Đảng bộ Thành phố Kon Tum: Năng động trong lãnh đạo, chỉ đạo giảm nghèo bền vững

11/04/2021 14:09

Thực hiện mục tiêu giảm nghèo, Đảng bộ thành phố Kon Tum đã và đang lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy đảng ở cơ sở nâng cao sức chiến đấu, năng động và sáng tạo trong việc xây dựng kế hoạch, chỉ đạo cán bộ, đảng viên tuyên truyền và cùng các tầng lớp nhân dân tham gia thay đổi nếp nghĩ, cách làm, từ đó giảm nghèo bền vững.

Trong giai đoạn 2015-2020, gắn với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Kon Tum lần thứ XI, các cấp ủy đảng đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân đoàn kết, nỗ lực triển khai có hiệu quả các chương trình, kế hoạch về phát triển kinh tế, tăng thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 50 triệu đồng/năm. Qua đó, thành phố góp phần giảm 1.511 hộ nghèo và hiện còn 904 hộ nghèo.  

Để đạt kết quả trên, Ban Thường vụ Thành ủy thường xuyên quan tâm, năng động, sáng tạo trong công tác chỉ đạo các cấp ủy đảng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu và tập trung xây dựng, triển khai nhiều chương trình, kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; định hướng quy hoạch, xây dựng các vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao; hình thành các mô hình kinh tế tập thể, hộ cá thể ở các xã, phường gắn với tiềm năng, thế mạnh sẵn có, nhằm tăng năng suất, sản lượng, chất lượng cây trồng trên cùng đơn vị diện tích đất sản xuất; đồng thời hướng đến tăng thu nhập cải thiện đời sống, có tích lũy phát triển kinh tế gia đình và góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Tiêu biểu cho công tác giảm nghèo nhanh, bền vững ở thành phố có xã Đoàn Kết. Theo bà Trần Thị Thanh Thúy – Phó Bí thư, Chủ tịch UBND xã Đoàn Kết, trong giai đoạn 2016-2020, xã giảm được 38 hộ nghèo và hiện còn 26 hộ nghèo. Có được kết quả giảm nghèo trên, Đảng ủy xã đã làm tốt công tác bám sát nghị quyết toàn khóa của địa phương, Đảng bộ thành phố để xây dựng chương trình lãnh đạo, chỉ đạo chính quyền và Mặt trận hàng năm tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên, hội viên, nhân dân tham gia thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, chỉ tiêu phát triển kinh tế đề ra. Tiêu biểu như địa phương chỉ đạo các chi bộ triển khai tốt công tác tuyên truyền cho mọi đảng viên, người dân tham gia phát triển kinh tế phù hợp với nguồn vốn, tiềm lực sẵn có, gắn với lợi thế của địa bàn đang triển khai 3 vùng quy hoạch sản xuất nông nghiệp tập trung của xã; đăng ký chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, cải tạo vườn tạp, ứng dụng khoa học kỹ thuật trên đồng ruộng…

Người dân ở xã Đoàn Kết trồng rau củ quả theo mô hình VietGap. Ảnh: T.H

 

Mặt khác, hàng năm, cấp ủy xã Đoàn Kết còn năng động, tích cực đi cơ sở, kịp thời chỉ đạo UBND xã, hợp tác xã phối hợp với Trạm Thủy nông nạo vét kênh mương, điều tiết nước hợp lý tại 3 hồ đập với chiều dài 39,3 km kênh mương đảm bảo nguồn nước sản xuất nông nghiệp; cung cấp các dịch vụ phân bón, hỗ trợ hơn 2.000 kg cây giống, con giống các loại phát huy hiệu quả kinh tế tại địa phương. Nhờ đó, đến nay, 3 vùng quy hoạch sản xuất tập trung của xã có gần 10 ha, nhân dân chủ yếu trồng rau, củ quả an toàn và cây lúa thơm RVT. Trong đó, diện tích cây lúa giống RVT là 8,5 ha đã cho năng suất, chất lượng cao được xã xây dựng thương hiệu “Gạo xã Đoàn Kết” đang được thị trường trong, ngoài tỉnh ưa chuộng. Xã còn có tổng đàn gia súc phát triển được 2.050 con (đàn bò 1.105 con, đàn lợn 900 con) và gia cầm 12.800 con.

