Chi bộ Phòng GD&ĐT Tu Mơ Rông: Phát huy vai trò lãnh đạo toàn diện

15/10/2023 06:09

Trong những năm qua, bên cạnh sự quan tâm đầu tư của Trung ương, tỉnh và huyện, Chi bộ Phòng GD&ĐT Tu Mơ Rông đã phát huy vai trò lãnh đạo toàn diện, đưa ngành Giáo dục và Đào tạo phát triển vượt bậc, góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho địa phương.

Thầy giáo Lê Văn Hoàng- Trưởng Phòng Giáo dục đào tạo huyện Tu Mơ Rông cho biết, những năm qua, GD&ĐT địa phương tiếp tục phát triển về quy mô; chất lượng giáo dục ngày càng nâng lên. Tỷ lệ huy động trẻ ra lớp đạt 98,2%.

Hệ thống trường, lớp, nhà công vụ giáo viên được đầu tư xây dựng đáp ứng nhu cầu học tập của con em đồng bào DTTS tại chỗ và sinh hoạt của đội ngũ giáo viên.

Riêng trong năm học 2022-2023, quy mô trường lớp tiếp tục được sắp xếp tinh gọn, hiệu quả, đáp ứng được nhu cầu học tập của học sinh. Cơ sở vật chất phòng học, trang thiết bị dạy học được quan tâm đầu tư đảm bảo cho việc triển khai CTGDPT 2018. Chất lượng giáo dục ngày càng được nâng cao, nhất là đối với học sinh DTTS.

Hiện nay, huyện Tu Mơ Rông có 25 trường mầm non và phổ thông, gồm 11 trường mầm non, 3 trường tiểu học, 8 trường tiểu học và trung học cơ sở, 03 trường trung học cơ sở (THCS). Trong đó đã có 10/26 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 38,46%.

Toàn ngành hiện có 709 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, trong đó, cấp THCS có 197 giáo viên (87,8% đạt chuẩn và trên chuẩn); cấp tiểu học có 217 giáo viên (74% đạt chuẩn); cấp mầm non có 166 giáo viên (89,2% đạt chuẩn và trên chuẩn).

Đội ngũ giáo viên toàn cấp học có phẩm chất đạo đức nghề nghiệp tốt, có tinh thần trách nhiệm đối với công việc, có ý chí vươn lên, tích cực học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cơ bản đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục tại địa phương.

Tỉ lệ huy động trẻ trong độ tuổi ra lớp được duy trì. Tổng số trẻ em, học sinh là 8.221 (7.972 trẻ em, học sinh DTTS), tăng khoảng 300 trẻ em, học sinh so với năm học 2021-2022. Trong đó, mầm non có 2.439 trẻ (2.335 trẻ DTTS); tiểu học có 3.399 học sinh (3.290 học sinh DTTS); THCS có 2.350 học sinh (2.311 học sinh DTTS).

Cơ sở vật chất trường lớp ngày càng khang trang. Ảnh: PVX

 

Để đạt được bước tiến đáng ghi nhận trên, bên cạnh sự quan tâm đầu tư của Trung ương, tỉnh và huyện, ngay từ đầu năm học, Chi bộ Phòng GD&ĐT Tu Mơ Rông đã phát huy vai trò lãnh đạo toàn diện, chất lượng và hiệu quả.

Theo thầy giáo Phạm Văn Xuân- Phó Bí thư Chi bộ, Phó trưởng Phòng GD&ĐT, Chi bộ luôn bám sát chương trình, kế hoạch công tác năm của Ban Thường vụ Huyện ủy, chương trình công tác năm của Chi bộ để lãnh đạo, chỉ đạo toàn thể cán bộ, đảng viên thực hiện nhiệm vụ được giao.

Tập thể chi bộ, lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo thực hiện đúng chức năng nhiệm vụ được giao. Cụ thể là tham mưu cho Ban Thường vụ Huyện uỷ, UBND huyện các nhiệm vụ liên quan đến lĩnh vực GD&ĐT kịp thời, chất lượng và đúng thời gian quy định.

Lãnh đạo toàn ngành GD&ĐT huyện nỗ lực khắc phục khó khăn, tập trung triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng dạy và học; đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh. Đẩy mạnh tuyên truyền đến cha mẹ học sinh thực hiện tốt công tác vận động học sinh ra lớp, duy trì chuyên cần, ổn định các hoạt động giáo dục, đào tạo.

Việc thực hiện Kế hoạch số 32-KH/TU, ngày 28/10/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị và Chuyên đề riêng của tỉnh gắn với thực hiện tự phê bình và phê bình những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ theo tinh thần Nghị quyết TW4 khóa XII được Chi bộ quan tâm lãnh đạo đẩy mạnh.

Qua đó, nhận thức của cán bộ, đảng viên, viên chức, giáo viên và người lao động trong toàn ngành về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị, Chuyên đề toàn khóa, Chuyên đề riêng của tỉnh về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh tiếp tục được nâng lên. Việc học tập và làm theo Bác đã trở thành việc làm thường xuyên ở nhiều tập thể, cá nhân.

