27/05/2023 13:18
Trên cơ sở chương trình công tác toàn khóa, hằng năm, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện cụ thể hóa thành các chương trình hành động, kế hoạch phù hợp với điều kiện thực tế để triển khai thực hiện, chỉ đạo UBND huyện xây dựng các kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm, giai đoạn 2021-2025; đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030; Đồ án quy hoạch chi tiết khu trung tâm hành chính, chính trị huyện; Đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi gắn với phát triển dược liệu trên địa bàn huyện giai đoạn 2020-2025; Đề án phát triển thương mại-dịch vụ giai đoạn 2021-2025; Đề án phát triển đô thị trung tâm huyện lỵ đạt đô thị loại V vào năm 2025, định hướng đến năm 2030 trình Huyện ủy cho ý kiến và HĐND huyện thảo luận, quyết nghị ban hành.
|
Theo đó, nông nghiệp tiếp tục được chú trọng, giá trị sản xuất tăng đều qua các năm. Tổng sản lượng lương thực có hạt tính đến đầu năm 2023 đạt 5,91 nghìn tấn, đạt 72% kế hoạch năm 2023. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi được triển khai phù hợp với điều kiện tự nhiên. Tính đến thời điểm hiện tại, tổng diện tích cà phê 1.647,5ha (diện tích cho thu hoạch là 1.014,3ha); diện tích mắc ca có 37,9ha; diện tích cao su có 86,45ha (diện tích khai thác 59,3ha); diện tích các loại cây ăn quả đạt 284,99ha. Bên cạnh đó, chăn nuôi cũng được chú trọng, đến nay, tổng đàn trâu có 6.351 con, đạt 73,29% nghị quyết đề ra; đàn bò có 7.697 con, đạt 69,59% nghị quyết đề ra; đàn heo có 6.740 con, đạt 65,12% nghị quyết đề ra; đàn gia cầm có 38.598 con, đạt 77,35% nghị quyết đề ra.
Một số cây trồng chủ lực, có lợi thế, phù hợp với điều kiện tự nhiên của huyện được chú trọng khuyến khích phát triển và được nhân rộng như hồng đẳng sâm, sâm Ngọc Linh, sơn tra, mắc ca và một số cây dược liệu khác từng bước hình thành các vùng nguyên liệu tập trung. Trong đó, tổng diện tích các cây dược liệu khác đến năm 2022 là 1.222,34ha, đạt 141% so với mục tiêu nghị quyết (riêng diện tích trồng mới là 502,70ha, gồm: diện tích trong dân 254,20ha, trong doanh nghiệp 248,50ha). Riêng cây sâm Ngọc Linh tính đến cuối năm 2022 là 1.715,1ha, đạt 169%; kế hoạch trong năm 2023 huyện sẽ triển khai trồng mới 495ha (trong dân 13,5ha; trong doanh nghiệp 481,5ha).
Công nghiệp- xây dựng có chuyển biến tích cực. Tuy trên địa bàn huyện chưa hình thành các cụm công nghiệp do đặc thù của huyện, nhưng việc đầu tư các thủy điện vừa và nhỏ luôn được chú trọng. Một số công trình thủy điện đưa vào vận hành khai thác sử dụng như Đăk Psi 3 (công suất 15 MW), Đăk Psi 4 (công suất 30 MW), Đăk Ter 1 (công suất 3,6 MW), Đăk Ter 2 (công suất 3,4 MW), Nước Lây (công suất 3,2 MW), Đăk Psi 2B (công suất 14 MW), Thượng Đăk Psi (công suất 6,6 MW).
Bên cạnh đó, hệ thống kênh mương nội đồng, công trình thủy lợi, nước sinh hoạt đã được quan tâm đầu tư nâng cấp, sửa chữa; 11/11 xã có đường ô tô đến trung tâm xã; 86/86 thôn, làng sử dụng điện lưới quốc gia, tỷ lệ hộ sử dụng điện đạt 100%; 89,8% hộ dân nông thôn sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh (đạt và vượt 5,8% so với nghị quyết). Thương mại-dịch vụ có bước chuyển biến, tình hình lưu thông hàng hóa diễn ra thuận lợi, đảm bảo chất lượng, giá cả ổn định.
Các chính sách về thương mại miền núi, vùng đồng bào DTTS được thực hiện kịp thời, góp phần tích cực trong việc thúc đẩy phát triển sản xuất và tiêu dùng của nhân dân. Chỉ tính riêng từ năm 2022 đến nay, huyện tổ chức thành công 2 phiên chợ sâm Ngọc Linh và các sản phẩm đặc hữu gắn với du lịch, tạo được hiệu ứng tốt, thu hút hàng chục ngàn lượt khách trong và ngoài nước đến tham quan, mua sắm. Công tác kêu gọi, thu hút đầu tư có nhiều khởi sắc, góp phần cải thiện năng lực cạnh tranh; có nhiều công ty khảo sát, tìm hiểu cơ hội đầu tư. Huyện đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn chủ động phối hợp với các sở, ngành của tỉnh tạo mọi điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư tiếp cận cơ hội đầu tư và thực hiện đầu tư trên địa bàn.
Đây là những nền tảng quan trọng để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện thực hiện thắng lợi các mục tiêu mà Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra.
Dương Đức Nhuận