đồ thành lập “Nhà nước Đê Ga tự trị”; đồng thời, hình thành cái gọi là “Tin lành Đê Ga” ở khu vực Tây Nguyên.

Giải quyết vấn đề lợi dụng TNTG ở Tây Nguyên không chỉ là vấn đề tôn giáo mà còn là vấn đề dân tộc. Việc thực hiện chính sách tôn giáo ở Tây Nguyên cần gắn với thực hiện chính sách dân tộc, với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, ổn định và nâng cao đời sống của nhân dân. Ở vùng có đông đồng bào tôn giáo phải lồng ghép nội dung, nhiệm vụ công tác tôn giáo với các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong quá trình xây dựng, triển khai các chủ trương, chính sách, chiến lược, chương trình phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương. 

Để nâng cao nhận thức về phòng, chống địch lợi dụng TNTG, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, làm cho người dân hiểu rõ về quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tự do TNTG ở Việt Nam; về thành tựu đã đạt được trong việc bảo đảm quyền con người ở Việt Nam; hiểu biết đúng đắn, đầy đủ âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch; ngăn chặn, đẩy lùi, làm thất bại âm mưu lợi dụng TNTG của chúng tại khu vực Tây Nguyên. Đồng thời, phải xử lý nghiêm, vạch mặt, làm rõ bản chất, mưu đồ đen tối của chúng trước nhân dân đối với những đối tượng chủ mưu, cầm đầu. Các cơ quan chức năng phải xử lý kiên quyết, kịp thời, triệt để theo pháp luật; vạch trần bản chất và hành vi vi phạm pháp luật, làm mất ổn định chính trị, xã hội, chia rẽ giữa các dân tộc, tôn giáo, lợi dụng danh nghĩa tôn giáo để hoạt động phá hoại cuộc sống yên bình của nhân dân.

Hệ thống chính trị các cấp cần chủ động, tích cực tiếp xúc với chức sắc các tôn giáo để tăng cường sự hiểu biết, đồng tình, gắn bó, đồng hành cùng dân tộc, tích cực tham gia xây dựng khối đoàn kết giữa đồng bào theo đạo với đồng bào không theo tôn giáo theo tinh thần Chỉ thị số 18-CT/TW, ngày 10/1/2018, của Bộ Chính trị về: “Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW của BCH Trung ương (khóa IX) về công tác tôn giáo trong tình hình mới”.

Nguyễn Văn Chiến

Chuyên mục khác