14/07/2023 13:06
Trong từng giai đoạn, việc lãnh đạo cấp ủy, chính quyền triển khai thực hiện công tác khuyến nông có những nét khác nhau, nhưng công tác khuyến nông ở huyện đều tập trung vào việc chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật; triển khai nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả, góp phần tăng thu nhập, giảm thiểu những rủi ro do thiên tai, dịch bệnh và nâng cao đời sống cho người dân.
Thông qua việc coi trọng công tác khuyến nông, kinh tế nông nghiệp ở địa phương có những chuyển biến tích cực. Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025) đánh giá: Tổng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản (giá so sánh năm 2010) đến năm 2020 ước đạt 1.014 tỷ đồng, tăng 1,62 lần so năm 2015. Tiềm năng đất đai được quản lý, khai thác và sử dụng hợp lý, hiệu quả hơn; hệ số sử dụng đất ngày càng tăng, tạo nguồn lực lớn cho đầu tư phát triển.
Các cây trồng chủ lực như cao su, cà phê, mì được duy trì và phát triển để phục vụ các nhà máy chế biến nông sản; một số cây trồng phù hợp với điều kiện địa phương được chú trọng phát triển. Chăn nuôi đã có những bước phát triển vượt bậc cả về số lượng và chất lượng (hình thành một số điểm chăn nuôi theo hướng bán công nghiệp, hạn chế được tình trạng chăn thả rông tại vùng đồng bào DTTS). Dịch bệnh nguy hiểm trên đàn gia súc được kiểm soát, không để lan rộng. Việc nuôi trồng thủy sản phát triển đáng kể (đã hình thành một số làng đánh bắt cá và nuôi trồng thủy sản trên lòng hồ thủy điện), góp phần giải quyết việc làm, ổn định đời sống đồng bào DTTS. Công tác trồng rừng, phủ xanh đất trống đồi núi trọc được đẩy mạnh, nâng độ che phủ rừng đạt 62,84%.
|
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVII đề ra mục tiêu, nhiệm vụ: Huy động các nguồn lực và khai thác, sử dụng có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của huyện để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, xây dựng huyện trở thành vùng trọng điểm về sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến; đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng (đường giao thông, điện, thủy lợi,....) phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng phát triển theo chiều sâu, sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ.
Theo ông Dương Quang Phục- Phó Chủ tịch UBND huyện, trong thời gian qua, công tác khuyến nông được triển khai hiệu quả, góp phần vào sự phát triển kinh tế-xã hội địa phương. Chương trình khuyến nông luôn bám sát vào thực hiện mục tiêu nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp, chương trình sản xuất nông nghiệp của địa phương, chuyển giao thành công tiến bộ kỹ thuật mới, góp phần tăng năng suất, giá trị và chất lượng sản phẩm nông nghiệp.
Từ các cây trồng truyền thống (lúa, bắp, mì…) năng suất thấp, thông qua công tác khuyến nông và việc thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng của các cấp ủy, chính quyền địa phương, đến nay, người dân trên địa bàn huyện tập trung thâm canh các giống lúa lai, lúa thơm, bắp lai, mì cao sản có năng suất, chất lượng cao hơn so với trước; đồng thời phát triển mạnh cây công nghiệp cao su, cà phê, cây ăn quả các loại. Các loại giống cây trồng, vật nuôi được người dân sản xuất trên địa bàn huyện rất phong phú và đa dạng; thế hệ sau thường có năng suất hoặc chất lượng hơn trước.
Tính đến nay, một số cây trồng chính trên địa bàn huyện phát triển như sau: 1.139ha lúa (680ha lúa nước vụ đông xuân 2022 - 2023, 459ha lúa vụ mùa), 6.780ha mì, 152 ha mía, 118ha bắp, 2.896,2ha cà phê, 12.861ha cao su, 1.421,2ha cây ăn quả các loại, 150,2ha mắc ca; 374,54ha dược liệu. Quy mô đàn gia súc hiện có 19.659 con; diện tích nuôi trồng thủy sản (ao, hồ nhỏ) là 85ha.
Phát huy vai trò công tác khuyến nông, thực hiện những mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVII đề ra, bám sát định hướng phát triển của ngành Nông nghiệp và nhu cầu của nông dân, công tác khuyến nông ở huyện đang tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động để nâng cao hiệu quả. Trong đó, chú trọng đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật nhằm góp phần tái cơ cấu ngành và xây dựng nông thôn mới; xây dựng các mô hình trình diễn tập trung vào các đối tượng, sản phẩm chủ lực của ngành theo Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển các mô hình tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm; xây dựng các mô hình theo hướng VietGAP, hữu cơ, các mô hình sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm. Chú trọng lựa chọn các mô hình mang tính cấp thiết, có tiềm năng thị trường, có khả năng nhân ra diện rộng để ưu tiên thực hiện.
Văn Nhiên