03/08/2022 13:04
|
Hiểu đúng nội dung tính phổ biến và tính đặc thù của quyền con người để phản bác lại sự áp đặt quan điểm “quyền con người” của một số nước phương Tây đối với các nước yếu thế hơn trong tình hình hiện nay.
Trên cơ sở phương pháp luận triết học, các nhà nghiên cứu cho rằng, quyền con người vừa có tính phổ biến, vừa có tính đặc thù, đó là hai mặt không thể tách rời của quyền con người. Tính phổ biến gắn với cái chung, tính đặc thù gắn với cái riêng.
Tính phổ biến của quyền con người thể hiện ở chỗ: Quyền con người mang tính chất bẩm sinh, vốn có của con người và được áp dụng bình đẳng cho tất cả mọi thành viên trong gia đình nhân loại, không có sự phân biệt đối xử vì bất cứ lý do gì, chẳng hạn như về chủng tộc, dân tộc, giới tính, tôn giáo, độ tuổi, thành phần, xuất thân…
Tính đặc thù của quyền con người thể hiện, có thể trong cùng một giai đoạn lịch sử, cùng các điều kiện về kinh tế xã hội, chính trị, nhưng nội dung và tính chất của quyền con người có thể có sự khác biệt do bị chi phối bởi yếu tố văn hóa truyền thống.
Ví dụ, phương Đông có truyền thống đề cao giá trị văn hóa gia đình hơn đề cao cá nhân, trong khi đó phương Tây đề cao cá nhân hơn đề cao giá trị cộng đồng. Vì vậy, với trẻ em phương Tây, việc bị bố mẹ, người lớn “răn dạy bằng roi vọt” sẽ là vi phạm pháp luật, và (rất có thể) đứa trẻ này có quyền báo với cảnh sát để xử lý.
Nhưng ở Việt Nam, tư tưởng “thương cho roi cho vọt” vẫn rất phổ biến, và sẽ không bị xử lý, nếu như bạn đánh con mình một roi vì tội trốn học đi chơi.
Điều đó dẫn đến nội dung, tính chất quyền tự do cá nhân ở phương Đông và quyền tự do cá nhân ở phương Tây có sự khác biệt, chính sự khác biệt đó đã tạo nên tính đặc thù của quyền tự do cá nhân nói riêng và quyền con người nói chung.
Thế nhưng trên thực tế, một số nước lớn luôn tìm cách áp đặt quan điểm về “quyền con người” của mình cho những nước yếu thế hơn.
Với nước ta, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị ở trong nước và ở nước ngoài cố tình phủ nhận thành tựu, kết quả mà Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đạt được; xuyên tạc tình hình nhân quyền Việt Nam, ra sức chống phá dưới chiêu bài “dân chủ, nhân quyền”.
Vì nhiều lý do khác nhau, các thế lực cực đoan ở một số nước phương Tây, các tổ chức phản động người Việt Nam ở nước ngoài như Việt Tân, Chính phủ Việt Nam tự do...; một số tổ chức phi chính phủ quốc tế như Theo dõi nhân quyền (HRW), Ân xá quốc tế (AI)... thường xuyên vu cáo, xuyên tạc tình hình nhân quyền Việt Nam.
Ví dụ gần đây, HRW công bố báo cáo hằng năm với tiêu đề “Phúc trình toàn cầu 2021”, dài 761 trang, về đánh giá việc thực hành nhân quyền tại hơn 100 quốc gia. Trong đó phê phán Việt Nam trong năm 2020 “tiếp tục vi phạm các quyền dân sự và chính trị cơ bản một cách có hệ thống”.
Bên cạnh đó, các lực lượng cạnh tranh về tư tưởng, chính trị, núp bóng nghiên cứu lý luận, bất mãn, suy thoái về tư tưởng chính trị cũng lợi dụng ngọn cờ “dân chủ, nhân quyền” ra sức chống phá, tấn công quyết liệt vào nền tảng tư tưởng của Đảng và chế độ XHCN ở Việt Nam.
Trong đó, phủ nhận thành tựu về các giá trị lý luận, quan điểm, đường lối của Đảng về dân chủ, nhân quyền, các kết quả thực tiễn về quyền con người mà Việt Nam đã đạt được trong suốt hơn 35 năm đổi mới.
Lợi dụng vấn đề tôn giáo, DTTS để xuyên tạc, vu cáo Đảng, Nhà nước Việt Nam vi phạm quyền con người trên lĩnh vực tôn giáo, dân tộc. Xuyên tạc, kích động trên lĩnh vực giáo dục, văn hóa, nghệ thuật…
Phê phán, xuyên tạc Nhà nước Việt Nam ngăn cản tự do ngôn luận, tự do bày tỏ chính kiến, tự do hội họp. Kích động khuynh hướng cực đoan nhằm phủ nhận các giá trị lịch sử dân tộc, phủ nhận thành quả cách mạng; bôi nhọ, xúc phạm lãnh tụ và lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
Tăng cường kích động, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” sang tư tưởng nhân quyền tư sản; đòi Nhà nước Việt Nam phải đáp ứng ngay tiêu chuẩn về các quyền dân sự, chính trị (tự do lập hội, tự do xuất bản báo chí tư nhân, hoạt động tôn giáo không cần sự quản lý của Nhà nước...) tương tự các quốc gia phương Tây.
|
Như đã đề cập ở trên, tính phổ biến của quyền con người gắn với cái chung, tính đặc thù gắn với cái riêng. Vì vậy, bất cứ cái chung nào khi áp dụng vào từng trường hợp riêng cũng cần được cá biệt hóa. Nếu không chú ý tới sự cá biệt hóa đó, đem áp dụng nguyên xi cái chung, tuyệt đối hóa cái chung thì sẽ rơi vào sai lầm của những người tả khuynh, giáo điều. Ngược lại, nếu xem thường cái chung, chỉ chú ý đến cái đơn nhất, tuyệt đối hóa cái đơn nhất, thì sẽ rơi vào sai lầm của những người hữu khuynh, xét lại.
Chúng ta không thể viện dẫn rằng, do điều kiện về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội như vậy nên việc đảm bảo quyền con người của quốc gia đó chỉ dừng lại như vậy. Đồng thời, chúng ta cũng không thể lấy một tiêu chuẩn đảm bảo quyền con người ở quốc gia này để so sánh đảm bảo quyền con người ở một quốc gia khác.
Càng không thể áp đặt quan điểm quyền con người của quốc gia này lên quốc gia khác khi chưa xét đến yếu tố tính đặc thù và đặt nó trong mối quan hệ giữa hai đặc tính này.
Sông Côn