Cán bộ, đảng viên phải rèn luyện “tính đảng”

10/08/2023 06:06

Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên phải rèn luyện “tính đảng”. Người nhấn mạnh: “Mỗi cán bộ, đảng viên phải có tính đảng mới làm được việc. Kém tính đảng thì việc gì cũng không làm nên”.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, cán bộ, đảng viên là những người “đem chính sách của Đảng, của Chính phủ giải thích cho dân chúng hiểu rõ và thi hành. Đồng thời đem tình hình của dân chúng báo cáo cho Đảng, cho Chính phủ hiểu rõ, để đặt chính sách cho đúng”.

Cán bộ, đảng viên là cầu nối giữa Đảng, Chính phủ và nhân dân, vì vậy, phải luôn kiên định mục tiêu, lý tưởng của Đảng. Vì mục đích của Đảng cũng là mục đích của dân tộc, của Tổ quốc. Lợi ích của Đảng chính là lợi ích của dân tộc, của Tổ quốc. Ngoài lợi ích đó, Đảng không có lợi ích nào khác. Vô luận lúc nào, vô luận việc gì, cán bộ, đảng viên luôn phải đặt lợi ích của Đảng lên trước, lợi ích của cá nhân sau.

Đó là nguyên tắc cao nhất của Đảng. Đó là “tính đảng”.

Và Đảng có hiểu rõ tình hình thì đặt chính sách mới đúng. Mà Đảng muốn hiểu rõ thì cán bộ và đảng viên phải điều tra và báo cáo rõ ràng tình hình từng xã, từng huyện, từng tỉnh, từng khu. Nếu không biết rõ tình hình mà đặt chính sách thì kết quả là “nồi vuông úp vung tròn”, không ăn khớp với nhau.

Như vậy, “tính đảng” cũng đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên khi làm bất cứ việc gì cũng phải điều tra rõ ràng, cẩn thận; phải làm đến nơi đến chốn; lý luận và thực hành phải luôn đi đôi với nhau.

Từ khi thành lập đến nay, Đảng ta đặc biệt coi trọng việc rèn luyện “tính đảng” trong mỗi cán bộ, đảng viên. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, những năm gần đây, “tính đảng” cũng bị suy giảm trong một số cán bộ, đảng viên. Tại Đại hội XIII, Đảng ta nhận định: Việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa thường xuyên, có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; vẫn còn tình trạng nói không đi đôi với làm; không tuân thủ nguyên tắc của Đảng - nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ; còn biểu hiện quan liêu, tham nhũng, lãng phí, cá nhân chủ nghĩa, cơ hội, thực dụng, bè phái, gây mất đoàn kết nội bộ, chưa nêu cao ý thức và trách nhiệm trước nhân dân.

Việc thực hiện quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên chưa trở thành nền nếp, hiệu quả chưa cao. Việc đấu tranh với các biểu hiện lệch lạc về đạo đức, lối sống chưa mạnh mẽ. Tự phê bình và phê bình có nơi còn hình thức; tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm còn diễn ra; một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa tự giác nhận khuyết điểm và thiếu trách nhiệm trong công việc.

Cán bộ, đảng viên phải luôn gần dân, sâu sát cơ sở. Ảnh: S.C

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng chỉ rõ, kém “tính đảng” sẽ dẫn đến các căn bệnh: Bệnh ba hoa, bệnh địa phương, bệnh ham danh vị, bệnh thiếu kỷ luật, bệnh cẩu thả, bệnh xa quần chúng, bệnh chủ quan, bệnh hình thức, bệnh ích kỷ, bệnh hủ hóa, bệnh thiếu ngăn nắp, bệnh lười biếng. Và khi đã mắc phải một trong những căn bệnh đó tức là hỏng việc.

Để chữa các căn bệnh ấy, theo Người, phương thuốc tốt nhất là tự phê bình và phê bình. Phê bình là nêu ưu điểm và chỉ rõ khuyết điểm của đồng chí mình. Tự phê bình là nêu ưu điểm và chỉ rõ khuyết điểm của mình. Tự phê bình và phê bình phải đi đôi với nhau. Mục đích là giúp cho mọi người học hỏi ưu điểm của nhau và giúp nhau sửa chữa những khuyết điểm.

Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí  Minh, để khắc phục tình trạng suy giảm “tính đảng” trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, những năm gần đây, Đảng ta đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết, kết luận, quy định nhằm lãnh đạo ngăn chặn sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, nâng cao “tính đảng” của cán bộ, đảng viên hiện nay.

Trong đó có Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; Quy định số 55-QĐ/TW của Bộ Chính trị khóa XII về “Một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên”; Quy định số 08-QĐi/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương”; Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021 Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; Quy định số 114-QĐ/TW ngày 11/7/2023 của Bộ Chính trị  khóa XIII  về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ.

Cùng với các chỉ thị, nghị quyết, Đảng ta cũng thực hiện nghiêm việc kiểm tra, giám sát trong Đảng. Trong quá trình kiểm tra, giám sát, nơi nào sai phạm đều được chỉ rõ để khắc phục, sửa chữa. Kiên quyết chống thói nể nang và che giấu, chống thói “trước mặt thì nể, kể lể sau lưng”.

Tăng cường giáo dục, nâng cao trình độ lý luận chính trị cho mỗi cán bộ, đảng viên. Ảnh: SC

 

Đồng thời, tăng cường giáo dục chính trị, nâng cao trình độ lý luận và bản lĩnh chính trị của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Xác định đây là giải pháp cơ bản, giữ vai trò nền tảng trong nâng cao hiệu quả đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên và phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ tổ chức Đảng.      

Phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong phòng, chống, ngăn chặn và đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, nâng cao “tính đảng” cho cán bộ, đảng viên.

Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng; đây là hạt nhân chính trị ở cơ sở, nơi trực tiếp quản lý, giáo dục, rèn luyện đội ngũ đảng viên. Đảng viên dù giữ cương vị, trọng trách nào cũng tham gia sinh hoạt và chịu sự quản lý, giáo dục, rèn luyện của tổ chức cơ sở đảng.     

Sông Côn

Chuyên mục khác