Chặt chẽ hơn trong đánh giá, kiểm điểm tập thể, cá nhân

17/10/2023 06:05

Kết quả đạt được và những hạn chế, khuyết điểm qua kiểm điểm, đánh giá, xếp loại chất lượng tổ chức cơ sở đảng, đảng viên và tập thể, cá nhân cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp là cơ sở để rút kinh nghiệm và đề ra giải pháp cho việc kiểm điểm, đánh giá, xếp loại sát thực và hiệu quả hơn.

Trước đó, ngày 8/3/2018, Bộ Chính trị ban hành Quy định số 132-QĐ/TW về kiểm điểm và đánh giá, xếp loại chất lượng hàng năm đối với tập thể, cá nhân trong hệ thống chính trị. 

Sau khi Quy định số 132 được ban hành, trong các năm qua, Tỉnh ủy đã chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền và cả hệ thống chính trị thực hiện nghiêm túc và đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

Trong đó, đã bám sát quy định và hướng dẫn của Trung ương, ban hành kế hoạch, văn bản hướng dẫn tổ chức thực hiện. Chú trọng kiểm điểm kết quả thực hiện các nghị quyết của Trung ương về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW; kết quả khắc phục những khuyết điểm đã được chỉ ra. Quan tâm gợi ý kiểm điểm đối với các tập thể, cá nhân thuộc quyền quản lý.

Báo Kon Tum tổ chức Hội nghị Sơ kết công tác quý III/2023, triển khai nhiệm vụ quý IV/2023. Ảnh: SC

 

Chỉ tính riêng năm 2022, qua kiểm điểm và đánh giá, xếp loại chất lượng, có 2/14 đảng bộ xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ (Đảng bộ thành phố Kon Tum và Đảng bộ huyện Kon Rẫy); 11/14 đảng bộ hoàn thành tốt nhiệm vụ, 1/14 đảng bộ hoàn thành nhiệm vụ.

Đối với TCCSĐ, có 658/668 TCCSĐ đã đánh giá, xếp loại chất lượng. Kết quả, có 114/658 TCCSĐ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; 503/658 TCCSĐ hoàn thành tốt nhiệm vụ; 40/658 TCCSĐ hoàn thành nhiệm vụ; 1/658 TCCSĐ không hoàn thành nhiệm vụ.

Về đánh giá, xếp loại chất lượng đảng viên, có 28.769/31.315 đảng viên được đánh giá, xếp loại. Kết quả, có 4.105/28.769 đảng viên xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; 23.072/28.769 đảng viên xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ; 1.384/28.769 đảng viên xếp loại hoàn thành nhiệm vụ; 208/28.769 đảng viên xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ.

Bên cạnh đó, từ tỉnh đến cơ sở đã tiến hành đánh giá, xếp loại 1.378 tập thể và 3.646 cá nhân cán bộ lãnh đạo, quản lý.

Việc kiểm điểm và đánh giá, xếp loại chất lượng hàng năm đã góp phần khích lệ tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, động viên những tập thể, cá nhân phấn đấu khắc phục hạn chế, khuyết điểm.

Bên cạnh những ưu điểm, vẫn còn những hạn chế, khuyết điểm như: Việc kiểm điểm ở một số cấp ủy, tổ chức đảng chưa thực sự cầu thị, chưa mạnh dạn, thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, khuyết điểm, còn tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm trong tự phê bình và phê bình.

Có lúc, có nơi còn nặng về báo cáo thành tích, ưu điểm, chưa thẳng thắn nhận trách nhiệm cá nhân đối với hạn chế, khuyết điểm của tập thể.

Quá trình điểm điểm, đánh giá, xếp loại, phải bảo đảm sự lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp. Ảnh: SC

 

Việc đánh giá, xếp loại chất lượng tập thể và cá nhân ở một số nơi vẫn có biểu hiện bệnh thành tích; tỷ lệ xếp loại tập thể, cá nhân đạt mức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ còn cao hơn quy định.

Ngày 4/10/2023, Bộ Chính trị ban hành Quy định số 124-QĐ/TW, quy định về kiểm điểm và đánh giá, xếp loại chất lượng hằng năm đối với tập thể, cá nhân trong hệ thống chính trị.

So với Quy định 132, ở Quy định số 124, Bộ Chính trị đã bổ sung thêm nhiều tiêu chí, tiêu chuẩn được dùng để đánh giá, xếp loại đảng viên.

Trong đó, về đối tượng kiểm điểm, đối với tập thể, tách rõ hai loại đối tượng là các cấp ủy, tổ chức đảng và tập thể lãnh đạo, quản lý. Đối với cá nhân, bổ sung đối tượng cá nhân được miễn kiểm điểm gồm: Đảng viên bị đình chỉ sinh hoạt đảng; đảng viên mới kết nạp chưa đủ 6 tháng.

Quy định 124 cũng thay đổi khung tiêu chí đánh giá, xếp loại đảng viên; quy định cụ thể hơn về nội dung kiểm điểm đối với cá nhân giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý; thêm trường hợp đảng viên bị xếp loại “Không hoàn thành nhiệm vụ”; bổ sung quy định hướng dẫn về các trường hợp vi phạm từ năm trước hoặc vi phạm ở cơ quan, đơn vị cũ…

Để đưa công tác kiểm điểm tự phê bình và phê bình, đánh giá, xếp loại chất lượng tập thể, cá nhân đảm bảo nghiêm túc, thực chất, trong thời gian tới, các tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, địa phương cần tiếp tục quán triệt sâu sắc, nâng cao nhận thức về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc kiểm điểm, đánh giá, xếp loại chất lượng tập thể, cá nhân hằng năm.

Tập trung cụ thể hóa nội dung kiểm điểm, các tiêu chí đánh giá, tiêu chuẩn xếp loại chất lượng. Nêu cao tinh thần tự phê bình và phê bình, tự soi, tự sửa, thấy được ưu điểm để phát huy, hạn chế, khuyết điểm để khắc phục; chủ động phát hiện, ngăn chặn biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo, tổ chức, cơ quan, đơn vị, nhất là người đứng đầu và từng cán bộ, đảng viên; bảo đảm trung thực, công tâm, khách quan, công khai, đạt được kết quả thực chất.

Quá trình kiểm điểm, đánh giá, xếp loại, phải bảo đảm sự lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp; thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình; giữ vững sự đoàn kết, thống nhất, đúng thẩm quyền, trách nhiệm. Chú trọng phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, trách nhiệm, hiệu quả công việc.

Gắn trách nhiệm cá nhân với tập thể; gắn kết quả của thủ trưởng, người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý với kết quả của địa phương, tổ chức, cơ quan, đơn vị.

Và một yêu cầu quan trọng không kém là cấp trên phải theo dõi chặt chẽ, sâu sát để gợi ý, dự, chỉ đạo kiểm điểm nghiêm túc ở những nơi có nhiều hạn chế, khuyết điểm.

Kiên quyết chấn chỉnh tập thể, cá nhân thực hiện chưa đúng quy định, chất lượng thấp. Chú trọng rút kinh nghiệm để kịp thời khắc phục những hạn chế, khuyết điểm, nhân rộng mô hình mới, cách làm hay, sáng tạo.                                

Sông Côn

Chuyên mục khác