“Những thuận lợi trên là cơ sở cho địa phương tập trung lãnh đạo, định hướng tăng diện tích sản xuất lên 45 ha vào 3 vùng kinh tế động lực giai đoạn 2021-2025, gắn với đa dạng hóa các loại cây trồng, phát triển thế mạnh sản xuất thuận lợi thời gian qua. Địa phương cũng sẽ tranh thủ sự hỗ trợ, quan tâm đầu tư của các cấp để thực hiện chăn nuôi gia súc trang trại tập trung theo hướng công nghệ cao. Đáng lưu ý, những mô hình phát triển kinh tế ổn định trên sẽ ưu tiên vận động 26 hộ nghèo còn lại tham gia thực hiện để cải thiện cuộc sống, hướng tới giảm nghèo bền vững” - bà Thúy chia sẻ thêm.

 Tìm hiểu thêm từ các địa phương trên địa bàn thành phố, chúng tôi được biết trong thời gian qua, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về thực hiện mục tiêu giảm nghèo được các cấp ủy đảng xã, phường, phòng, ban chuyên môn thành phố phối hợp tuyên truyền khá sâu rộng. Trong đó, các cấp ủy đã chỉ đạo tại cơ sở tập trung quán triệt Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XV (nhiệm kỳ 2015-2020) về giảm tỷ lệ hộ nghèo hàng năm 1%; đẩy mạnh các chương trình công tác hàng năm của Thành ủy chỉ đạo về chuyển đổi cơ cấu cây trồng; phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, cây dược liệu gắn với dồn đổi, tích tụ đất đai trên địa bàn thành phố giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2025; xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2015-2020; hỗ trợ các chính sách giảm nghèo vùng đồng bào DTTS…

Gắn với tuyên truyền nhân dân tham gia phát triển kinh tế theo định hướng đề ra, UBND thành phố còn tham mưu Thành ủy chỉ đạo các xã, phường triển khai hiệu quả việc hỗ trợ đào tạo nghề cho 1.437 lao động, đáp ứng yêu cầu các hình thức, mô hình phát triển kinh tế mới hiện nay.

Trong quá trình thực hiện, đội ngũ cán bộ, đảng viên, hội viên tổ chức đoàn thể cơ sở là những người được cấp ủy chỉ đạo, vận động tiên phong để thu hút quần chúng cùng tham gia tích cực vào các chương trình, kế hoạch sản xuất nông nghiệp của các hợp tác xã, các mô hình phát triển kinh tế ứng dụng công nghệ cao gắn với dồn điền, đổi thửa với tổng diện tích khoảng 120 ha ở các xã, phường để xây dựng mô hình cánh đồng lớn sản xuất giống lúa thơm (RVT) gắn với xây dựng thương hiệu gạo sạch Đoàn Kết; phát triển chuyên canh vườn cây ăn quả các xã ngoại thành; khuyến khích sản xuất sản phẩm đặc trưng theo tiêu chuẩn OCOP gần 1.000 ha; sản xuất rau hoa an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP 25 ha; vùng dược liệu và chăn nuôi trang trại gia súc, gia cầm tập trung hơn 40 ha. Hình thành những cánh đồng lớn nguyên liệu mía trên địa bàn các xã, phường hơn 300 ha do nhân dân tự thuê đất trồng với quy mô từ 5 đến 20 ha/nhóm hộ ở một số địa phương.

Ngoài ra, ở các xã, phường còn rà soát các diện tích đất trồng lúa 1 vụ kém hiệu quả để chuyển sang các loại cây trồng khác hiệu quả kinh tế cao hơn được 10 ha; vùng cây dược liệu chủ yếu là cây nghệ, cây đinh lăng, ngũ vị tử, sa nhân, sâm dây, ba kích khoảng 50 ha.

Từ năm 2016 đến nay, Đảng bộ thành phố còn quan tâm chỉ đạo UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị xã hội thành phố vận động, xây dựng quỹ “Vì người nghèo” gần 1,65 tỷ đồng, hỗ trợ người nghèo, đặc biệt khó khăn để có nguồn sinh kế, phát triển kinh tế, giảm nghèo trên địa bàn; huy động các nguồn hỗ trợ khác xây dựng 60 nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo trên địa bàn thành phố. 

Trong nhiệm kỳ 2021-2025, Đảng bộ thành phố sẽ tiếp tục huy động, sử dụng có hiệu quả hơn nữa các nguồn lực; phát huy tích cực vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cả hệ thống chính trị trong thực hiện công tác giảm nghèo bền vững đạt tỷ lệ hộ nghèo dưới 1%/tổng số hộ dân trên địa bàn. Từ đó góp phần phấn đấu hoàn thành Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XII (nhiệm kỳ 2021 – 2025) đã đặt ra.  

Trần Hà

Chuyên mục khác