Đảng bộ huyện Ia H’Drai: Để Nghị quyết của Đảng trở thành hiện thực

07/09/2023 13:02

Huyện Ia H’Drai được tỉnh định hướng xây dựng vùng nông nghiệp chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao, đồng thời tỉnh cũng đã phê duyệt 10 dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong danh mục thu hút đầu tư vào tỉnh Kon Tum giai đoạn 2021-2025. Đây là cơ hội lớn để địa bàn huyện phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao mà Nghị quyết số 05 -NQ/TU, ngày 25/11/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI đã đề ra.

Thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU, ngày 25/11/2021 của Tỉnh ủy “về phát triển nông nghiệp hàng hóa đi vào chiều sâu, ứng dụng công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030”, ngày 6/1/2022, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Ia H’Drai ban hành Chương trình số 52 nhằm thực hiện quyết liệt Nghị quyết trên. 

Để Nghị quyết đi vào cuộc sống, Ban Thường vụ Huyện ủy chỉ đạo các cấp, ngành đẩy mạnh tuyên truyền Nghị quyết số 05-NQ/TU của Tỉnh ủy và Chương trình 52 của Huyện ủy đến cán bộ, đảng viên, mọi tầng lớp nhân dân, tạo sự đồng thuận cao về tư tưởng, hành động; nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng trong việc chuyển đổi cơ cấu ngành nông nghiệp trên cơ sở phát huy lợi thế của huyện; đảm bảo mục tiêu an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững và tạo điều kiện để người nông dân từng bước vươn lên làm giàu từ sản xuất nông nghiệp.

Chăn nuôi gia súc là một lợi thế ở địa bàn huyện Ia H’Drai. Ảnh: DĐN

 

Nhằm quy hoạch đất phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn, Ban Thường vụ Huyện ủy lãnh đạo, chỉ đạo UBND huyện trình tỉnh phê duyệt quy hoạch một số diện tích đất để thực hiện trong giai đoạn 2021-2030 với tổng diện tích hơn 2.298ha, bao gồm dự án nông nghiệp công nghệ cao kết hợp với hệ thống điện mặt trời áp mái có diện tích 2,76ha; dự án trồng cây xanh phục hồi rừng và kết hợp nông nghiệp công nghệ cao của một doanh nghiệp với diện tích 95,92ha; dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại xã Ia Dom với diện tích 100ha; dự án vùng nông nghiệp chăn nuôi công nghệ cao huyện với tổng diện tích khoảng 2.100ha.

Đồng chí Trương Thị Linh- Bí thư Huyện ủy Ia H’Drai chia sẻ: Ban Thường vụ Huyện ủy cũng chỉ đạo UBND huyện tạo điều kiện, hướng dẫn, phối hợp với các doanh nghiệp khảo sát các diện tích đất phù hợp để giới thiệu các doanh nghiệp đầu tư các dự án phát triển nông nghiệp trên địa bàn, đặc biệt là các dự án sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; chỉ đạo triển khai thực hiện cơ chế chính sách, thúc đẩy phát triển thị trường nông sản; huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển nông nghiệp hàng hóa đi vào chiều sâu, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; ứng dụng khoa học công nghệ để phát triển nông nghiệp hàng hóa đi vào chiều sâu, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Hằng năm, từ nguồn chi sự nghiệp kinh tế, huyện xây dựng các mô hình trên các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi nhằm áp dụng các tiến bộ kỹ thuật về giống, kỹ thuật canh tác mới gắn với định hướng, mục tiêu phát triển nông nghiệp của huyện; lồng ghép với hoạt động xây dựng mô hình để mở các lớp tập huấn cho cán bộ cơ sở, các hội viên hợp tác xã sản xuất nông nghiệp, hộ nông dân có nhu cầu, các hộ tham gia xây dựng mô hình nhằm chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt; phòng, chống dịch bệnh cây trồng, vật nuôi; liên kết sản xuất hàng hóa, tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn.

Hiện trên địa bàn huyện có 56ha chuối Nam Mỹ, sử dụng giống chuối cấy mô và ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt do Công ty Cổ phần đầu tư phát triển Duy Tân thực hiện và đang trong giai đoạn thu hoạch, ước năng suất đạt 30 tấn/ha; 32ha sầu riêng ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt cũng do Công ty này triển khai thực hiện. Một số doanh nghiệp đầu tư các hạng mục hạ tầng để triển khai dự án trang trại chăn nuôi heo với quy mô 25.000 con heo thịt/đợt nuôi. Các dự án trồng cây xanh phục hồi rừng kết hợp với nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; trồng cây dược liệu; mô hình nuôi cá trên cạn, nuôi cá lồng bè ứng dụng công nghệ cao được các doanh nghiệp triển khai thực hiện.

Đồng chí Trương Thị Linh chia sẻ thêm: Việc phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn huyện chủ yếu do các hợp tác xã và doanh nghiệp triển khai thực hiện. Qua triển khai các mô hình, bước đầu cho thấy năng lực hoạt động đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, có phương thức tổ chức phù hợp để ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, có khả năng tạo đột phá trong nông nghiệp. Tuy nhiên, đây mới chỉ là các mô hình sản xuất thử nghiệm, cần thời gian để đánh giá hiệu quả.

Kể từ khi triển khai thực hiện Nghị quyết 05-NQ/TU, nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn huyện đối với việc phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao dần được nâng lên. Các mô hình sản xuất được lồng ghép các chương trình, dự án để đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với ứng dụng khoa học kỹ thuật… góp phần tăng năng suất, giá trị sản phẩm nông nghiệp. Đây chính là những tín hiệu vui để Nghị quyết 05-NQ/TU thực sự đi vào cuộc sống, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Dương Đức Nhuận

Chuyên mục khác