Nhiều hoạt động bổ ích được tổ chức nhằm nâng cao kỹ năng và nghiệp vụ sư phạm. Ảnh: PVX

 

Đặc biệt, đã chú trọng lãnh đạo triển khai có hiệu qủa công tác giáo dục dân tộc. Trong đó, tập trung triển khai có hiệu quả Nghị quyết 02-NQ/TU ngày 06/5/2021 của Tỉnh ủy Kon Tum về nâng cao chất lượng giáo dục đối với học sinh DTTS tính đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Thực hiện có hiệu quả các hoạt động tăng cường tiếng Việt cho học sinh tiểu học vùng DTTS năm học 2022-2023, chú trọng việc xây dựng môi trường giao tiếp tiếng Việt cho học sinh qua các hoạt động dạy học thông qua môn tiếng Việt và các môn học khác.

Triển khai đưa tài liệu bổ trợ ngôn ngữ cho học sinh tiểu học DTTS tích hợp vào các hoạt động dạy học/giáo dục, đặc biệt là tăng cường ở các tiết đọc thư viện của nhà trường; giáo dục văn hóa truyền thống trong các trường PTDTBT được đổi mới và triển khai hiệu quả.

Các chính sách, chế độ phát triển giáo dục vùng DTTS được triển khai kịp thời, hiệu quả. Hệ thống các trường PTDTBT cơ bản ổn định đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh. Chất lượng giáo dục và đào tạo trong các trường PTDTBT được nâng cao; quy mô, số lượng học sinh DTTS hàng năm đều tăng.

Hưởng ứng Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững”, ngành GD&ĐT huyện đã có nhiều mô hình và cách làm hay được triển khai như: Mô hình bán trú dân nuôi, mô hình cặp lồng cơm cho trẻ đến trường, góp phần duy trì sĩ số, nâng cao chất lượng giáo dục.

Đồng thời, ngành GD&ĐT huyện tiếp tục đổi mới quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục và đào tạo. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức hoạt động hiệu quả; thực hiện nghiêm túc kỷ luật, kỷ cương hành chính, văn hóa công sở.

Năm học 2023-2024, ngành GD&ĐT huyện Tu Mơ Rông sẽ rà soát quy hoạch mạng lưới trường lớp, sắp xếp các đơn vị sự nghiệp theo hướng tinh gọn, hiệu lực hiệu quả. Tiếp tục triển khai có hiệu quả CTGDPT, đặc biệt là CTGDPT 2018; tiếp tục thực hiện đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy học theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất học sinh; tăng cường các hoạt động thực hành, hoạt động trải nghiệm, vận dụng kiến thức vào thực tiễn, phù hợp với tình hình thực tế của nhà trường, địa phương và khả năng học tập của học sinh.

Thực hiện Đề án nâng cao chất lượng giáo dục đối với học sinh DTTS tính đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và đẩy mạnh công tác chuyển đổi số trong quản lý và dạy học, khai thác và sử dụng có hiệu quả kho học liệu điện tử. Phấn đấu 72.7% số trường mầm non, 100% số trường tiểu học, 100% số trường THCS, 70% số trường TH-THCS đạt chuẩn quốc gia

Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm học, Chi bộ sẽ nỗ lực xây dựng chi bộ trong sạch, vững mạnh; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và đội ngũ đảng viên, nhất là trong đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí và các biểu hiện tiêu cực trong cơ quan- thầy giáo Phạm Văn Xuân cho hay.

Bên cạnh đó, thực hiện đúng các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, chế độ tự phê bình và phê bình; thực hiện có nề nếp và nâng cao chất lượng sinh hoạt đảng, nhất là sinh hoạt chi bộ, bảo đảm tính lãnh đạo, tính giáo dục và tính chiến đấu.

Lãnh đạo cán bộ, công chức và người lao động đề cao tinh thần trách nhiệm, tham gia xây dựng và thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chính trị của cơ quan. Phát huy tính chủ động, sáng tạo, làm tốt chức năng tham mưu, nghiên cứu; không ngừng cải tiến lề lối, phương pháp làm việc, nâng cao hiệu quả công tác, thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao.

Giáo dục, rèn luyện đội ngũ đảng viên nêu cao vai trò tiên phong, gương mẫu, thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao; xây dựng kế hoạch và tạo điều kiện để đảng viên thực hiện nhiệm vụ học tập, không ngừng nâng cao trình độ về mọi mặt. Tiếp tục triển khai tốt công tác bồi dưỡng đội ngũ nhằm đáp ứng tốt việc triển khai CTGDPT 2018 đối với lớp 1, 2, 3, 4, 6, 7, 8 và Tài liệu giáo dục địa phương đảm bảo cho năm học tiếp theo.

Đẩy mạnh lãnh đạo khắc phục những hạn chế như cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học ở một số đơn vị trường còn thiếu, chưa đồng bộ so với yêu cầu triển khai CTGDPT hiện hành và CTGDPT 2018, nhất là thiết bị dạy học ngoại ngữ, tin học, thiết bị thí nghiệm, thực hành; hệ thống nhà ăn, nhà bếp, của nhiều trường PTDTBT còn thiếu so với nhu cầu; tình trạng thiếu giáo viên; năng lực của một bộ phận CBQL giáo dục, giáo viên chưa đáp ứng tốt so với yêu cầu tổ chức triển khai CTGDPT 2018; công tác phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp THCS, THPT còn thấp.

Phạm Văn Xuân

Chuyên mục khác