Dân vận gắn với thực tiễn địa phương

01/03/2024 06:32

Từ những vấn đề thực tiễn tại địa phương, các huyện, thành phố có hướng dân vận, tuyên truyền, vận động phù hợp. Qua đó, góp phần thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, đối ngoại, cải thiện và nâng cao đời sống của nhân dân.

Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Đăk Hà đã đạt được một số kết quả quan trọng. Đến nay, toàn huyện có 7 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Kết quả đó có được, có phần đóng góp quan trọng của công tác dân vận.

Thực hiện chỉ tiêu xây dựng huyện Đăk Hà đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2025, Ban Dân vận Huyện ủy Đăk Hà đã tập trung thực hiện công tác tuyên truyền, vận động nhân dân nói chung, vùng đồng bào DTTS nói riêng tham gia thực hiện Chương trình MTQG về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững.

Qua đa dạng các hình thức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, tuyên truyền trực quan, trực tiếp, người dân đã nắm bắt, hưởng ứng và thực hiện các phong trào thi đua “Cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới”, Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững”.

Vận động người dân phát triển kinh tế. Ảnh: HT

 

Các phong trào thi đua đã tạo khí thế thi đua sôi nổi, phát huy tinh thần sáng tạo, ý thức tự lực, tự cường của từng địa phương về xây dựng nông thôn mới. Qua đó, người dân nói chung, người dân vùng đồng bào DTTS nói riêng đã tích cực giữ gìn, bảo vệ các công trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn; tích cực tham gia xây dựng đường làng xanh, sạch, đẹp, trồng cây hoa tạo cảnh quan môi trường nông thôn.

Nhiều hộ gia đình tự nguyện hiến đất, cây trồng và tích cực tham gia đóng góp tiền của, ngày công để làm đường giao thông nông thôn; tích cực áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao thu nhập.

Cùng với đó, qua công tác vận động, nhiều hộ dân chủ động đầu tư, cải tạo nhà ở đạt chuẩn theo quy định của Bộ Xây dựng; xây mới và nâng cấp các công trình vệ sinh phù hợp với chuẩn mới. Nhờ đó, đến nay, đã có 7/10 xã đạt chuẩn về tiêu chí nhà ở theo Bộ tiêu chí Quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

Cũng như huyện Đăk Hà, ngoài việc đạt được các kết quả trong xây dựng nông thôn mới, qua công tác dân vận, huyện Đăk Glei đã có nhiều kết quả nổi bật trong lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền, vận động nhân dân xóa bỏ các hủ tục, phong tục không còn phù hợp trên địa bàn.

Gắn nhiệm vụ xóa bỏ hủ tục, xây dựng nếp sống văn minh với nhiệm vụ chính trị, chuyên môn, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện kiên trì vận động, thuyết phục nhân dân xóa bỏ các hủ tục, bằng nhiều hình thức. Với phương châm “lấy xây để chống”, “mưa dầm thấm lâu”, huyện chú trọng tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho đồng bào DTTS, phân tích, làm rõ tác hại của các hủ tục, phong tục không còn phù hợp với đời sống hiện tại.

Bên cạnh hoạt động tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng, các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị, xã hội cấp xã, thị trấn đã phân công cán bộ, đảng viên thường xuyên xuống các thôn làng vận động các hộ đồng bào DTTS cam kết thực hiện xóa bỏ các hủ tục. Đến nay, đã vận động được hơn 8.000 hộ DTTS đăng ký cam kết xóa bỏ các hủ tục.

Qua nhiều hoạt động, đến nay, các hủ tục như kiêng người chết xấu, tục cõng người chết, tục kiêng kỵ khi có dê, chó, mèo chết hoặc đẻ trong kho lúa đã được xóa bỏ dần. Từ những kết quả đạt được, hiện nay huyện tiếp tục thực hiện tuyên truyền, vận động xóa bỏ một số hủ tục khác.

Tuyên truyền, vận động người dân xóa bỏ các hủ tục. Ảnh: H.T

 

Còn tại huyện Sa Thầy, công tác dân vận của hệ thống chính trị có nhiều chuyển biến tích cực, nhất là vận động phát triển kinh tế trong vùng đồng bào DTTS. Song song với việc đầu tư của Trung ương từ các chương trình mục tiêu quốc gia, Huyện ủy Sa Thầy đã ban hành các đề án phát triển kinh tế phù hợp với lợi thế của từng vùng như: Đề án cải tạo vườn tạp, nuôi cá lồng bè trên lòng hồ thủy điện, Đề án phủ xanh đất trống đồi núi trọc.  Sau 3 năm triển khai, huyện đã phát triển được gần 1.600ha cây ăn quả, trồng được hơn 1.900ha rừng; nuôi được 369,2 tấn thủy sản các loại/năm.

Đặc biệt, trong năm 2023, toàn huyện đã xây dựng được 19 mô hình phát triển kinh tế - xã hội với hơn 5,8 tỷ đồng. Thông qua việc triển khai thực hiện hiệu quả các đề án, các mô hình đã góp phần phát triển kinh tế gắn với lợi thế của từng vùng, phù hợp tập quán của người đồng bào DTTS.

Dựa vào những vấn đề thực tiễn, các địa phương có cách tổ chức tuyên truyền, vận động khác nhau. Qua đó, góp phần thực hiện hiệu quả các mục tiêu kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, đối ngoại, cải thiện và nâng cao đời sống của nhân dân.     

Hoài Tiến

Chuyên mục khác