Củng cố đại đoàn kết toàn dân tộc

30/03/2023 13:05

Đại đoàn kết toàn dân tộc là truyền thống quý báu, là cội nguồn sức mạnh của dân tộc Việt Nam. Truyền thống đó được hun đúc, hình thành và phát triển bởi tinh thần yêu nước, ý chí độc lập, tự chủ của dân tộc ta hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, chiến thắng mọi thiên tai, địch họa, để xây dựng đất nước cường thịnh.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc đã được phát huy cao độ, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong đường lối cách mạng của Đảng, là truyền thống quý báu, là bài học lớn, là vấn đề có ý nghĩa chiến lược, nhân tố quyết định đảm bảo thành công của cách mạng nước ta.

Kon Tum là tỉnh miền núi, biên giới, có vị trí đặc biệt quan trọng về quốc phòng, an ninh, nơi có 43 dân tộc anh em cùng sinh sống. Những năm qua, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Kon Tum luôn quán triệt sâu sắc quan điểm, chủ trương của Đảng, tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đồng thời vận dụng đúng đắn, phù hợp với tình hình thực tiễn của tỉnh.

Theo đó, Tỉnh ủy, cấp ủy các cấp chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của việc phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết các dân tộc, tạo sự thống nhất về ý chí và hành động trong thực hiện nhiệm vụ chính trị. 

Phát huy sức mạnh đại đoàn kết các dân tộc là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng. Ảnh: S.C

 

Tập trung làm tốt công tác xây dựng Đảng bộ tỉnh trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức. Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong tập hợp đoàn viên, hội viên; trong tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả điều hành của chính quyền các cấp; đẩy mạnh công tác dân vận của hệ thống chính trị; quan tâm giáo dục đạo đức công vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, thực hiện phương châm “Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với nhân dân” .

Chú trọng chỉ đạo phát triển kinh tế, xã hội gắn với thực hiện tốt các chính sách dân tộc, giảm nghèo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, từng bước nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân theo quan điểm “Đại đoàn kết phải được xây dựng trên cơ sở bảo đảm lợi ích của nhân dân, tin vào dân, dựa vào dân, phấn đấu vì quyền lợi chính đáng của dân”.

Xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có bản lĩnh chính trị vững vàng, tâm huyết, trách nhiệm với công việc, gắn bó, tận tụy với nhân dân, có trình độ, năng lực đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ.

Nhân dân các dân tộc trong tỉnh luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của các cấp ủy, sự quản lý, điều hành của chính quyền các cấp, đồng thuận và tích cực thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Tích cực hưởng ứng và tham gia thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước, các chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt là Chương trình xây dựng nông thôn mới; đoàn kết giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc.

Song song với việc phát triển kinh tế - xã hội, nhân dân các dân tộc trong tỉnh còn đoàn kết cùng cấp ủy, chính quyền thực hiện tốt nhiệm vụ bảo đảm quốc phòng, an ninh trên địa bàn. Nâng cao cảnh giác, không tin, không nghe theo các luận điệu tuyên truyền của kẻ xấu; tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc, giữ vững biên cương của Tổ quốc.

Có thể khẳng định, sức mạnh đại đoàn kết các dân tộc trong tỉnh là động lực chủ yếu và là nhân tố có ý nghĩa quyết định trong xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, là nền tảng quan trọng để Đảng bộ tỉnh lãnh đạo thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ chính trị.

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng tiếp tục xác định vị trí quan trọng của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, coi đại đoàn kết toàn dân tộc là động lực và nguồn lực quan trọng và là nhân tố có ý nghĩa quyết định bảo đảm thắng lợi bền vững của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI nhiệm kỳ 2020-2025 cũng đã xác định tiếp tục củng cố niềm tin của nhân dân và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết các dân tộc là động lực và nguồn lực quan trọng, có ý nghĩa quyết định bảo đảm thắng lợi cho sự phát triển bền vững của tỉnh.

Thực tiễn đang đòi hỏi chúng ta phải có quyết tâm cao hơn nữa, nỗ lực lớn hơn nữa trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, đảm bảo thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI.

Theo đó, luôn quán triệt sâu sắc, quan điểm, chủ trương của Đảng, tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết toàn dân tộc, xác định phát huy sức mạnh đại đoàn kết các dân tộc trong tỉnh là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện thống nhất từ tỉnh đến cơ sở.

Tăng cường sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng để xây dựng hạt nhân chính trị, giữ vai trò trung tâm trong xây dựng và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết các dân tộc. Xây dựng đội ngũ cán bộ có phẩm chất đạo đức tốt, bản lĩnh chính trị vững vàng, gắn bó mật thiết với nhân dân, thường xuyên  lắng nghe ý kiến phê bình, góp ý xây dựng của nhân dân.

Thực hiện tốt công tác dân vận của hệ thống chính trị; phát huy quyền làm chủ, đáp ứng lợi ích thiết thực của nhân dân; huy động sức dân phải đi đôi với bồi dưỡng sức dân; những gì có lợi cho dân thì hết sức làm, những gì có hại cho dân thì hết sức tránh.

Phát huy vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc. Đẩy mạnh thực hiện các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước; động viên nhân dân tích cực tham gia các phong trào thi đua.

Tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh; xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia. Nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, đấu tranh làm thất bại âm mưu “diễn biến hòa bình”, chia rẽ khối đại đoàn kết các dân tộc của các thế lực thù địch.        

Sông Côn

Chuyên mục khác