Đảng bộ huyện Tu Mơ Rông: Lãnh đạo đẩy mạnh phát triển kinh tế

01/10/2023 13:20

Trong những năm qua, Ban Thường vụ Huyện ủy Tu Mơ Rông tập trung lãnh đạo, chỉ đạo hệ thống chính trị huyện thực hiện đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi gắn với phát triển cây dược liệu và thương mại, dịch vụ, đồng thời khai thác và phát huy có hiệu quả các nguồn lực, tiềm năng, lợi thế của địa phương để phát triển kinh tế.
Mô hình trồng cà phê của hộ Y Thảo ở thôn Tân Ba, xã Tê Xăng. Ảnh: TVP

 

Bí thư Huyện ủy Ka Ba Thành cho biết: Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025, trong nửa nhiệm kỳ qua, Ban Thường vụ Huyện ủy chú trọng lãnh đạo thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi gắn với phát triển cây dược liệu. Đến nay, toàn huyện trồng được 1.647,5ha cà phê, đạt 77,05% so với Nghị quyết; 37,9ha mắc ca, 284,99ha cây ăn quả, 86,45ha cao su. Đặc biệt, trồng được 1.715,1ha sâm Ngọc Linh và 1.222,34ha các loại cây dược liệu khác như sâm dây, sơn tra, ngũ vị tử, lan kim tuyến, đạt 141% so với Nghị quyết. Ngoài ra, người dân nuôi được 6.351 con trâu, đạt 73,29%; 7.697 con bò, đạt 69,59%; 6.740 con heo, đạt 65,12%; 38.598 con gia cầm, đạt 77,35% so với Nghị quyết.

Ban Thường vụ Huyện ủy chỉ đạo UBND huyện quyết liệt tổ chức quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; vận động 158 hộ gia đình có hoạt động sản xuất nương rẫy tiếp giáp với rừng ký cam kết chấp hành nghiêm các biện pháp bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng. Ngoài ra, trồng mới 729,64ha rừng, nâng độ che phủ rừng lên 66,99%.

Hệ thống kênh mương nội đồng, công trình thủy lợi, nước sinh hoạt của nhân dân được UBND huyện quan tâm đầu tư nâng cấp, sửa chữa. Đến nay, 100% số xã có đường ô tô đến trung tâm xã, 100% số thôn sử dụng điện lưới quốc gia với tỷ lệ 100% số hộ sử dụng điện, 89,8% số hộ dân nông thôn sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, vượt 5,8% so với Nghị quyết.

Ban Thường vụ Huyện ủy chỉ đạo UBND huyện đầu tư phát triển thương mại-dịch vụ, nhất là khu vực trung tâm huyện. Đồng thời, các chính sách về thương mại miền núi, vùng đồng bào DTTS được thực hiện kịp thời, góp phần tích cực trong việc thúc đẩy phát triển sản xuất và tiêu dùng, phủ sóng điện thoại di động và mạng internet đến 100% số xã.

Nổi bật nhất là huyện tổ chức thành công 2 phiên chợ sâm Ngọc Linh và các sản phẩm đặc hữu gắn với du lịch với nhiều hoạt động ý nghĩa, tạo được hiệu ứng tốt. Trong đó, phiên chợ thứ nhất được tổ chức năm 2022 có 46 gian hàng, với 158 sản phẩm tham gia trưng bày của 38 doanh nghiệp, hợp tác xã, các hộ trong và ngoài tỉnh, thu hút hàng nghìn lượt khách đến tham quan, mua sắm, với tổng doanh thu hàng hóa bán ra trực tiếp đạt hơn 30 tỷ đồng và trực tuyến đạt gần 200 triệu đồng. Phiên chợ thứ 2 được tổ chức đầu năm 2023, có 50 gian hàng, với 273 sản phẩm, thu hút trên 7.000 lượt khách đến tham quan, với tổng trị giá lưu chuyển hàng hóa đạt trên 13,61 tỷ đồng.

Ban Thường vụ Huyện ủy chỉ đạo UBND huyện tăng cường kêu gọi, thu hút đầu tư, góp phần cải thiện năng lực cạnh tranh. Đến nay, trên địa bàn huyện có nhiều tập đoàn, công ty đến đầu tư phát triển về chăn nuôi công nghệ cao, nông sản, thảo dược, xây dựng hạ tầng và giao thông. Hiện Công ty Cổ phần Tư vấn đầu tư Start nghiên cứu, khảo sát và lập thủ tục đầu tư dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và dự án trang trại chăn nuôi heo gia công tập trung kỹ thuật cao; còn Công ty TNHH Capella Group đã có chủ trương của tỉnh về đầu tư trồng dược liệu trong thời gian tới.

Mô hình nuôi bò nhốt chuồng của A Đức ở thôn Ba Khen, xã Văn Xuôi. Ảnh: TVP

 

Bí thư Huyện ủy Ka Ba Thành cho biết thêm: Trong thời gian tới, Ban Thường vụ Huyện ủy tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo cả hệ thống chính trị tập trung hơn nữa công tác đầu tư phát triển kinh tế. Trong đó, tiếp tục thực hiện Đề án chuyển đổi cây trồng, vật nuôi gắn với phát triển cây dược liệu; đầu tư một số cây dược liệu quý dưới tán rừng và mở rộng diện tích trồng cây dược liệu quý như sâm Ngọc Linh, đảng sâm. Khuyến khích, thu hút và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đến đầu tư sản xuất và công nghệ chế biến các sản phẩm từ các cây dược liệu quý; phát triển chăn nuôi đại gia súc theo mô hình gia đình, trang trại, hợp tác xã, tổ hợp tác; mở rộng thị trường tiêu thụ, phát triển mạnh thương mại-dịch vụ, nhằm đáp ứng tốt nhu cầu trao đổi, mua bán hàng hoá và dịch vụ, qua đó tăng thu nhập để nâng cao đời sống cho nhân dân.

Trần Văn Phúc  

Chuyên mục khác