Đấu tranh bảo vệ giá trị về quyền con người - Bài 2: Quyền con người - Giá trị lý luận và thực tiễn

05/08/2022 06:10

Quan điểm của Đảng, Nhà nước ta về quyền con người được hình thành, đúc rút từ lịch sử, truyền thống văn hóa dân tộc, nền tảng lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, những nhận thức chung của cộng đồng quốc tế, thực tiễn và những yêu cầu đặt ra trong công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế và xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân.
Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm bảo vệ và thúc đẩy các quyền cơ bản của con người. Ảnh: SC

 

Sau nhiều nỗ lực, Việt Nam đã đạt được những kết quả tích cực trong việc bảo đảm quyền con người, từ quyền về dân sự, chính trị đến quyền về kinh tế, văn hóa, xã hội và quyền của các nhóm dễ bị tổn thương.

Trước hết, Đảng và Nhà nước ta không ngừng xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đối với việc bảo đảm và phát triển quyền con người. Hệ thống thiết chế về quyền con người được xây dựng và không ngừng hoàn thiện, bảo đảm các chính sách của nhà nước được triển khai một cách hiệu  quả trên thực tế.

Các hiến pháp Việt Nam từ Hiến pháp đầu tiên năm 1946 đến Hiến pháp năm 2013 đều nhất quán quy định các quyền con người. Hiến pháp năm 2013 dành một chương (Chương II) quy định đầy đủ về “Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân”. Những quy định về quyền con người tại chương này hoàn toàn tương thích với các công ước quốc tế.

Thể chế hóa Hiến pháp năm 2013 (Điều 25) và nội dung luật hóa các công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam đã gia nhập, ký kết, Quốc hội Việt Nam đã sửa đổi và xây dựng nhiều luật mới, như: Luật Báo chí (năm 2016), Luật Tiếp cận thông tin (năm 2013), Luật An ninh mạng (năm 2018)... Các quy định của những luật trên đều nhằm bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự công cộng và quyền con người.

Bằng việc tham gia đóng góp ý kiến vào quá trình xây dựng luật pháp, nhân dân đã thực hiện các quyền tự do, dân chủ của mình; và các văn bản pháp luật quan trọng đều thể hiện được ý chí, lợi ích và nguyện vọng của nhân dân.

Những năm gần đây, trong mỗi kỳ họp Quốc hội, phần lớn đại biểu Quốc hội chất vấn các thành viên Chính phủ được truyền hình trực tiếp, ngày càng đi vào thực chất và trở thành diễn đàn để người dân, thông qua đại biểu do họ bầu ra, chất vấn chính sách, cách thức điều hành của Chính phủ, đề xuất các giải pháp khắc phục khó khăn, thách thức.

Cùng với đó, trong những năm qua Nhà nước Việt Nam đã thực hiện thắng lợi nhiều chương trình phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm ngày càng tốt hơn các quyền con người trong các lĩnh vực này. Tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2016-2019 đạt khá cao, bình quân 6,8%/năm. Năm 2021, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh, nhưng tăng trưởng vẫn đạt 2,58%.

Một trong những thành tựu nổi bật trong bảo đảm quyền con người là đạt được những tiến bộ vượt bậc về xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Ảnh: SC

 

Một trong những thành tựu nổi bật nhất trong bảo đảm quyền con người là đạt được những tiến bộ vượt bậc về xóa đói giảm nghèo, phát triển con người và chất lượng cuộc sống. Tính đến cuối năm 2021, tổng số hộ nghèo cả nước là 609.049 hộ, tỷ lệ hộ nghèo là 2,23%.

Việt Nam là quốc gia đạt được kết quả ấn tượng trong việc thực hiện mục tiêu thiên niên kỷ về giảm nghèo, được cộng đồng quốc tế ghi nhận.

Mục tiêu “không ai bị bỏ lại phía sau” là xuyên suốt, nhất quán, được Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị thực hiện triệt để, hiệu quả ngay từ khi đại dịch Covid-19 xuất hiện. Theo đó, đã có hàng loạt chính sách an sinh xã hội được Chính phủ Việt Nam ban hành nhằm giảm tối đa tác động của đại dịch Covid-19 đối với quyền sống, quyền được chăm sóc y tế và mưu sinh của người dân.

Lĩnh vực giáo dục và chăm sóc sức khỏe cho người dân ngày càng được nâng cao. Đến nay 63 tỉnh, thành phố đạt phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em năm tuổi và phổ cập giáo dục tiểu học. Số lượng người tham gia bảo hiểm y tế đã tăng từ 3,8 triệu (chiếm 5,4% dân số) năm 1993 lên gần 88 triệu người (gần 91% dân số) năm 2020. Trẻ em ngày càng được chăm sóc và bảo vệ tốt hơn để phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ, tinh thần.

Bình đẳng giới đạt bước tiến đáng kể. Các chính sách đổi mới của Việt Nam đã tạo cơ hội cho phụ nữ tham gia ngày càng nhiều vào các hoạt động kinh tế-xã hội của đất nước. Kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV (nhiệm kỳ 2021-2026), số lượng nữ đại biểu Quốc hội là 151 người, chiếm 30,26% (đạt tỷ lệ cao nhất từ trước đến nay); tỷ lệ người DTTS tham gia Quốc hội khóa XV là 89 người, chiếm 17,84%.

Người dân được thực hành tự do tín ngưỡng, tôn giáo, nghiên cứu và trao đổi, hội họp, giao lưu quốc tế về tôn giáo.

Tự do ngôn luận, báo chí, internet… ngày càng được phát huy. Báo chí được tạo điều kiện tham gia tích cực vào phản biện các chính sách, đồng thời đồng hành với các cơ quan chức năng phát hiện, đấu tranh với các biểu hiện tiêu cực. Việt Nam cũng là quốc gia có lượng người dùng internet cao thứ 12 trên toàn thế giới và đứng thứ 6 trong khu vực châu Á, với khoảng 68 triệu người.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đã có nhiều đóng góp vào những giá trị chung, tích cực và tiến bộ của nhân loại về quyền con người. Tính đến năm 2021, Việt Nam đã phê chuẩn, gia nhập 7/9 công ước cơ bản của Liên hợp quốc về quyền con người và cam kết thực hiện, coi đó là trách nhiệm chính trị, pháp lý của Nhà nước.

Những thành tựu của công cuộc đổi mới, phát triển đất nước cùng những tiến bộ không ngừng trong sự nghiệp bảo đảm và thúc đẩy quyền con người ở Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận.

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng khẳng định: Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu.

Để nâng cao hơn nữa giá trị quyền con người, Đảng, Nhà nước ta tiếp tục cụ thể hóa, hoàn thiện thể chế thực hành dân chủ, bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân.

Hiện tại, Chính phủ đang triển khai thực hiện chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, chiến lược cải cách tư pháp, Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030... nhằm tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật phù hợp với yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân, bảo đảm có hiệu quả các quyền con người, quyền công dân của mọi người dân.   

Sông Côn

Chuyên mục khác